Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Chợ Tết 'cơ động' trên đỉnh Trường Sơn
Khoảng 3 giờ sáng, đồng bào dân tộc thiểu số đã tụ tập đông đúc tại phiên chợ Tết di động, duy nhất một lần trong năm, trên dãy Trường Sơn.

Khi núi rừng đang còn yên giấc ngủ thì khắp mọi nẻo đường đã nhộn nhịp những bước chân của bà con người Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô... ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Còn các làng bản trên dãy Trường Sơn ở tỉnh Quảng Nam từ tờ mờ sáng chợ Tết “cơ động” xuất hiện ngay đầu đường, đầu bản và có khi ngay trước hiên nhà...

Từ 3 giờ sáng, từng đoàn người đi bộ gùi hàng tiến về phía thị trấn A Lưới. Hàng hoá chỉ là buồng chuối, con gà, ít quả mít hay chỉ vài bó rau. Một em nhỏ chừng 13 - 14 tuổi gùi trên lưng vài nắm chè lá hăng hái tiến về phía chợ, dáng mệt lử vì đã đi quãng đường xa.

Những ngọn đèn soi ánh sáng yếu ớt ở cái thị trấn nhỏ miền cao A Lưới ban đêm trông càng hiu hắt hơn. Anh Hồ Miên, người Pa Cô đang chở bao mít trái và mấy con gà đem bán, ì ạch đẩy chiếc xe đạp lên dốc, cái dốc cao quá anh không tài nào đẩy lên được, mọi người xúm lại phụ anh một tay. Anh Miên bảo rằng: “Mình phải đi chợ Tết từ ban đêm, bán vài con gà để sắm áo quần mới cho con, cho nó vui, nó mừng, còn ban ngày lên rẫy làm nương...”

Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.
Chợ họp trong bóng tối, mặt hàng được bà con đem bán có khi là nải chuối, bắp ngô hay ít rau củ. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.

Người bán ở chợ toàn là bà con dân tộc thiểu số, người mua toàn là những lái buôn người Kinh. Hàng hoá được tập kết thành một chỗ, các lái buôn chạy lui chạy tới giành giật nhau từng nải chuối, con gà... Chợ không một ánh đèn, người bán thì tập hợp hàng thành từng cụm, người mua dùng đèn pin soi rõ từng mặt hàng rồi trả giá, nếu người bán đồng ý thì đem hàng chất vào điểm tập kết và đợi trả tiền.

Cô bé Hương ở thôn A Sóc, xã Hồng Bắc cho biết, em phải dậy từ lúc 2 giờ sáng, vượt gần chục cây số đường rừng mới tới kịp chợ đông, may mà hôm nay bán được nải chuối và hai con gà mái tơ được 120.000 đồng. Số tiền này em dùng để mua một ít mứt, hạt dưa và thịt heo để ăn trong ba ngày Tết.

Cụ Hồ A Teng tranh thủ làm một điếu thuốc cho đỡ lạnh sau khi đã bán hết hàng trong phiên chợ đêm khuya
Cụ Hồ A Teng tranh thủ làm một điếu thuốc cho đỡ lạnh sau khi đã bán hết hàng trong phiên chợ đêm khuya. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.

Trong không khí ồn ào và tấp nập của chợ Tết A Lưới, ở phía bên kia đường, một cụ già đang ngồi bên cạnh một gùi chuối, mắt buồn bã. Chị lái buôn tên Dẫn trả: "Mỗi nải 2.000 đồng được không?". "Không!" - Cụ già lắc đầu và ngồi đợi mãi cho đến lúc trời sáng. Cụ già tên KaTha ở xã Hồng Kim, năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Mệ đến đây từ lúc 3 giờ sáng đợi mãi cho đến giờ mà vẫn không bán được. Mọi hoạt động mua bán của chợ đêm ngưng hẳn khi trời vừa hửng sáng, mọi hàng hoá đều được người dân “thanh toán” xong, ai có việc thì tất tả ra về.

