Mất gần 2.000 USD để kết hôn với ông chồng Đài Loan hơn mình gần hai giáp, đổi lại, Hiền, 27 tuổi ở Hải Phòng nhận được chỉ toàn nước mắt. Lấy chồng mà không được làm mẹ, mang thai cũng bị bắt phá. | |
Những tưởng lấy chồng ngoại thì một bước lên tiên, giàu có, sung sướng, lại có tiền gửi về đỡ đần cha mẹ. Thế nhưng, sướng đâu chẳng thấy, chị Hiền thành người hầu hạ chồng và hai con của chồng với vợ trước. Nhưng có lẽ điều khiến chị đau đớn hơn cả là không được làm mẹ. Người chồng kiên quyết không chấp nhận có thêm con vì anh ta đã có 2 con, rằng trước khi kết hôn hai người đã ký cam kết là không sinh con. Lúc đấy, chị mới biết mình đã bị lừa. Có lần, chị chót mang thai 3 tháng thế mà anh ta vẫn bắt phá bỏ, chị Hiền kể lại trong dòng nước mắt lã chã. Sau 4 năm không chịu được cảnh sống vò võ, làm việc cực nhọc đó, chị quyết định ly dị, trở về nước với hai bàn tay trắng. Tưởng rằng trở về để bắt đầu cuộc sống mới nhưng chị lại vấp phải sự kỳ thị của làng xóm. "Giờ mình chỉ có hai bàn tay trắng lại bị mang tiếng xấu. Không biết đến bao giờ, hạnh phúc mới đến với mình", chị Hiền buồn bã chia sẻ. Giống như chị Hiền, Linh, 26 tuổi, ở Cần Thơ cũng vỡ mộng sau khi lấy chồng Đài Loan. Gặp nhau qua trung tâm môi giới, cô được biết người đàn ông này muốn tìm một người cùng chăm lo cuộc sống và con cái. Vợ anh đã chết và để lại 3 đứa con. Cô vui mừng đồng ý kết hôn. Thế nhưng, sang đến Đài Loan, bước chân vào nhà cô bàng hoàng gần như muốn xỉu khi chứng kiến 2 trong 3 đứa con của chồng bị tàn tật nặng, chỉ có thể nằm bất động trên giường. Cô trở thành ôsin ngay ngày đầu bước chân về nhà chồng. "Công việc quá cực nhọc, làm việc quần quật từ sáng đến tối. 2 năm, suốt ngày chăm sóc 2 đứa trẻ tật nguyền, cuộc sống với mình giống như địa ngục. Không thể chịu được, mình bỏ trốn về nước", Linh tâm sự. Tiến sĩ Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển, Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) cho biết, những trường hợp như Linh và Hiền không còn hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 3 năm gần đây, đã có gần 32.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, phần lớn là lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. "Chỉ một số cô gái may mắn được sung sướng, nhưng không ít người đang phải đối mặt với bi kịch cuộc đời từ chính những cuộc hôn nhân này. Bị lừa gạt lấy phải người chồng tàn tật, mắc bệnh thần kinh..., vô tình trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, thậm chí có người bị chồng giết", tiến sĩ Quý nói. Ngoài ra, nhiều phụ nữ đi lấy chồng ngoại quốc vì phải nộp một món tiền lớn cho môi giới nên cố gắng lấy lại tiền từ chồng để gửi về quê trả nợ. Vì thế, người chồng có thể tỏ ra bất mãn vì đánh giá vợ kết hôn chỉ vì tiền. Phụ nữ di cư lấy chồng ngoại phải đối mặt với nhiều vấn đề, sự khác biệt về văn hóa, luật pháp, phong tục tập quán, ăn uống, ngôn ngữ và lối sống... Và thực sự họ không được bảo vệ đầy đủ khi ở trên đất khách quê người, tiến sĩ Quý cho biết. Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng thừa nhận, pháp luật Việt Nam quy định khá đầy đủ về vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhưng vẫn còn một số điểm bất cập như không cấm kết hôn khi tuổi tác quá chênh lệch. Việc giúp đỡ những trường hợp bị bạo hành, ngược đãi còn hạn chế do chưa có quy định bảo hộ cho phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn định cư tại nước ngoài... Bên cạnh đó, theo bà, công tác tư vấn, hỗ trợ cho chị em của các Trung tâm Hỗ trợ kết hôn thuộc Hội liên hiệp phụ nữ ở từng địa phương chưa thực sự hiệu quả. Tiến sĩ Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển cho biết, khi người phụ nữ đã bỏ chồng ngoại, trốn về nước là họ đã rơi vào bước đường cùng. Vì thế, họ rất cần sự chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ của cộng đồng cũng như chính quyền địa phương. Phương Trang * Tên nhân vật đã được thay đổi. |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|