Vụ việc nữ sinh đánh lộn đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại, bởi trẻ đang hổng kiến thức để tự vệ cho mình, một phần do cha mẹ cũng chưa biết cách xử trí khi con rơi vào trường hợp này. > | |
Thấy cậu con lớp 8 về nhà với đôi mắt sưng và một bên má tím bầm, anh Hào (Gia Lâm) Hà Nội nổi giận đùng tìm đến nhà cậu bạn con - thủ phạm gây các thương tích kia - để "dạy cho nó một bài học". Đến nơi, anh cho ngay "hung thủ" một cái bạt tai, rồi lớn tiếng trách móc bố mẹ cậu này không biết cách dạy con. Sau đó, hai gia đình lời qua tiếng lại ầm ĩ và cuối cùng các bậc phụ huynh cấm hai cậu con trai không được chơi với nhau nữa. Con trai anh Hào sau đó xấu hổ đến nỗi chẳng dám đến lớp suốt một tuần. Còn chị Hiền (Phúc Thọ, Hà Nội) khi biết tin cậu con trai lớp 9 bị bạn gây gổ, chưa kịp hỏi sự tình, cả hai vợ chồng chị đã không tiếc lời quát mắng cậu bé: "Không có lửa làm sao có khói. Đấy, học thì không học lại còn đua đòi chơi với mấy đứa lêu lổng". Rồi sau hôm đó, cả nhà chị họp gia đình từ ông bà, cô chú, đều được biết thông tin này và không ngớt lên lớp cậu bé. "Thật ra mình cũng thương con lắm nhưng cứ phải nói thế để thằng bé sợ, lần sau tránh xa các đám đánh nhau", chị Hiền kể. Thời gian vừa qua, liên tiếp các phương tiện truyền thông đăng tải các clip học sinh đánh nhau, bị đánh hội đồng khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con mình. Tuy nhiên, khi đặt ra tình huống, nếu con mình rơi vào hoàn cảnh đó, nhiều người trong số họ bối rối không biết phải xử lý thế nào. Ngay đầu tuần trước, chị Nhung (Mỹ Đức, Hà Nội) đang đi cùng cô con gái trên đường thì gặp một nhóm học sinh đi qua chặn lối. Một cô bé ngồi trên chiếc xe Lead, đeo kính đen chỉ ngay vào mặt con gái chị: "Nếu mày muốn học tiếp thì tan buổi học ngày mai đến bãi cỏ sau trường gặp tao, không thì đừng có trách". Chị Nhung thấy chân tay rụng rời, chưa kịp phản ứng thì cô bé kia cùng nhóm bạn đã rồ ga đi. Có lẽ chúng không biết chị là mẹ của bạn nên mới táo tợn đến thế. Sau sự việc này, chị hỏi con gái thì mới biết, đây là nhóm học sinh con nhà khá giả nhưng học kém trong lớp. Trong vòng một tháng gần đây, nhóm này đã "hỏi tội" 3 bạn gái khác trong lớp, chỉ vì những lý do rất nhỏ như "dám nhìn đểu", "dám ghi sổ đầu bài tao trốn tiết"... còn con gái chị lại "dám" thân thiết với một cậu trai trong lớp mà một cô gái trong nhóm thích. Lúc này, chị Nhung không biết sao chỉ dám gọi điện thông báo với cô giáo chủ nhiệm để cô răn đe nhóm học sinh kia, đồng thời cấm con gái đi đâu một mình. "Từ hôm đó, lúc nào mình cũng nơm nớp lo lắng mà không biết làm thế nào. Con đi học về muộn một chút là đứng ngồi không yên", chị Nhung chia sẻ. Ông Hoàng Dương Bình, trưởng văn phòng Thám tử Hoàng Nhân (phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội) cho biết, rất nhiều phụ huynh biết con có nguy cơ hay đã bị đánh, không biết giải quyết thế nào, phải nhờ các thám tử giám sát, bảo vệ con. Ông Bình cho biết, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt và rơi vào những tình huống khác nhau nên yêu cầu đầu tiên là bố mẹ phải thật bình tĩnh để tìm ra biện pháp xử trí thích hợp. Lúc này, việc đầu tiên là cần xác minh trẻ giao du với nhóm bạn thế nào, tìm hiểu nhóm trẻ định hành hung con và sau đó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh để có cách ứng xử hợp lý. Theo ông, với tình huống vị phụ huynh chứng kiến cảnh con mình bị dọa dẫm, nếu ngay khi ấy, chị lập tức lên tiếng để đám trẻ biết mình là mẹ cô bé, đã biết rõ sự việc và sẽ lưu ý điều này thì đã có thể giảm được 80% nguy cơ cho con. Nếu không thể làm vậy, sau đó, chị có thể tìm hiểu thêm thông tin về nhóm trẻ kia và có thể gặp gỡ trực tiếp chúng hay các phụ huynh của chúng trò chuyện. "Trong những tình huống này, cách tốt nhất là đương đầu, xử lý sự việc bằng giao tiếp thông minh, kiên quyết chứ không phải dạy con trốn tránh", ông Bình cho biết. Chuyên gia tâm lý Mai Thị Bưởi, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình - phụ nữ và vị thành niên, cũng cho biết, đa số các bậc phụ huynh chưa có kỹ năng ứng xử đúng đắn khi con là nạn nhân của bạo lực học đường. Theo bà, khi rơi vào tình huống này, nhiều người vì quá thương con nên cảm thấy xót xa và nôn nóng tìm cách "dằn mặt" người gây ra bạo lực. Một số khác lại ngại va chạm, sợ con bị trả thù nên chấp nhận im lặng và dạy con tránh xa "hung thủ". Ngoài ra, cũng có không ít cha mẹ khi biết con bị bắt nạt còn mắng nhiếc trẻ, cho rằng vì trẻ không tốt nên mới gây chuyện hay cũng có phụ huynh chỉ coi đó là xích mích trẻ con nên không quan tâm. Nhà tâm lý giáo dục trẻ em này cho biết, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho hầu hết vị thành niên khi bị hành hung thường không bao giờ nói với bố mẹ. Một phần các em cho rằng mình đã lớn, có thể tự giải quyết vấn đề của mình nhưng mặt khác cũng do trẻ không cảm thấy tin tưởng và có thể tìm được sự trợ giúp, bảo vệ từ phía những người thân của mình. Theo bà, khi con có nguy cơ hay đã bị bạn bè đánh, điều đầu tiên là các vị phụ huynh phải lắng nghe trẻ nói rõ sự việc. Sau đó, hãy thật bình tĩnh tìm hiểu "thủ phạm" xem đó là ai, tại sao lại xử sự với con mình như vậy. Tiếp theo, họ có thể gặp gỡ bố mẹ các trẻ này nói rõ sự việc, để cả hai gia đình cùng giáo dục trẻ, ngăn sự tái phạm. Bố mẹ cũng không thể quên việc dạy cho con cái mình kỹ năng giải quyết vấn đề, trong đó có kỹ năng giao tiếp, ra quyết định, tự phòng vệ và thoát khỏi các tình huống xấu... Bà cho rằng, nhiều khi, việc xảy ra các vụ ẩu đả giữa các trẻ vị thành niên là do các em không được dạy các kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề. "Chẳng hạn, trường hợp nữ sinh trường Trân Nhân Tông bị đánh hội đồng vừa qua, nguyên nhân chỉ vì các em giẫm vào chân nhau rồi gây gổ, lên mạng chửi nhau và cuối cùng là ẩu đả. Nếu em được trang bị kỹ năng sống, chỉ một câu xin lỗi có thể giúp em hóa giải mâu thuẫn. Hay lúc bị các bạn chở đi, khi đến chỗ có người lớn, em có thể kêu cứu thật to rồi tìm cách thoát thân, sau đó nhờ một người lớn tin cậy như giáo viên hay bố mẹ trợ giúp để kẻ xấu không dám ngang nhiên đánh đập", bà phân tích. Nhưng thực tế, những cách này chỉ thật sự giúp các em thoát bạo lực khi xung quanh các em có một hệ thống bảo vệ hiệu quả, tức là, nhà trường phải công tâm và có kỷ luật thích đáng với hành vi bạo lực, bố mẹ phải có kỹ năng xử lý tình huống và trợ giúp con cái, hệ thống pháp luật phải nghiêm minh... Làm sao để trẻ hiểu rằng, khi chúng bị nạn thì luôn có một lực lượng cụ thể đứng bên cạnh và bảo vệ. Còn ở Việt Nam hiện nay, chính các phụ huynh chưa có cả kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề nên không thực sự được trẻ tin cậy. Tại các trường học lại không hề có tham vấn tâm lý để các em được hỗ trợ khi không biết tự giải quyết các rắc rối của mình. Các thầy cô chủ nhiệm thường chỉ biết khi sự việc đã xảy ra. Vương Linh |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|