Với người phụ nữ, không gì khổ hơn lấy chồng mà không có con. Ai cảm thông thì hỏi "Chồng còn quan tâm không? Có nói gì không?". Nhưng có người ác khẩu thì bảo "Thôi, không đẻ được thì để chồng đi lấy người khác". | |||||
Vừa kể, chị Đặng Thu Hoàn, 34 tuổi, ở khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, vừa rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những tháng ngày đằng đẵng, mòn mỏi trong hành trình đi kiếm con của vợ chồng chị. 6 tháng sau khi cưới, không thấy dấu hiệu gì anh chị đã bắt đầu lo. Chị thì đi siêu âm, canh ngày trứng rụng, anh cũng tự đi kiểm tra. Rồi uống thuốc Bắc, Nam, ai bảo chỗ này mát tay, chỗ kia tốt anh chị cũng lặn lội đến tận nơi. Nhưng, một năm rồi hai năm mà bụng chị vẫn không thấy to lên. "Mình mong một thì ông bà mong mười vì chồng mình là con trai duy nhất. Các cụ không nói nhưng mỗi khi xem quảng cáo thấy hình những em bé kháu khỉnh lại bảo 'Sau này, cháu nội bà cũng như thế'. Thỉnh thoảng lại khen đứa bé kia xinh quá", chị Hoàn cho biết. "Nhà chỉ có 4 người lớn ra lại vào, không có tiếng trẻ con nên nó cứ thiếu thiếu thế nào ấy. Buồn mà không ai dám nói ra. 2 năm đầu chưa có con thì còn tự an ủi mình có muộn một tý, hai vợ chồng đi chơi. Nhưng đến năm 3, 4 thì không còn ham hố gì nữa", anh Hoàng, chồng chị Hoàn nói.
Hai năm đầu thử có con theo cách tự nhiên không được, đến năm 2006, hai vợ chồng chị quyết định đi thụ tinh trong ống nghiệm. Chuyển đến 2 bệnh viện, 4 lần thụ tinh thì có đến 3 lần thất bại. Mỗi lần làm là một lần hy vọng, nhưng rồi lại thất vọng đến tột cùng khi nghe bác sĩ thông báo không đậu thai. Những lúc đấy, hai vợ chồng chỉ còn biết ôm nhau khóc, tự an ủi nhau nhưng chưa một lần nào anh chị từ bỏ hy vọng. "Con cái là lộc trời cho. 5 năm lấy chồng mà không có con so với những người 10 năm, 15 năm đi cầu tự cũng chả thấm vào đâu. Có người phải vay tiền, đi xin trứng để làm, mình còn hy vọng sao không thử", chị Hoàn nói. Bác sĩ Tô Mai Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 10.000 người đến khám hiếm muộn. Họ vốn rất dễ tổn thương, chịu nhiều áp lực từ gia đình, xã hội nên tâm lý không thoải mái. Điều này càng làm cho quá trình thụ thai khó khăn hơn. Tất cả bệnh nhân đến với khoa đều đặc biệt, mỗi người một hoàn cảnh. Hầu hết đã chữa thuốc nam, đông y rất nhiều thậm chí có những cặp còn đi xin con cầu tự khắp nơi… Chỉ đến khi mọi phương pháp không có kết quả họ mới đi thụ tinh trong ống nghiệm như một cơ may cuối cùng trong hành trình kiếm con, bác sĩ Hương cho biết. Chị Linh, ở Gia Lâm, Hà Nội, một trong 10 người đầu tiên làm thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện (cũng là người sinh đầu tiên) tâm sự, suốt 3 năm chị đi chữa khắp nơi, uống thuốc, xông lá trầu không cửa mình, bị viêm rồi lại đặt thuốc, cứ như thế không biết nhiêu lần. Có đợt mấy tháng liền lên tận Đội Cấn đi nắn tử cung vì theo lời thầy tử cung chị bị cong, tinh trùng không lên được. Đi chữa tán loạn cả lên, nhưng đều không đem lại kết quả. Đến khi đi khám thì chị phải cắt một bên buồng trứng vì bị u nang, vòi trứng bị tắc.
