Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Câu chuyện tình cờ trên xe bus
Hôm nay tôi phải đi công tác, bước lên xe bus với một cái vali to đùng. Đứng nép mình trong một góc xe để khỏi va chạm. Có một bác trai đứng gần đó, cố gắng để tìm một chỗ tựa cho khỏi bị nghiêng người.
Câu chuyện tình cờ trên xe bus Hôm nay tôi phải đi công tác, bước lên xe bus với một cái vali to đùng. Đứng nép mình trong một góc xe để khỏi va chạm. Có một bác trai đứng gần đó, cố gắng để tìm một chỗ tựa cho khỏi bị nghiêng người.

Lưng bác đè nặng tay tôi, tôi thấy khó chịu và tìm cách tránh ra. Bác vẫn loay hoay để có thể đứng vững, điều hay gặp đối với một người chưa quen đi xe bus.

Một lần nữa, chân bác dẫm vào giầy tôi. Tôi không bị đau chân nhưng vì xót đôi giầy mới mua nên đã kêu “Á”. Bác ấy quay ra cười xin lỗi, tôi cũng nhã nhặn bảo: “Không có gì ạ”, rồi co một chân lên để cho bác ấy đứng thoải mái. Tôi đã quen đi xe bus như vậy.

Khi cả tôi và bác ấy đã ổn định với tư thể chẳng giống ai, tôi mới nhìn xuống tay bác, là một cái đơn thuốc của bệnh viện tâm thần Hà Nội. Bác hỏi đường đi sang Bệnh viện Sài Đồng. Có một cô bên cạnh trả lời. Rồi tôi nghe câu chuyện của hai người xa lạ gặp nhau, một câu chuyện trong sự ngột ngạt khó chịu trên chiếc xe đông kín hành khách buổi sáng ngày đầu tuần.

Qua lời bác kể, tôi được biết đây là lần thứ hai bác ấy đi sang Sài Đồng để mua thuốc cho đứa con gái bị tâm thần đã 8 năm nay. Con gái bác bị bệnh từ năm 17 tuổi, chạy chữa khắp nơi và không có kểt quả và bây giờ đang điều trị tại bệnh viên tâm thần Hà Nội. Cũng có một thời gian bác phải ở cùng con gái trong bệnh viện nhưng vì ở nhà còn một bà vợ nặng tai nên đành phải đưa con về nhà, vừa tiện đường chăm sóc con vừa trông nom nhà cửa.

Cô con gái của bác rất thích hoa sen, nghe nhạc nhẹ và đặc biệt thần tượng ca sỹ Mỹ Tâm. Ăn tốt, ngủ tốt và rất có trách nhiệm với bản thân. Thường xuyên nghe đài và xem ti vi, thấy quảng cáo thuốc gì là bắt bố đi mua bằng được.

Bác kể về đứa con gái bị bệnh của mình như vậy, nhưng không hiểu sao, tôi lại thấy trong giọng nói, trong phong thái của bác như tràn đầy sức sống và niềm hi vọng. Bác nói con gái bác coi như không có tương lai nhưng sao tôi lại cảm thấy bác không quá buồn vì điều đó, bác là người vô tư hay đã đạt đến đỉnh cao trong quá trình rèn luyện tâm trí để chấp nhận mọi biến cố khắc nghiệt của cuộc đời. Bác kể rằng, tuy vợ bác bị điếc nhưng làm ruộng rất tốt, chỉ cần bác hướng dẫn là việc gì cũng làm được. Bây giờ, bác không phải trực tiếp làm ruộng nhiều nhưng sáng nào bác cũng đi xung quanh mấy sào ruộng để rèn luyện tâm tính và sức khỏe, để còn có sức tính cho tương lai.

Bác kể chuyện với giọng đều đều tự nhiên nhưng tôi cảm giác có điều gì đó trong con người đang kể chuyện ấy khiến tôi phải lắng nghe, phải dõi theo câu chuyện và cảm nhận được nghị lực phi thường của bác.

Bác kể, con gái bác bị như vậy là giống bác ngày xưa. Bác là bộ đội chiến trường Quảng Trị. Năm 1974 bác bị thương nên ra quân, sau khi về nhà do mang theo tâm lý là gánh nặng của gia đình, do căng thẳng và nhớ chiến trường, bác đã hóa điên và đi bộ khắp đất nước từ đó. Năm 1982, bác đến Tây Nguyên và dừng chân tại đó, núi rừng yên tĩnh đã giúp bác tìm lại thăng bằng. Sau khi ổn định được 3 năm, bác mới mới quay về quê hương. Lúc đó tuổi bác đã cao và lấy một người phụ nữ nặng tai về làm vợ. Bác sinh đứa con gái đầu lòng khi tuổi 50.

Nhiều người khác trên xe đã đưa ra một vài lời bình xét khi họ nghe được câu chuyện, mặc dù bác nói vừa phải chỉ để cho người khách xa lạ kia nghe. Đàn bà thì bảo nhà bác nên đi lễ bái, đàn ông thì bảo nhà bác phải làm chế độ cho cô gái đó theo diện nạn nhân chất độc màu da cam, lớp trẻ thì cười bảo: còn biết thần tượng Mỹ Tâm thì còn khôn chán, chưa tâm thần được đâu….

