"Là con trai thì không được yếu đuối, và đừng để cho người khác thấy mình chảy nước mắt"
Đấy là câu nói mà bố đã từng nói với con. Và con cũng thực hiện nghiêm túc đúng lời bố dạy! Nhưng hôm nay ngồi nghĩ lại, nghĩ xem số lần con đã từng khóc là bao nhiêu, là vì ai, vì chuyện gì ... Con phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên, hầu hết những lần con khóc, những lúc con yếu đuối nhất thì đều có liên quan đến bố. Có lẽ không thể nhớ được hết tất cả, nhưng con vẫn nhớ được phần nào những khoảnh khắc đối với con thật đáng trân trọng đó.
Lần đầu tiên con khóc, phải rồi, đó là tiếng khóc chào đời. Mẹ bảo đó là một đêm mưa gió đầu tháng 4. Các cụ thường bảo con đầu lòng là con so, vì thế lần sinh con đầu tiên bao giờ cũng khó khăn. Đêm ấy mẹ chuyển dạ, bố vội vàng đưa mẹ đi trạm xá. Bình thường thì chỉ đau tầm khoảng vài tiếng là đẻ được rồi, nhưng có lẽ con còn quyến luyến trong bụng mẹ lắm nên gần một ngày rồi vẫn chưa chịu ra. Y tá ở đấy nói rằng bụng mẹ khá to và có thể phải mổ. Mà thời bấy giờ thì thiếu thốn nhiều lắm, chờ mổ được cũng đến đời nào rồi. Bố thì chỉ biết đi lại loanh quanh, buồn bực, lo lắng vì không giúp được gì. Nhưng nhờ có một bác gái già ở đó mà cuối cùng mẹ con con cũng ổn cả. Con nhớ mỗi lần mẹ kể đến đoạn này đều không nhịn được cười. Hóa ra là bác gái già ấy bày cho bố cách dân gian các cụ truyền lại là phải xuống nước kéo thúng (thuyền nan gì đó) thì vợ mới dễ đẻ. Và bố không chậm trễ đêm mưa gió lạnh lẽo lội xuống bến tàu gần đấy. Con không biết là có linh thiêng thật hay không, chỉ biết có lẽ ông trời già thương tình, cuối cùng thì thằng cu nặng tròn 4kg béo trắng cũng ra đời. Và con đã đến với bố bằng những tiếng khóc đầu tiên như thế.
----
Lần thứ hai con khóc, cũng là mẹ kể lại, đó là lần ốm thập tử nhất sinh duy nhất trong đời con tính cho đến bây giờ. Bây giờ cũng chẳng nhớ là bệnh gì, mẹ bảo tên Tây - Tàu khó nhớ lắm. Chỉ biết bố mẹ đã được thông báo chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Mẹ kể đó là những đêm ám ảnh nhất đối với mẹ. Nhìn con xanh xao, khóc ngặt nghèo, phải mở cả khóa đầu để truyền dịch. Bố đã không ăn không uống liên tục trong 3 ngày đêm chỉ để ngồi trông con. Lúc ấy con chỉ mới hơn 2 tuổi, nằm thoi thóp ở đó. Mẹ bảo chính vì lần con ốm đó mà bố mẹ như già đi cả chục tuổi, và con cũng bị ảnh hưởng cho đến tận bây giờ vì dùng kháng sinh liều cao nhiều quá. Thật may vì cuối cùng cũng vượt qua được. Sau này cũng chẳng bị thêm bệnh gì, cũng không phải mổ xẻ gì cả. Nhưng lại hay ốm vặt. Bố gọi con là "cây cảnh " cũng vì thế.
----
Lần thứ ba con khóc. Là lúc con 6 tuổi. Con nhớ hồi đó con rất nghịch và thường hay trốn đi chơi với bạn bè. Hồi đấy mẹ đi làm toàn nhốt con ở nhà, vì nếu không thế thì con có thể đi tít mít từ sáng đến chiều tối mới về. Đám trẻ con ở xóm công nhân nhà mình cũng đông đảo. Thế nên toàn rủ nhau không lên đồi hái sim thì đi vặt trộm hoa quả ở xóm bên cạnh, trêu chó nhà người ta. Con nhớ hồi đấy con tuy không lớn nhất hội nhưng toàn là thằng cầm đầu làm trò. Lại toàn trò nghịch dại. Và lần con ăn đòn đau từ bố cũng từ những lần tai hại ấy.
