Gần 11 giờ trưa nhưng hơn 10 kg thịt lợn của chị Dung, ở chợ tạm Kim Mã Thượng, Hà Nội vẫn còn quá nửa. Tình trạng này kéo dài đã gần một tuần nay, trong khi trước đây, đến 9 giờ sáng là chị đã hết hàng. > | |||
Chị Dung cho biết, đây là chợ tạm bán cho dân cư khu chung cư, tập thể nên thường chỉ bán vào buổi sáng, đến 9 giờ là tan. Nhưng gần đây thịt lợn tiêu thụ chậm nên chị phải cố ngồi đến trưa mong bán hết hàng. Trước đây mỗi ngày bán 20-25 kg thì nay chị chỉ dám lấy 10-15 kg nhưng vẫn sợ ế. "Chả có mấy người hỏi mua, cả đến khách quen mời mọc mãi họ cũng lắc đầu vì sợ mua phải lợn bị bệnh tai xanh. Khổ nỗi có phải con lợn nào cũng bị bệnh đâu, mình mua thì phải biết chứ", chị Dung buồn bã nói.
Tình trạng ế ẩm này không chỉ riêng cửa hàng của chị Dung gặp phải, tại Hà Nội mấy ngày nay, nhiều cửa hàng bán thịt lợn ở một số chợ ở Vĩnh Tuy, Thành Công, Cầu Giấy, Phùng Hưng... cũng chỉ bán cầm chừng để giữ khách. Chị Yến, bán hàng ở chợ Vĩnh Tuy, Minh Khai cho biết, thường mỗi ngày chị bán hết cả một con lợn nhưng giờ chỉ nửa con mà cả ngày mới hết. Trong khi mấy hàng thịt gà, thịt bò thì tấp nập người hỏi. Chị cũng đang tính có khi tạm thời phải chuyển sang bán thịt gà hoặc cá. Chị cũng cho biết thêm: "Mình bán con nào bệnh con nào khỏe là biết ngay, nhưng người mua họ chả biết. Cứ thấy bảo có dịch lợn tai xanh là sợ chả ăn nữa". Còn người tiêu dùng vì không biết phân biệt lợn mắc bệnh tai xanh với lợn khỏe nên chọn giải pháp là không ăn thịt lợn nữa hoặc chỉ mua ở cửa hàng quen. Chị Huyền, ở phố Minh Khai cho biết, từ khi nghe tin có dịch lợn tại xanh tại Hà Nội, cả nhà chị thống nhất không ăn thịt lợn mà chuyển sang thịt gà, bò, cá. Không biết cụ thể nó là bệnh gì nhưng theo chị cứ lợn ốm là ăn mất ngon rồi. Trước đây đi mua thịt lợn ở một cửa hàng trên phố Phan Huy Chú, chị toàn phải xếp hàng, đến sớm mới mua được chỗ thịt ngon. Thế mà mấy ngày nay đi qua, chị thấy cửa hàng này vắng teo, thịt còn đầy. "Nhìn con lợn mình còn biết được con nào ốm con nào khỏe, chứ cứ thái thành miếng bán thì chịu không phân biệt nổi. Nhưng nói thật, mua thịt lợn mình còn chế được nhiều món, chứ ăn mãi cá, thịt gà cũng chán", chị Huyền nói. Trong khi đó, các chuyên gia thú ý đều khẳng định virus tai xanh không gây bệnh cho người, tuy nhiên vẫn khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng thịt lợn bệnh. Ông Tô Long Thành, Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương cho biết, người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì bệnh tai xanh. Virus tai xanh làm suy giảm miễn dịch của lợn khiến các vi khuẩn kế phát phát triển nhanh, trong đó có chứng liên cầu, một bệnh nguy hiểm có thể lây cho người và dễ dẫn đến tử vong. Cũng theo ông, rất khó để nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh. Vì thế, người dân khi đi mua cần quan sát kỹ, chọn miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Còn nếu nó cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Nếu là lợn dịch còn sống, biểu hiện là tai cụp, tím tái, bỏ ăn, sổ mũi, trào bọt mép. Sau một tháng bùng phát, hiện dịch lợn tai xanh đã lan rộng khắp 8 tỉnh miền Bắc trong đó có Hà Nội. Hiện hơn 10.000 con đã bị tiêu hủy trong số 33.000 con mắc bệnh. Dịch đang diễn biến rất nghiêm trọng và có nguy cơ lan từ miền Bắc vào miền Trung. Nam Phương |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|