Ăn hỏi xong xuôi chỉ chờ đến ngày cưới thì đùng một cái Hương (27 tuổi, Hà Nội) đòi hủy. Bắt đầu từ việc cả 2 tranh luận về địa điểm, phương thức chụp ảnh, cuối cùng thì xảy ra xô xát, cãi cọ rồi chia tay. | |
Trước đó Hương từng có 2 mối tình khác. Lần đầu là một chàng 33 tuổi, làm kinh doanh nhưng chỉ được một thời gian, cô thấy chán. Lý do là vì suốt ngày chàng chỉ mải lo công việc, nhiều tối đã hẹn với cô rồi lại gọi điện bảo: "Anh có công việc đột xuất, không đến được. Em cứ ngồi uống nước, ăn gì thì ăn lúc nào xong gọi anh ra trả tiền". Đến lần thứ 2 thì cô yêu một anh là bộ đội, 30 tuổi. Thế nhưng, anh ấy lúc nào cũng kêu không có thời gian. "Yêu đương gì mà một tuần mới đến chơi một buổi. Lúc mình ốm đau, cũng chả thấy đâu. Trong khi anh ấy ốm thì mình đến chăm sóc, nấu cháo, mua thuốc... Nhiều lúc tôi nghĩ chắc anh ấy không yêu thực sự nên mới như vậy, nên cuối cùng cũng chia tay", Hương cho biết. Đến anh thứ 3, hai bên bố mẹ đã nói chuyện với nhau, ăn hỏi rồi chỉ đợi ngày cưới. Thậm chí, cô còn lên kế hoạch lấy nhau xong sẽ cùng mở hàng cơm để kiếm thêm ngoài lương của 2 vợ chồng. Nhưng cuối cùng sau trận cãi vã, cô quyết định dừng đám cưới lại. Thực ra, định cưới đấy, nhưng trong lòng cô vẫn còn lăn tăn nhiều chuyện. Anh ấy bảo cưới thì cô cũng ừ cho xong chuyện. Thế rồi, qua trận cãi nhau về chuyện chụp ảnh, cô lại nghĩ "Có cái chuyện cỏn con này mà anh ấy không nhường mình. Sau này lấy nhau về chắc lại cãi nhau dài', thế là cô thôi. "Chả cưới xin gì nữa cho mệt. Mình cũng chả yêu sâu đậm gì nên chia tay lại thấy nhẹ cả người", Hương tâm sự. Theo chuyên viên tư vấn Đặng Huyền Trang, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số, những trường hợp của Hương không phải là hiếm gặp. Có người yêu rất nhiều nhưng cuối cùng lại chẳng đến được với ai. Có những người thì mải tìm hình mẫu người "hoàn hảo" của mình mà quá tuổi rồi vẫn lẻ bóng một mình như trường hợp của Yến (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội). Trong quan niệm của cô, người đàn ông phải nhẹ nhàng, lịch lãm, luôn luôn ngọt ngào. Chưa hết, phải có nhà cửa hẳn hoi, có địa vị trong xã hội. Gặp chồng của bạn, ai cô cũng xét nét, phán xét đến từng câu nói, cách nói, cách ứng xử. Thấy chồng bạn có tính nóng nảy, cô cho "như thế là không được", rồi nào là "chồng gì mà chả bao giờ giặt quần áo giúp vợ, nấu ăn giúp vợ trong khi vợ tay nẻ toác cả ra" hay "những ông chồng gia trưởng như thế lấy về chỉ có thêm khổ"... "Cũng có người quan tâm, yêu thương mình nhưng khổ nỗi anh ấy nghèo quá. 30 tuổi đầu rồi mà nhà cửa thì chả có. Giờ lấy nhau về rồi lại đi thuê nhà, nghĩ đến cảnh đấy đã thấy sợ. Tốt nhất là không lấy", Yến tâm sự. Theo chuyên viên tư vấn Huyền Trang, thực ra cái từ "hoàn hảo" được sử dụng rất nhiều, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, để chỉ một cái gì đó ở mức độ tuyệt đối, lý tưởng. Trong việc tìm kiếm người yêu, người ta cũng hay dùng từ này. Tuy nhiên, mỗi người có quan điểm, cách nghĩ, giá trị sống khác nhau thì có thể quan niệm về hoàn hảo cũng khác nhau. Có phụ nữ quan niệm người đàn ông hoàn hảo là người thức đêm cùng, động viên cô ấy làm việc, pha cafe và ở bên khi cô ấy cần một bờ vai. Nhưng trong mắt người khác, đó phải là người thành đạt, đẹp trai, ga lăng, thông minh.... "Nếu một người chờ đợi người yêu hoàn hảo, thì cần làm rõ, hoàn hảo theo ý họ là như thế nào. Khi đó, mới có thể nhìn thấy các tiêu chí họ đưa ra là có thể với tới hay không tưởng", chị Trang cho biết. Cũng theo chị, điều quan trọng là cần có một cái nhìn tích cực, không thể nhìn ai cũng thấy nhược điểm. Con người không ai là hoàn hảo tuyệt đối. Nếu bạn muốn tạo cho mình cơ hội thì cần mở lòng mình và tạo thêm cơ hội cho cả hai người để hiểu thêm về nhau, qua đó mới có thể nhìn thấy những ưu điểm. "Tình yêu vốn dĩ tự nhiên, đến rất tình cờ, nhưng vẫn cần sự nắm bắt khi cơ hội đến. Và không phải cứ mỗi khi một người xuất hiện thì họ sẽ bộc lộ ngay tất cả những đặc điểm tính cách, con người của họ để chúng ta biết được họ có hoàn hảo hay không. Mà chúng ta cần thời gian, sự tiếp xúc và khám phá", chị Trang cho biết. Con người ai cũng có ưu điểm, nhược điểm. Có người điểm ưu trội hơn, có người điểm nhược trội hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự dung hòa giữa hai người, sự chấp nhận những nhược điểm của nhau đến đâu. Hai người vẫn hoàn toàn có thể đến với nhau khi họ biết dung hòa các ưu, nhược điểm. "Một nửa của nhau không phải là những khuôn hình tròn trịa mà chính là những khuôn hình với bề mặt tiếp xúc chỗ nhô lên, chỗ gập xuống như hình răng cưa. Người ta không hoàn hảo, nhưng vẫn có thể đến với nhau là bởi khi ghép hai khuôn hình ấy thì các răng cưa ấy khớp lại được với nhau. Ngược lại, nếu không phải là nửa của nhau thì có cố lắp ghép cũng chẳng bao giờ khít lại", chị Trang cho biết. Phương Trang * Tên nhân vật đã được thay đổi. |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|