Đó là lần ăn trộm ổi bất thành, đã thế lại bị chó cắn và bị chủ nhà trói tay mang đến nhà mắng. Bố đã rất tức giận và đánh con rất đau, phải rồi, chuyện mất mặt như thế mà. Con nhớ con đã bị đánh đến tóe máu chân và nếu mẹ không can thì chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa. Đến bây giờ chân con vẫn con vết sẹo đó. Và thỉnh thoảng mẹ vẫn kể lại như một kỉ niệm đáng nhớ. Bố thì chẳng nói gì, nhưng con biết, từ sau lần ấy bố không bao giờ đánh con một lần nào nữa, vì một vết sẹo đối với con đáng giá nhiều hơn thế.
----
Lần thứ tư con khóc. Đó là một câu chuyện buồn. Con nhớ hồi đó con học lớp 6, 7 thì phải. Năm đó nhà mình thật sự khó khăn. Công ty thua lỗ, lương công nhân chẳng đủ sống. Mẹ phải làm nửa buổi, nửa buổi đi bán trứng vịt lộn ở chợ. Bố cũng đi làm trên công trường nửa ngày, nửa ngày thì đi đào than ở mấy lò tự phát trên núi rồi gánh về bán. Con nhớ đó là những ngày hai anh em phải tự ăn cơm một mình với nhau nhiều nhất. Mà hoàn cảnh như thế, bố mẹ cũng đều khó tính và khó kiềm chế. Bố mẹ thường xuyên cãi nhau. Đến tuổi đó con cũng nhận ra được phần nào, thường là những lúc đó con đều bế em đi chơi rồi một lúc lâu sau mới dám quay về. Nhưng có một lần con đã không kiềm chế nổi, cũng có thể bởi chuyện như thế xảy ra quá nhiều dẫn đến ức chế, cũng có thể con bị ảnh hưởng bởi tâm trạng một phần nào đó của bố mẹ.
Con nhớ lần đó bố mẹ cũng cãi nhau to, em thì nằm khóc ngặt ngèo ở ghế. Có lẽ không chịu được và muốn làm một cái gì đó mang tầm "ý kiến". Con đã trước mặt bố mẹ cầm đĩa hoa quả ném vỡ giữa nhà rồi đùng đùng bỏ đi mà không nói câu gì. Con chạy rất nhanh. Và gần như cả đêm đó con không về. Đên bây giờ mẹ kể lại, đó là lần hốt hoảng nhất trong đời bố mẹ. Vì một đứa trẻ mới 12, 13 tuổi ra đường ban đêm biết đi đâu? Mẹ đã gần như hoảng loạn khi chạy đi tìm con, và bố thì dường như chết sững.
Thực ra con chẳng đi đâu xa cả, con chỉ tìm một chỗ kín đáo ngồi khóc, và khóc xong thì ngủ quên luôn tại đấy. Đến bây giờ kể lại, mẹ bảo từ đêm đấy, tối nào bố ngủ cũng vắt tay lên trán và thở dài. Mẹ bảo đó là những tiếng thở dài nặng nề và bất lực của bố. Cũng chính từ lần đấy mà bố mẹ mới chính thức đặt con ở vị trí mà bố nói đùa là "không nên kích động". Và sau này, dù to tiếng, thì hoặc là không ở trước mặt con hoặc là nếu có thì số lần bố liếc con luôn nhiều hơn liếc mẹ. Từ ngày con học xa nhà, chẳng biết còn thế nữa không, nhưng thấy mẹ bảo con có thằng em còn "dễ kích động" hơn thằng anh. Thế là đủ rồi!
----
Lần thứ năm con khóc. Có lẽ lần này cũng là lần khó quên nhất, và cũng chính từ lần này mà con có sở thích ăn đồ cay. Con nhớ đó là những năm con học lớp 9, chuẩn bị ôn thi vào cấp 3. Những ngày đó bố cũng không phải đi đào than nữa, nhà mình dành dụm được tiền mua một chiếc xe máy, bố ban ngày đi làm, buổi tối chạy xe ôm. Tối nào cũng 11h hơn bố mới về, rồi ngồi kiểm tra thành quả cả tối, vuốt từng tờ 1.000, 2.000 đồng. Bố bảo chạy xe ôm buổi tối vừa đỡ phí phiếu xăng bố được phát, lại vừa có tiền cho con ăn sáng.