"Dù thế, tôi vẫn nghĩ mình may mắn vì sau 3 tháng mổ thông vòi trứng thì bệnh viện có chương trình thụ tinh lần đầu trong ống nghiệm. Cũng đắn đo, suy tính mãi vì mất mấy chục triệu mà không biết kết quả thế nào. Nhưng vẫn phải liều, bác sĩ đã nói tôi không thể có thai bình thường được", chị Linh kể lại. Hồ sợ được bệnh viện chấp nhận, cả hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng mọi việc không đơn giản, không phải đến một lần là xong. Hai vợ chồng vào viện liên tục, làm xét nghiệm xem có bệnh gì không, lấy trứng, tinh trùng, thử tinh trùng để phân loại... Khó khăn, vất vả nhất có lẽ là chuyện lấy tinh trùng của chồng. "Đàn ông vốn đã ngại, lại phải tự lấy tinh trùng nên rất vất vả. Trong khi đó, phòng bệnh viện lại ồn ào. Mình ngồi ngoài đợi mà cũng thấy căng thẳng, nghe rõ cả tiếng xe máy, người nói, tiếng dao kéo lẻng xẻng. Chả trách đến gần nửa tiếng, mình mới thấy chồng ra", chị Linh vừa cười vừa nói. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến lúc đặt phôi và tử cung. Từ đó là giai đoạn hồi hộp nhất, chờ đợi từng ngày, giữ gìn, chị không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà, đi lại cũng rất khẽ khàng. Ngày lại ngày trôi qua một cách chậm chạp, 15 ngày nhưng chị có cảm giác như 15 năm. Đúng ngày hẹn, từ sáng sớm hai vợ chồng đến viện thử máu nhưng phải đến trưa mới có kết quả, lại phải đợi bác sĩ đọc. "Đến khi biết thai đã đậu, tim mình như muốn vỡ tung vì vui mừng. Cả hai vợ chồng nhìn nhau khóc. Điều mình mong đợi suốt 3 năm qua đã thành sự thật, dù đó mới chỉ là 3 - 4 phần của 10%", chị Linh cho biết. Thế nhưng có thai đã khó để giữ được thai càng khó hơn. Như trường hợp vợ chồng chị Hoàn, đến ngày thứ 8 bụng chị căng cứng, to lên như người mang thai tháng thứ 5. Bác sĩ Tô Mai Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cho biết chị Hoàn bị quá kích buồng trứng, tràn dịch màng bụng. Gần một tháng chị phải nằm phòng hậu phẫu, tiêm, truyền liên tục. "Tiêm truyền nhiều như thế chỉ sợ không giữ được em bé. Có lần hút dịch qua âm đạo thấy chảy máu, lo quá, chỉ sợ bao nhiêu công sức, bác sĩ cùng hai vợ chồng làm cho đến bây giờ lại đổ xuống sông xuống biển. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt hạnh phúc của vợ chồng chị Hoàn, chúng tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng để nụ cười đó không tắt", bác sĩ Hương kể lại. Biết trong bụng mình có hai hình hài bé nhỏ đang dần lớn lên, nỗi vui mừng đó khiến chị Hoàn không hề cảm thấy đau dù ngày 2 lần sáng, chiều đều phải chọc, hút dịch. Anh cũng lây chung niềm vui của vợ nhưng trong lòng vẫn phập phồng lo sợ không biết có giữ được thai không. "Lo nhưng không dám nói với vợ. Nhiều lúc nghĩ dại nhỡ không giữ được thì sẽ như thế nào. Thôi thì đành phó thác cho ông trời. Vợ vẫn cười nói dù đau, mình là đàn ông con trai cũng phải tỏ ra cứng rắn dù cho mọi chuyện có thế nào", anh Hoàng cho biết. Theo bác sĩ Hương, niềm vui, tinh thần lạc quan của người mẹ đã tạo nên điều kỳ diệu. Bé gái ra đời trước 3 phút, được 3,4 kg còn bé trai nặng 2,6 kg, ra đời ngày 1/2/2009. Giây phút đón 2 con còn đỏ hỏn từ tay bác sĩ, anh Hoàng vẫn không thể tin nổi niềm vui lại đến với mình bất ngờ và trọn vẹn thế. Sinh hai bé cùng một lúc, một trai một gái. Lúc đấy, cả hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau, khóc rồi lại cười. Bao nhiêu cảm xúc, lo lắng sợ hãi, hạnh phúc vỡ òa trong giây phút đó. Sau 5 năm lấy nhau, cuối cùng họ đã có con. "Mình là con trai nên ít khi khóc nhưng lúc đó vui quá nên khóc thực sự. Tết đó nhà đông vui hẳn lên, có tiếng trẻ con mà. Giờ hai con đã hơn một tuổi, thi thoảng hai vợ chồng vẫn ôn lại chuyện cũ. Bé Nghé trào đời sau chị Miu nhưng giờ lại lớn phổng phao hơn", anh Hoàng vừa cười vừa nói Còn với chị Linh, suốt thời gian mang thai chị không dám đi lại nhiều, chỉ nằm nhà cho an toàn, đi lại cũng phải rón rén. Đáng lý chị là ca sinh thứ 2 - 3 trong đợt đó nhưng lại thành ra sinh đầu tiên. 34 tuần đã sinh, con chỉ được 1,5 kg, nằm lồng kính 19 ngày. "Lúc ra viện bé được thêm 4 lạng. Mấy tháng đầu nuôi cũng vất vả lắm vì nhỏ quá. Mới đầu, ông xã cũng không dám bế, chỉ sợ tay lóng ngóng làm rơi. Dù sao, có con đã là may mắn rồi, giờ cháu được gần 3 tuổi rất đáng yêu", chị Linh vừa nói vừa chỉ bức ảnh con cho xem. Đến giờ chị vẫn không thể quên cái Tết đầu tiên, năm 2007 sau 4 năm trời nhà mới có tiếng trẻ khóc. Chị thấy cuộc sống có ý nghĩa và mục đích hơn. Không còn phải lo sống, làm việc để cho ai nữa. Khó khăn lắm chị mới có con, nên chị muốn làm thật nhiều để giành cho con. Tết năm nay, nhà chị lại có thêm một thành viên mới, một phép màu, một bé gái đáng yêu mà không phải nhờ thụ tinh. "Không phải ai đến với chúng tôi rồi cũng ra về với nụ cười viên mãn. Có người đến 6 tháng rồi lại xảy thai, có người vào viện hết lần này đến lần khác mà vẫn lầm lũi đi về. Vì thế, mỗi lần đón một em bé ra đời, cả khoa lại vui như tết", bác sĩ Hương tâm sự. Nam Phương |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|