Nhân ngày giỗ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng tôi về thăm lại căn gác tầng 2 khu tập thể đường Nguyễn Trường Tộ nơi gia đình anh từng sống hơn 10 năm. Tất cả hầu như đã thay đổi - duy chỉ sót lại những góc kỷ niệm của một thời đã qua. | |
Tôi may mắn gặp được nhà hàng xóm đã ở cạnh phòng Trịnh Công Sơn từ thời gian đầu tiên - vợ chồng thầy cô giáo Ngô Viết Diễn, Đoàn Thị Mỹ Liên. Cô Liên bồi hồi kể lại “Từ lúc xây dựng xong khu tập thể, gia đình Trịnh Công Sơn gồm mẹ và 8 người con đã về sống tại phòng 203, khu nhà 19 vào năm 1962. Cả gia đình tràn đầy tiếng cười và tiếng nhạc. Dễ thương nhất là Trịnh Vĩnh Thúy và Trịnh Công Sơn. Riêng anh Sơn hồi đó rất đẹp trai, luôn hòa nhã và quan tâm đến hàng xóm.”
Hàng ngày, Trịnh Công Sơn ít khi ngồi trong nhà, cứ ra lan can ngồi ngắm hàng long não nơi có nhiều tiếng chim và con đường Nguyễn Trường Tộ ít người qua lại. Có thể đó là lúc anh sống với mọi cảm xúc để làm nên nhiều bài ca bất hủ.
Gia đình Trịnh Công Sơn có rất nhiều nghệ sĩ về thăm và đàn hát rất vui vẻ. Trong số đó có anh Ngô Kha (sau này là chồng Trịnh Vĩnh Thúy), họa sĩ Đinh Cường, ca sĩ Khánh Ly… Ngoài lan can hồi ấy có một khoanh gỗ lớn làm bàn để các văn nghệ sĩ trò chuyện, uống trà. Nhà Sơn rất đẹp, dù có 9 người sống với diện tích chừng 100m2 nhưng từng góc, phòng đều trang trí rất thẩm mỹ.
Năm 1975, cả nhà Sơn chuyển đi, lần lượt có Nguyễn Đắc Xuân, vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ đến ở. Nhiều đoàn làm phim, đài BBC, ca sĩ Richard Fuller chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn lời Việt đã về thăm lại căn phòng 203. Nhưng hầu như không còn lại gì ngoài một vài góc cũ vẫn chưa thay đổi như phòng ngủ và căn gác của Sơn”.
Theo sự chỉ dẫn người chủ hộ mới, anh Vũ Văn Kiên (34 tuổi), hiện là giám đốc một công ty trang trí nội thất tại Huế, chúng tôi chầm chậm bước vào phòng 203, nơi đã từng gắn bó tâm hồn một nghệ sĩ vĩ đại cùng những tác phẩm đầu tiên.
Căn nhà hình ống dài hơn 20 mét bắt đầu từ phòng khách rồi đến một góc nhỏ của Trịnh Công Sơn, có cửa nhìn ra giếng trời. Phía cuối nhà là cầu thang dẫn lên căn gác nhỏ nhìn ra hàng cây xanh và một khoảng trời rộng “dành riêng” cho Trịnh Công Sơn suy nghĩ về thân phận, cuộc sống, tình yêu.
Sau hơn 40 năm, bụi đã bám đầy những góc cũ kỹ, nhưng dường như quá khứ vẫn đọng lại thật nhiều khi chạm tay vào tấm cửa bằng gỗ thông trong phòng Trịnh Công Sơn, hay ngồi vào góc phòng, nhìn ra những ô nhỏ đầy ánh sáng, nơi xưa anh hay ngồi.
Theo nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Trịnh Công Sơn thường viết nhạc trên một bàn thấp. Hầu hết ca khúc nổi tiếng như Diễm Xưa, Hạ Trắng đều được sinh ra trên chiếc bàn ấy. Trước khi đi vào Sài Gòn, Trịnh Công Sơn đã tặng lại cho cô và chồng (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) kèm theo một số ảnh phác họa chân dung các bạn bè cũ. Cô kể “ngoài tài sáng tác nhạc tuyệt vời, Trịnh Công Sơn vẽ rất đẹp, chỉ cần vài nét bút, bức ảnh đã hiện lên và rất có hồn”. Riêng căn gác nhỏ cuối nhà, Trịnh Công Sơn thường lên để chiêm nghiệm lại những gì đã qua trong ngày.
Trước lúc tạm biệt căn nhà nhỏ của Trịnh Công Sơn, tôi đứng lại thật lâu bên lan can nhìn xuống đường Nguyễn Trường Tộ mà cách đây hơn 40 năm, hình bóng “Diễm xưa” đã in vào ký ức Sơn, để ra đời hàng trăm bản nhạc đầy tình yêu cho mọi người.
Tầng 2 ở tập thể Nguyễn Trường Tộ là nơi gia đình Trịnh Công Sơn đã sinh sống hơn 10 năm
Căn phòng kỷ niệm 203
Lan can ngày xưa nhạc sỹ nhìn xuống hàng long não và... những người đẹp
Căn phòng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giờ đã thay đổi...
...nhưng vẫn còn ba ô cửa nhìn ra bầu trời
Căn gác sau nhà...
...tại đây, mọi thứ vẫn như xưa
Tấm cửa dày bằng gỗ thông năm xưa
Góc trước nhà nơi các văn nghệ sĩ như Khánh Ly, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn thường ngồi
Chiếc bàn gỗ thấp, nơi Trịnh Công Sơn đã cho ra đời hàng trăm bản nhạc
Một bức tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “họa” Hoàng Phủ Ngọc Tường
Cầu thang đầy nắng chiều...
Bài, ảnh: Đại Dương |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|