Con cũng chẳng biết chạy xe ôm, nghề mà mẹ bảo vừa mệt vừa nguy hiểm, ở cái nơi mà tệ nạn nhiều gần nhất tỉnh này có thật sự chỉ là "niềm vui" và "tranh thủ" như lời bố nói không. Con chỉ biết phải ăn sáng và phải học - như bố dặn. Với con những tờ 1.000, 2.000 bố chạy xe ôm là bát phở, là gói xôi, là chiếc bánh mỳ, là hộp đậu nành bố giúi vào cặp con mỗi sáng.
Nhưng con nhớ nhất vẫn là những lần con cùng bố đi ăn sáng. Hồi đấy 2 bố con ăn phở thì ít, chủ yếu là ăn bánh mỳ kẹp pate. Nhưng lần nào ăn bố cũng gạt pate sang bên chiếc của con, còn bố lấy lại rau thơm và xịt thật nhiều ớt. Con thì dĩ nhiên là càng nhiều pate ăn càng béo, càng thích rồi. Con chỉ không hiểu sao bố không ăn, thì chỉ thấy bố bảo bố không thích vị mỡ và thích ăn cay.
Tận mãi sau này, khi mẹ bảo bố thực ra chỉ thích ăn thịt mỡ và đồ có mỡ nhiều, con mới thấy đau lòng, mới biết bố yêu và hi sinh cho con từ những điều giản dị nhất. Đến năm lớp 12, con đã thử ăn bánh mỳ chỉ kẹp rau thơm và tưới thật nhiều tương ớt lên đó. Đó cũng là lần đầu tiên con khóc trước mặt người khác, con đã ăn hết chiếc bánh mỳ đó và khóc như một đứa trẻ. Tuy nhiên lý do đưa ra với bạn bè là vì "cay quá". Con chẳng dám nói rằng con đã trưởng thành và khôn lớn từ những chiếc bánh mỳ đặc biệt đó. Với con đó mãi mãi là chiếc bánh mỳ "pate" ngon nhất và đắt nhất mà con đã từng được ăn. Và trong sở thích ăn uống của con, vị cay đã trở thành vị không thể thiếu.
----
Lần thứ sáu con khóc. Đó là lần con thi đại học. Bố cùng con lên Hà Nội, chuẩn bị những ngày "vượt cạn " . Hai bố con cũng may mắn vì không phải thuê trọ ngoài mà ở nhà họ hàng. Cho đến lúc đó con mới biết bố cũng chẳng kém mẹ về khoản chăm sóc con cái. Cho dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất. Những món bố nấu luôn lạ và hợp khẩu vị với con, lại đủ chất. Con hầu như chẳng phải làm gì, chỉ chuẩn bị tinh thần tốt chờ ngày thi mà thôi. Tuy nhiên, ngày thi đầu tiên không được như ý, con làm bài không tốt. Áp lực thi lúc đó với con thật là quá lớn.
Đêm chuẩn bị ngày thi thứ 2 con không ngủ được, cứ trằn trọc lăn qua lăn lại. Con thật sự rất lo lắng và sợ hãi. Nhưng con đã vượt qua tất cả, chỉ nhờ một cái xoa lưng của bố. Ba năm học cấp 3 xa nhà, thật sự đã quên mất cảm giác xoa lưng ru ngủ của bố như thế nào. Thế nên tất cả lại như lần đầu tiên. Bàn tay to bè, chai sạn của bố ốp lên lưng con, gãi gãi, xoa xoa, giọng bố chỉ thì thầm: "Ngoan, ngủ đi, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi, đừng lo lắng gì cả". Thật sự mọi ức chế như được giải tỏa ngay lập tức lúc đó, thậm chí con còn có cảm giác mình như trở về lúc 3, 4 tuổi, chỉ muốn khóc thật to. Con quay lưng ra phía bố, ý là muốn bố xoa lưng thêm, thật ra là con không muốn bố nhìn thấy con chảy nước mắt đấy. Và đó là một trong những giấc ngủ ngon nhất của con từ trước tới giờ.
