Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Hành trình sống kỳ diệu của bé gái chỉ nặng 700g
Ra đời khi mới 24 tuần tuổi, nặng 700g, bé Ban Mai chỉ có 20% cơ hội sống qua tuần đầu tiên. Vậy mà, cùng với người mẹ đầy nghị lực, bé đã kiên cường chống chọi với bao bệnh tật để trở thành cô bé khoẻ mạnh, đáng yêu gần 2 tuổi như ngày nay.

Suốt đời, Thu Hương, mẹ bé Ban Mai không thể quên được ngày con chào đời. Khi ấy, Hương mới mang bầu tròn 24 tuần. Cô đang học chuyên ngành kinh tế tại một đại học tại Anh. Đó là tháng 5/2008 - trúng kỳ nghỉ hè nên bạn bè của Hương đều tranh thủ về nước thăm gia đình. Người mẹ trẻ cố nán lại ký túc xá, dành ngày về cho 4 tháng nữa - thời điểm dự sinh của mình, để được sinh con tại quê nhà, nơi có bố mẹ và người thân.

Nhưng mọi việc xảy ra quá bất ngờ. Nửa đêm hôm ấy, Hương đau bụng dữ dội. Người mẹ 24 tuổi lo lắng nhưng cố đợi đến sáng mới vào bệnh viện. Thấy cô, các bác sĩ vẫn bình thản cho rằng có lẽ do em bé bắt đầu đạp mạnh hoặc do mẹ ăn phải thực phẩm ôi. Thế nhưng 30 phút sau, cô vỡ ối. Các bác sĩ hốt hoảng đưa Hương vào phòng sinh.

15 phút sau, bé Ban Mai chào đời, nặng 700g, không một tiếng khóc.

Ảnh:
Bé Ban Mai lúc mời chào đời, được nằm trong lồng kính giữa bao nhiêu dây dợ, máy móc. Ảnh do gia đình cung cấp.

Người mẹ kể lại, khi ấy, bác sĩ cho biết, Ban Mai có 20% cơ hội để sống qua một tuần đầu tiên, nếu qua được, bé có 50% để lớn, nhưng lớn được cô bé cũng chỉ có 50% khả năng để trở thành một đứa trẻ bình thường mà không có di chứng gì.

Theo họ, chỉ cần bé sinh sớm hơn vài ngày thì thậm chí còn không đủ cả ngón chân, ngón tay chứ chưa nói đến các cơ quan nội tạng. Chính các bác sĩ còn cho rằng, bé sinh khi 24 tuần nếu sống được là cả sự diệu kỳ. Còn gia đình Hương ở trong nước, vì điều kiện không thể qua với mẹ con cô, cũng lo lắng vô cùng và gọi điện an ủi Hương vì nghĩ em bé sẽ không thể qua khỏi.

"Con nhỏ như một con mèo con, nằm trong túi nilong để giữ nhiệt, thậm chí da còn trong suốt, nhìn thấy từng mạch máu. Quanh con là bao nhiêu dây dợ và máy móc", người mẹ trẻ nhớ lại hình ảnh con trong những ngày đầu tiên trong lồng kính.

Rồi tuần bão tố cũng qua đi. Bắt đầu từ đó, hai mẹ con trải qua 6 tháng trong bệnh viện với bao lo lắng và cả hạnh phúc.

Có lần, bác sĩ nói hệ tiêu hóa của Mai chưa mở, bé không đi ngoài được nên có thể phải phẫu thuật. Không hiểu sao, ngay khi ấy, bé liền ị luôn một bãi khiến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên và bật cười.

Trong những ngày con được chăm trong lồng kính bệnh viện, người mẹ phải đi lại giữa hai thành phố, vừa thăm con, vừa đi học và đi làm. Cô run nhất mỗi lần nghe điện thoại, bởi sợ người ta thông báo con không qua khỏi hay gặp trục trặc gì đó.

Hương kể, có khi, đang đêm, bệnh viện gọi tới cho biết Ban Mai bị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng hệ hô hấp rồi hàng loạt những bệnh khác mà chính cô cũng không nhớ nổi.

Ảnh: Mai.
Càng lớn, Ban Mai càng tinh nghịch và rất quấn mẹ. Ảnh do gia đình cung cấp.

Khi lớn hơn một chút, do hệ gan chưa phát triển nên da Ban Mai vàng như nghệ và bé phải trải qua đợt điều trị kéo dài. Mỗi ngày, bé bị chọc ven 3-4 lần để lấy máu, hết tay lại đến chân. Chữa khỏi gan, bé lại được phát hiện bị hở van tim và tiếp tục phẫu thuật. Tiếp đó, em lại phải mổ mắt bằng tia laze.

Khi được rời lồng kính về nhà, lúc khoảng 6 tháng, hệ hô hấp của Ban Mai còn yếu nên bé phải thở bằng oxy. Vậy là, ở nhà, người mẹ vừa bế con vừa nấu ăn và xách theo cái bình chứa oxy to như chiếc bình ga bên cạnh. Cũng từ đó, cứ một tuần 3 lần Ban Mai lại phải đến bệnh viện kiểm tra. Hầu như bệnh viện nào ở miền Nam nước Anh cũng có hồ sơ bệnh án của cô bé.