Bất cứ bản làng nào ở các huyện vùng cao Quảng Nam trên dãy Trường Sơn mà mô tô, xe máy có thể len lỏi đến được thì người dân cũng có cơ hội “đi chợ” Tết. Ngày nắng cũng như ngày mưa, những con “ngựa sắt” sẽ mang hương vị Tết đến tại sân gươl, moong, duông (nhà sinh hoạt cộng đồng làng).

Amế Lâd, người dân Cơ Tu ở thôn Achinr, xã Atiêng - Tây Giang, cho biết, mỗi khi cần mua thứ gì, thằng con trai của bà đi bộ băng đường rừng cả ngày mới đến nơi bán hàng. Nhiều khi về say mèm, phải nằm lại dọc đường làm cả nhà đi tìm và lo lắm. Nay đường Trường Sơn mở rồi, xe máy chạy được, cứ vài ngày thì có người chở các thứ đến bán.

Alăng Thị Mết, con dâu của Amế Lâd, góp chuyện: “Tết này, mình không để chồng đi xa nữa đâu. Hôm trước, mình mua được cá và trà rồi. Hai ngày nữa xe lại lên, nhà mình sẽ mua thêm mứt, thêm bánh”. Gia đình của Mết mới được hỗ trợ xoá nhà tạm, Tết năm nay phải chuẩn bị ăn tết vui vẻ.

Chị Trần Thị The, người thường theo chồng đưa hàng hoá từ thị trấn P’rao (Đông Giang) lên các xã khu 4 (Tây Giang), cho rằng, cái nghề buôn bán này trở thành “nghiệp” rồi. Theo lời chị kể, mấy ngày Tết sắp đến, siêng đi cũng kiếm thêm thu nhập cho gia đình, có cái sắm tết và lo cho con ăn học. Mỗi khi chồng bận việc hay bị ốm, chị cùng với “ngựa sắt” băng ngầm, trèo dốc, vượt đường trơn lầy lội trên 60km để lên xã biên giới Axan bán hàng.

"Vất vả lắm chứ! Thậm chí nguy hiểm nữa. Nhưng đã quen thì thấy bình thường. Đầu năm nay, gia đình mình cũng đủ tiền để chi tiêu trong dịp tết”, chị The chia sẻ.

Ông Hồ Chí Thời, chủ tịch huyện A Lưới cho hay, phiên chợ Tết trong đêm ở A Lưới và các chợ “cơ động” ở Quảng Nam không phải là chợ truyền thống, mà nó xuất hiện gắn liền với sự phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn. Đời sống nhân dân giờ đã ấm no, đến dịp gần tết chợ đêm A Lưới cũng như các chợ tự phát trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tự nhiên xuất hiện và ngày càng nhộn nhịp.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)


Tin đã cập nhật trước đó
   Bạn trai tốt không đòi...
... “Giặt ủi quần áo cẩn thận cho anh”: Bạn gái chưa phải là vợ, cô ấy có quyền nghỉ...

   Khát osin những ngày cận...
Năm hết, gia chủ phải làm việc tới tận những ngày cận Tết trong khi osin thì nhất mực xin...

   Khi bất đồng trong dạy...
Các bậc cha mẹ thường không thống nhất với nhau trong cách dạy con, kết quả là trẻ lợi dụng...

   Giải mã thông điệp từ...
Không chỉ phụ nữ mới có những cử chỉ khó hiểu đâu nhé! Bạn có muốn tìm hiểu thêm những...

   12 mẹo giúp trẻ cẩu...
Nếu bé nhà bạn không biết sắp xếp các kế hoạch, thường bốc đồng và cẩu thả, thì những mẹo...

   'Kết' thú cưng hơn là...
Thay vì dành thời gian cho bạn đời trong ngày Lễ tình nhân, 21% số người trưởng thành thích chơi...

   Đàn ông rất dễ hiểu!
Ít ra họ không lắt léo, phiền hà như chị em. Với đàn ông, trắng đen rất rõ ràng, và...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top