Mỗi ngày, Dong Fuhai phải kết thúc thật nhanh công việc của mình, nhễ nhại bắt chuyến xe bus suốt 90 phút tới trường tiểu học của con gái, mà vẫn muộn 20 phút. Anh vội vàng dắt con đi bộ về nhà, lách qua biển xe hơi và xe đạp trên phố Bắc Kinh. | |
Về tới căn hộ thuê đã muộn, anh vội vàng nấu bữa tối, với mỳ và thịt bò. Ngay sau bữa tối, anh ngồi xem con gái Yueyue tập đàn violon trong khoảng 1 tiếng, rồi kiểm tra bài vở của bé trong khi cô bé chuẩn bị đi ngủ. Không có thời gian đọc truyện trước khi đi ngủ hoặc âu yếm. Hai bố con thảo luận về kỳ nghỉ hè - khi mà việc học sẽ nhiều hơn - khi mẹ của Yueyue (đang học thạc sĩ ở Canada) sẽ trở về. Khi đó, sẽ có người chia sẻ giúp ông bố gánh gặng và chi phí chăm sóc cô "công chúa nhỏ". Vòng quay ngày mới lại bắt đầu vào 6h25 phút sáng hôm sau. Hai cha con phải vội vàng đến trường trước 7giờ30, để Dong có thể bắt xe bus tới cơ quan trước 8 giờ. Không cuối tuần, không có giao lưu xã hội. Dong, quản lý 38 tuổi của một công ty bất động sản ở Bắc Kinh, cảm thấy cuộc sống chưa bao giờ đơn điệu như vậy và vì thế đã tổng kết rằng thế giới của anh quay quanh một trục duy nhất - giáo dục cho đứa con duy nhất. Theo Shanghai Daily, Dong và hàng triệu ông bố bà mẹ Trung Quốc bận rộn khác đã trở thành "nô lệ cho con mình". Họ làm mọi việc vì con và đặt đứa trẻ lên trên mọi thứ khác. Họ quên mất giấc mơ của chính mình, chi tiêu tằn tiện nhất và thận trọng trước những triển vọng công việc có thể giúp họ thăng tiến nhưng lại mạo hiểm. 3 năm trước, mẹ của Yueyue đến Canada để nghiên cứu ngành quản lý. Cấu trúc gia đình họ đã thay đổi, nhưng mục tiêu cho giáo dục con là không thể ngừng lại. Tìm trường tốt cho Yueyue là áp lực stress thường xuyên với Dong. Gia đình anh đã phải bỏ trống căn hộ 3 buồng của mình ở phía nam thành phố, tới thuê nhà tại quận Haidian, phía tây bắc thành phố 3 tháng trước để gần trường học của Yueyue. Họ chỉ dành cuối tuần về thăm căn hộ của mình. "Giá thuê nhà 3.000 tệ mỗi tháng (khoảng 440 đôla) quá cao so với chúng tôi, song Yueyue có thể ngủ thêm ít nhất một tiếng mỗi ngày cũng đáng", anh nói. Chi phí trong 6 năm tiểu học của Yueyue khoảng hơn 40.000 tệ, gấp 4 lần thu nhập hàng năm của anh. Với hy vọng con sẽ thông minh hơn bạn bè và vào được trường tốt hơn, Dong đã gửi cô bé đến các lớp học vẽ, nhảy và đánh cờ kể từ khi 4 tuổi, thậm chí cả vào các ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, tình yêu và sự quan tâm vô bờ của Dong dường như không hoàn toàn được "cô công chúa của gia đình" đánh giá hết. Đôi khi cô bé không nghe lời anh và thậm chí còn ăn đòn vì dám bỏ buổi tập đàn. "Tôi không thể thay đổi luật chơi bây giờ, vì thế tôi phải tuân thủ nó", Dong nói. "Đầu tư cho một đứa trẻ không phải là mua cổ phiếu. Nó phải được hoàn vốn trong tương lai", anh nói. Sự gia tăng các "ông bố bà mẹ nô lệ" đã gây ra cuộc tranh cãi mạnh mẽ về những bấp cập trong hệ thống giáo dục dựa trên chế độ thi cử và áp lực cao của Trung Quốc. Ở khắp nơi trên đất nước này, internet tràn đầy những bài viết của các bậc cha mẹ than khổ về chi phí nuôi con học đang ngày một gia tăng. Nhiều người đòi chính phủ phải hỗ trợ cho các phụ huynh khó khăn, trong khi số khác cho rằng vấn đề đang bị cường điệu hóa. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các cải cách giáo dục kể từ thập kỷ 1990, xây dựng nhiều trường học hơn và mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo nhiều người được theo học. Tuy nhiên, số người không hài lòng nhiều hơn số người đánh giá cao các cải cách này, theo cuộc khảo sát công bố hôm 9/3 vừa qua do Công ty nghiên cứu tư vấn Horizon, có trụ sở ở Bắc Kinh thực hiện. T. An |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|