Mỗi khi dỗi vợ, anh Trung sinh hoạt như hồi còn “trai tân”, tự nấu mỳ, hí húi là quần áo và lầm lũi ngủ riêng trên gác. | |
Nhìn thấy vợ, anh nhanh chóng quay mặt đi chỗ khác. Có khi, đang cắm cúi chuẩn bị xuống cầu thang, thấy vợ từ dưới sắp đi lên, anh Trung vờ như bước ngược hướng, ra ban công hóng gió…
Một lần, hết tiền tiêu đúng lúc “chiến tranh lạnh”, trước giờ đi làm, anh Trung cứ loanh quanh trong nhà, hết đứng lên rồi lại ngồi xuống. Vợ anh hiểu ý, không nén được cười: “Thôi, anh dừng lại đi. Em chóng mặt quá. Anh còn tiền tiêu không nhỉ?”. Thế là khuôn mặt đang căng như dây đàn của anh bỗng chùng xuống, vợ chồng làm hòa luôn.
Anh xã nhà Quyên (Nhân Chính, Hà Nội) cũng giận vợ theo kiểu “bất cần vợ”. Những lúc “canh không ngọt” là anh vác gối ra ngoài salon phòng khách ngủ. Đi làm về muộn, thấy vợ phần cơm riêng, đậy lồng bàn cẩn thận, anh lướt mắt qua rồi hờ hững nấu mỳ tôm. Ăn xong, anh “nằm khểnh” xem tivi. Đến đoạn phim hay quá, anh buột miệng bình luận với vợ. Sau, thấy mình vừa “hớ”, anh lại quay đi, im thin thít luôn.
Có lúc, thấy chồng “ngoan cố”, Quyên cũng “đội mũ phớt”. 3-4 ngày sau thì cô nhận được điện thoại của mẹ chồng dưới quê lên, nhắc khéo, rằng chồng đang bị ho, vợ nên tìm thuốc thang... Hóa ra, vì Quyên “lỳ” quá trong khi đã ngán mỳ tôm, anh xã đành dùng chiêu gọi điện về quê, than thở. Mẹ chồng điện lên, nhắc con dâu luôn nên dù giận chồng đến mấy, Quyên vẫn phải chủ động cất lời trước. Lạ nhất là nhiều lần giận sau đó, Quyên cứ làm vẻ “băng đá” là nhận được điện thoại của mẹ chồng, nhắc chuyện sức khỏe của “bên kia”.
Chồng Dương (Hải Phòng) giận vợ thì đi làm xong, không về nhà ngay mà ra vườn hoa gần nhà ngồi. Một lần, chị hàng xóm hớt hải gọi Dương: “Chồng em mất tiền hay sao mà đang ngồi ủ rũ ở ghế đá ngoài kia?”. Dương bực, nhắn tin: “Anh về nhà ngay” thì 30 giây sau đã thấy chồng “lầm lũi” ở cửa. Xong, anh tiếp tục ngồi xị mặt trên ghế tựa, thở dài. Hôm nào giận ít thì chờ vợ mời ăn cơm là đứng lên. Hôm nào giận lâu thì vợ gọi ăn cơm là đứng lên, nhưng không ngồi ăn mà ra cửa hàng mua bánh mỳ và thịt hộp. Vợ chồng muốn nói chuyện gì toàn thông qua “cầu truyền hình” là con gái 3 tuổi. Vài ngày sau, cơn giận qua nhưng chưa tan hẳn thì nói chuyện theo kiểu “trống không”.
Mỗi lần bất hòa, Xuân (quận 3, TPHCM) thấy chồng “diễn” cảnh độc thân vui vẻ thì cô cũng biến cuộc sống của mình tự do như hồi con gái. Chồng đi “chọc” bia, bù khú với bạn bè, vợ mải mê với siêu thị, hàng hạ giá. Tối mịt, vợ chồng về là trèo lên giường, mỗi người một góc… mặc sức ngủ. Ngày mai, chưa “hòa bình” thì lại đi chơi tiếp… Đến khi chồng phải lên tiếng, Xuân mới thôi. Nhưng cũng có lần, Xuân phải tự động “cầu hòa”. Đó là khi anh xã tụ tập chán rồi ngủ luôn nhà bạn mà không báo trước.
Nếu chồng thích đóng cảnh độc thân khi giận thì có nghĩa, trong bụng đã muốn làm lành nhưng còn “tự kiêu”. Giống như “không có vợ, anh vẫn sống tốt” nhưng thực ra, toàn “để ý” ngầm đến vợ. Các anh liếc để thăm dò thái độ của vợ hoặc cố tình gây sự chú ý với vợ bằng những chiêu khác, thông qua các bé hay ông bà nội, ngoại... Kiểu giận này thuộc những anh lỳ hay có cái tôi cao quá. Không giống những anh chồng thoáng, tính tình dễ dãi, khi giận vợ, chẳng kể ai đúng sai là nhanh nhẹn làm lành.
Để tránh mái ấm lạnh lẽo, do cả hai vợ chồng cùng lầm lỳ, không ít người vợ đành lên tiếng trước hoặc dỗ chồng như dỗ… em bé. Khi cục tự ái được vuốt ve, anh chồng kiểu này cũng không còn giận vợ nữa.
Nhưng chuyện vợ chồng lục đục đâu chỉ xảy đến 1-2 lần, có khi đến n lần. Nếu phải anh xã “cứng đầu”, lần nào cũng phải đi xin lỗi trước thì nhiều người vợ cũng bị ức chế. Có khi, cũng tự nhủ phải quyết thi gan với chồng. Đàn ông thường sợ nhất lúc “vợ không nói gì” nên có khi người vợ sẽ thắng. Ngược lại, nếu gan chồng là “đá ngàn năm” thì nhà cửa cứ im lìm suốt.
Chuyện giận dỗi, ai có lỗi, ai xuống nước, làm lành thế nào phải tùy cơ ứng biến. Chỉ cần nắm được bài giận vợ của chồng thì người vợ sẽ có kế sách phù hợp. Qua những lần mặt lạnh, vợ chồng thấy thêm gắn bó và hiểu nhau hơn.
Theo Mẹ và bé |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|