Lúc Ban Mai được 10 tháng, vì bận làm khoá luận tốt nghiệp, Hương đành đưa con về với ông bà ngoại, dù khi ấy cô bé mới phẫu thuật tim được mấy ngày, để bé được chăm sóc tốt hơn. Và trong những ngày tháng sống xa con đó, dù hối hả với việc học hành nhưng cô vẫn đau đáu nỗi nhớ con.

Ảnh:
Bé Mai gần hai tuổi bây giờ thích nhất là được bà ngoại đẩy xe đi dạo buổi chiều. Ảnh do gia đình cung cấp.

Rất nhiều người biết chuyện của Hương đều xúc động và khâm phục cô. Nhưng với Hương thì "người mẹ nào rơi vào hoàn cảnh của mình cũng làm vậy thôi. Con còn nhỏ dại thế mà đã biết kiên cường đấu tranh với số phận để tìm sự sống, làm sao mình có thể đầu hàng". Hương kể rằng, những ngày nuôi con bằng phương pháp kanguru như lời bác sĩ hướng dẫn, cô thực sự thấy không gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử.

"Khi cơ thể con áp vào ngực mình, mình nghĩ có thể quên tất cả mọi chuyện khác trên đời. Đó chính là một phần thân thể, máu thịt của mình và mình phải hết sức chăm lo, bảo vệ", người mẹ trẻ bộc bạch.

Hương cho biết, chính sự quan tâm, những lời động viên của bố mẹ ở quê nhà khi ấy đã tiếp thêm cho hai mẹ con cô sức mạnh: "Đó là bờ vai vững vàng nhất, khiến hai mẹ con em không lúc nào cảm thấy đơn độc, tuyệt vọng dù nhiều lúc đã ở trong hoàn cảnh ấy". Ngoài ra, sau đợt nghỉ hè, khi trở lại trường, những người bạn trong nước cũng giúp Hương chăm sóc bé Ban Mai.

"Chúng em vẫn ở trong ký túc xá. Em nhớ khi ấy, các bạn phân công nhau trông Ban Mai, mẹ đi học chỉ chờ hết giờ là ba chân bốn cẳng chạy về với con. Còn các bạn, cả những đứa vốn là công tử, tiểu thư chưa từng phải làm gì, cũng xắn tay áo bế bé, nấu bột hay đưa hai mẹ con đến bệnh viện...", Hương kể lại.

Bé Ban Mai bây giờ đã được gần 2 tuổi, nhưng chưa biết đi, chưa nói được thậm chí ngồi chưa vững. Trên cơ thể em vẫn còn in dấu những đợt điều trị khi còn bé. Đôi bàn tay chi chít các vết sẹo sau những lần lấy ven. Chiếc miệng xinh xắn, hay cười vẫn còn mờ vết hằn của chiếc ống xông những ngày bé chưa tự thở được...

"Các bác sĩ cũng nói với em rằng luôn phải tính sự phát triển của con nhỏ hơn một tuổi so với các bạn sinh cùng và phải đến năm bé 5 - 6 tuổi mới đuổi kịp hoàn toàn. Em không lo lắng vì điều đó, bé có mặt trên đời đã là một món quà quý giá em có được. Chỉ cần bé khoẻ mạnh là đủ rồi", Hương thổ lộ.

Mặc dù chậm phát triển hơn các bạn cùng lứa về thể chất, nhưng Ban Mai có khả năng nhận thức và biểu đạt tình cảm rất tốt. Và hình như biết mẹ vất vả nhiều vì mình, bé thường tỏ ra rất giận dữ khi thấy ai "bắt nạt" mẹ.

Minh Thuỳ


Tin đã cập nhật trước đó
   Khi ông chăm cháu
“Cún ngoan! Bú sữa rồi ông đưa đi chơi…”, bác Tạ Thanh Liêm, 55 tuổi, Q. 6, TP. HCM, dỗ...

   “Chồng ạ, em sẽ tìm...
Trước mắt là một. Người dễ thương, ga lăng, dịu dàng với em. Sẵn có ngay tại công sở. Dễ...

   Những cuộc hôn nhân... phẳng
Nhiều cặp vợ chồng khi yêu nhau thấy có thể dung hòa được mọi thứ, nhưng khi lấy nhau rồi...

   Vợ chồng xung đột vì...
Khi bạn nói "gia đình anh không thích em" thì ông xã lại hiểu là bố mẹ mình thật tệ,...

   Mẹ kế
Từ nhỏ, qua phim ảnh, tôi rất “dị ứng” hai từ mẹ kế. Nó ám ảnh tôi. Với tôi, mẹ...

   Những điều phải biết sau...
Bởi đơn giản sau lần hẹn này, bạn cần cân nhắc có nên tiếp tục phát triển mối quan hệ....

   Bé 2 tuổi nặng bằng......
Bé gái Pang Ya, thị trấn Taocun, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc mới 2 tuổi nhưng đã nặng 41,5 kg,...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top