Mỗi người một ý kiến………

Tôi lặng im.

Cảm xúc của tôi bị cuốn theo câu chuyện bác kể. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh một cô gái với nụ cười hồn nhiền, cầm trên tay một bó hoa sen, chờ người bố đi về… Lòng tôi lặng xuống và khóe mắt cay cay.

Rồi người bạn xa lạ của bác cũng đến bến, bà xuống xe. Tôi lách ra và bảo: “Bác đi xa ngồi vào ghế này cho đỡ mỏi chân”.

Khi bác ngồi xuống ghế, tôi nhìn kỹ bác hơn, với cái nhìn khâm phục về một người bộ đội của chiến trường Quảng Trị năm xưa, về một thần thái ở tuổi 72 trong cái hoàn cảnh bác đang trải qua. Tuổi 72 mà sáng sáng bác vẫn còn phải nghĩ đến chuyện tính cho tương lai…

Tôi muốn làm điều gì đó, muốn bày tỏ điều gì để thể hiện tình cảm của mình với bác và muốn chia sẻ với hoàn cảnh. Tôi đã im lặng từ đầu câu chuyện. Cũng là lúc tôi sắp phải xuống xe. Lúc này tôi chẳng nghĩ ra được gì ngoài việc sẽ đưa tiền cho bác ấy. Có thể mọi người sẽ nghĩ tôi là đứa thực dụng, không có cách giải quyết nào khác là tiền. Có thể người trên xe sẽ nghĩ tôi dở hơi, có thể hành động của tôi sẽ chạm vào lòng tự ái của bác ấy. Tôi hiểu và liệu chừng tất cả những điều đó…

Nhưng tôi đang cần một điều khác hơn, để bày tỏ tấm lòng và sự cảm thông của mình. Bác ấy đã có sức mạnh, đã chấp nhận cuộc sống hiện tại và tìm niềm vui ở đó, có thể bác ấy không cần thêm một sự chia sẻ nào của người nghe. Nhưng tôi vẫn muốn, vẫn muốn làm một điều gì đó. Và tôi sẽ vượt qua tất cả những trở ngại đã nghĩ tới. Tôi sẽ làm...

Tôi mở túi và tìm ví, tôi lại để quên ví ở nhà. Trong cái túi nhỏ vẫn thường đeo ở tay chỉ có hơn 200 ngàn đồng. Tôi lấy 200 ngàn ra và xếp ngay ngắn, ngồi xuống và đặt tay lên tay bác, tôi nói: Bác ơi, cháu nhờ bác một việc, tý bác về mua hoa sen cho con gái bác hộ cháu.

Đúng như tôi nghĩ, bác ấy bất ngờ và bảo: Cháu đừng làm vậy, bác và con gái bác đều được nhà nước lo, bác vẫn hay mua hoa sen cho nó mà.

Lúc đó gần như tôi không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, nước mắt rơi ra, tôi đưa tiền vào túi áo bác và vội vàng xách va li để ra cửa xuống xe mặc dù còn 2 bến nữa mới là bến cần xuống.

Bác ấy đứng dậy và hỏi vội vàng: Cháu tên gì, cháu ở đâu?

Tôi quay lại, cười và nói: Bác giữ gìn sức khỏe!

Tôi ra cuối xe, lúc này xe đã vắng người. Tôi nhìn lên và thấy bác lấy tay áo quệt lên mặt.

Tôi hiểu, dù ở trong hoàn cảnh nào, có bản lĩnh và sức mạnh đến đâu thì con người ta vẫn cần lắm những sẻ chia trong cuộc đời.

Bến xe sau tôi xuống… Tôi hi vọng mình đã biết chia sẻ đúng cách.

Hoàng Lan

Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu.


Tin đã cập nhật trước đó
   Cha và con gái rượu
Ngày con sinh cháu, cha đạp xe khắp nơi tìm lá mít đun nước mang đến bệnh viện cho con...

   Đi phượt Trường Sơn trong...
Trên hai con ngựa sắt, tôi cùng với hai chiến hữu bắt đầu hành trình xuyên dãy Trường Sơn huyền...

   Ảo tưởng mối tình đầu
Tôi đã xây dựng một hình ảnh của anh thật lung linh để rồi khi gặp mới biết đó chỉ...

   Nhắn gửi cậu út
Hãy hạnh phúc vì mình đã sinh ra sau cùng trong gia đình này, được nhiều người lo lắng quan...

   Sợ còi xe Hà Nội
Có lẽ những nhà thiết kế ra xe máy đã không tính hết được, chiếc còi xe họ tạo ra...

   Đừng nhường em cho người...
Anh bảo sợ mất em vì xung quanh em có nhiều người có điều kiện kinh tế tốt hơn anh,...

   Sự thật về con mẹ...
Khi nói điều này ra, con không biết mẹ sẽ ôm chầm lấy con, khóc nức nở vì thương cho...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top