----
Lần thứ bảy con khóc. Đó là vì con nhìn thấy bố khóc. Đó là mỗi lần giỗ ông nội. Là lần bố xem chương trình trực tiếp tìm hài cốt liệt sĩ. Là lần bố xem "Như chưa từng có cuộc chia ly" kể vể chuyện người lính tìm lại gia đình thất lạc của mình 45 năm trời. Khi đó con mới giật mình. Bố mất ông nội khi còn quá nhỏ. Đau lòng hơn khi hài cốt của ông chưa được tìm thấy. Phận làm con chưa được hoàn thành khiến bố day dứt. Mỗi lần giỗ ông, con đều thấy mắt bố vằn lên những tia màu đỏ. Bố đã đi khắp các chiến trường, khắp các nghĩa trang liệt sĩ, mời đủ thầy... nhưng vẫn chưa một lần toại nguyện.
Con nhớ lần bố xem "như chưa từng có cuộc chia ly" , khi thấy người con trai tưởng cha mình đã hi sinh nay sau 45 năm đột ngột trở về, sự vui sướng và hạnh phúc bao nhiêu, con nhìn bố nắm chặt tay, như ngăn nước mắt chảy ra mà mắt con cũng ửng đỏ. Sâu trong bố là sự thiếu thốn, là thèm khát tình cha, đó có lẽ là một phần yếu đuối của bố. Có lẽ vì thế mà với hai thằng con trai của bố, bố dồn luôn cả tình cảm người cha mà bố vẫn khao khát đó. Và đó chính là điều may mắn và hạnh phúc nhất mà con có được.
----
Bây giờ thì con cũng chả nhớ nối là còn lần nào con khóc nữa không, và có liên quan đến bố không. Con của bố mà, đâu dễ dàng chảy nước mắt như thế. Nhưng điều đó chẳng thể nào phủ nhận được sự tình cảm và lòng yêu thương mà con được cho từ bố. Và cũng chẳng cần phải nói nhiều thì con cũng biết bố yêu con như thế nào.
Bố vẫn gọi điện cho con nhiều hơn mẹ, hỏi han nhiều hơn mẹ, mắng ít hơn mẹ, thậm chí bố nói "Bố nhớ anh thì bố gọi" nhiều hơn mẹ. Con về nhà, bố vẫn là người nấu ăn cho con nhiều hơn, vẫn rủ con sáng dậy sớm đi ăn sáng với bố rồi về ngủ tiếp, đêm bố cũng là người mắc màn cho con, con ốm cũng là bố thức đêm trông con. Bố hài hước, hay nói phét, hay bông đùa, nhưng là người nóng tính và cố chấp. Và con có 99,99% điều đó từ bố. Bây giờ về quê , bà nội cũng chả gọi là thằng Hùng, thằng Sò của bà, mà toàn gọi là thằng "Long con " - vì con giống bố mà.
Con cũng chẳng dám nói những lần con đã làm bố đau lòng như thế nào. Nhưng con nhớ. Rất rõ. Đó có thể là lần con trộm cắp bị bắt quả tang ( đã nói ở trên ). Đó có thể là lần đầu tiên con bỏ nhà đi cả đêm. Đó cũng có thể là lần con trước mặt bố mà nói rằng con ghen tị với các bạn ở lớp, vì các bạn có bố mẹ là giáo viên, công chức, quan chức; còn con có bố chỉ là công nhân kiêm xe ôm. Đó cũng có thể là lần con chơi điện tử đêm bị cô giáo gọi điện về nhà và được bố xin phép nghỉ học 1 tuần để "về nhà chơi cho đã" . Đó cũng có thể là lần con dối bố mẹ xin tiền đi du lịch bụi một mình. Đó cũng có thể là lần kết quả học tập đại học của con quá kém ...
Là con cái, có lẽ cũng chẳng tránh nổi những sai sót. Và là bậc cha mẹ, dù hết sức chăm sóc con cái trong khả năng của mình, nhưng để được con cái thừa nhận và biết ơn vì điều đó, có lẽ còn cần một thời gian dài . Để khi được nghe con cái nói rằng "Con biết ơn bố mẹ đã sinh con ra và nuôi con khôn lớn trưởng thành, con biết ơn những vất vả, những khó khăn bố mẹ đã trải qua để nuôi nấng con, con biết ơn những khi nhà mình bần hàn nhưng con vẫn được đủ đầy, con biết ơn những khi con sai sót vẫn được bao dung. Con biết ơn vì mình đã được sống, được hít thở, được yêu thương và được có một nơi để trở về" - Bố mẹ có thể an tâm rằng mình đã nuôi dạy được một đứa con trường thành trọn vẹn.
Và đó là những điều con muốn nói. Bố ạ.
Viet Hung
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu.