Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Bi hài trẻ 'khôn nhà dại chợ'
Dẫn con gái 3 tuổi đến cơ quan nhân buổi liên hoan, chị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) thất vọng khi bảo thế nào con cũng chẳng chào ai, chỉ co ro bám lấy mẹ, trong khi chị từng hãnh diện khoe rằng cô nhóc rất hoạt bát, lém lỉnh.

Chị Lan cho biết, bình thường ở nhà, bé Nhím hát múa suốt ngày và còn đành hanh vặn vẹo cả ông bà, bố mẹ. Trong những câu chuyện trên cơ quan, chị vẫn khoe với mọi người về khả năng ứng đáp nhanh nhẹn của con gái. Vậy mà hôm đưa con đến, chị ngại vô cùng vì cô bé nhất định không chịu chào hỏi các bạn đồng nghiệp của mẹ. Khi chị gợi ý hát tặng các bác, các chú một bài, cô bé chỉ mím chặt môi, tay níu váy mẹ. Bé cũng chẳng dám ra chơi cùng các bạn cùng tuổi đến cùng bố mẹ hôm ấy.

"Chẳng biết tại sao con bé lại thế. Cứ hễ ra ngoài hay người lạ đến nhà là nó im phăng phắc, chẳng chào, ai hỏi gì cũng không nói, dù bố mẹ đã nhắc nhở, thậm chí mắng hay dọa nạt", chị Lan kể.

Ảnh: MT.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy đang trao đổi với các phụ huynh về phương pháp giáo dục con trong một buổi thảo luận tại trung tâm. Ảnh: MT.

Còn chị Châu (Thanh Trì, Hà Nội) khổ sở mỗi lần muốn đưa con về quê ngoại chơi. Cậu nhóc vốn rất hiếu động, thông minh, hay nói nhưng mỗi lần về quê thì chỉ bám chặt mẹ, nhất định không đi chơi với anh em họ, không chào hay nói chuyện với ông bà, cô chú. Mỗi lần bố mẹ chuẩn bị đồ để về quê là cậu con lại quăng hết ra, thậm chí kêu khóc đòi ở lại.

Chị Châu kể, không những thế, mỗi lần đưa con về, thấy cháu chưa kịp chào là các cậu lại mắng ngay "À, thằng cu này bướng nhỉ, mồm đâu mà không nói, hay bị chuột cắp mất rồi", hoặc "Mày mà không chào bác là bác cắt mồm đấy" khiến cậu nhóc càng sợ.

Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (phố Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, có rất nhiều phụ huynh phiền lòng vì con trở nên nhút nhát, sợ sệt và khó bảo khi gặp người lạ hay đến một môi trường khác, dù trẻ có thể rất hoạt bát khi ở nhà.

Bà Thủy cho biết, thật ra, điều này do lỗi của người lớn. Nhiều bố mẹ chưa hiểu tâm lý trẻ và có cách ứng xử chưa tinh tế, hợp lý. Họ thường áp đặt trẻ phải biết chào hỏi mới là ngoan và bắt buộc các cháu làm vậy khi gặp người trên. Họ cũng luôn vội vã đẩy trẻ vào môi trường mới, bắt con phải hòa nhập thật nhanh, và thường có thái độ bề trên, thích ra lệnh cho trẻ. Những điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy bất an, thu mình lại và càng tỏ ra bất hợp tác. Và nếu điều này lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ hình thành phản xạ cứ đến nơi lạ là sợ hãi, lo lắng.

Không ít bé vì lý do này mà rất khó hòa nhập với môi trường mới khi bắt đầu đi học. Nhiều bé khóc lóc nhất định không chịu tới lớp, thậm chí còn nôn ói, ốm đau trong giai đoạn đầu.

Có cô con gái 2 tuổi rưỡi rất lém lỉnh, thông minh, khả năng ngôn ngữ cũng khá tốt, chị Hiếu (Hà Đông, Hà Nội) cứ nghĩ bé sẽ rất hứng thú khi đi học. Thế nhưng, ở nhà bé hoạt bát, bạo dạn bao nhiêu thì khi đến lớp cháu lại nhút nhát, sợ sệt bấy nhiêu. Suốt cả tuần đầu đến lớp bé khóc suốt rồi ngồi thu lu một mình trong góc. Dù dỗ dành đủ kiểu, nhưng sáng nào chị cũng vẫn phải đánh vật với con mới giao được bé cho cô giáo.

Theo nhà giáo dục Đặng Thị Lệ Thủy, để trẻ có thể tự tin và hòa nhập với môi trường mới, bố mẹ cần giới thiệu cho trẻ từng thứ xung quanh để trẻ làm quen dần với nơi mới, người mới.

Chẳng hạn, để chuẩn bị cho bé đi học, bố mẹ hãy kể cho con nghe việc đến trường thú vị thế nào, được chơi với các bạn, chơi đồ chơi, học hát học múa vui thế nào... Trước đó, thỉnh thoảng bạn có thể đưa con đến lớp, giới thiệu với con về sân trường, những cây lá xung quanh, các bức vẽ trên tường, cho bé làm quen dần với các bạn, cô giáo... Cứ như thế, trẻ sẽ cảm thấy thân thuộc với môi trường mới, và không bị "sốc" khi bị thay đổi hoàn cảnh đột ngột.

Ngoài ra, người mẹ cũng cần thường xuyên trao đổi với cô giáo về những cá tính, sở thích của con. Trẻ rất tinh, từ 18 tháng tuổi đã nhận biết được biểu cảm của người lớn. Vì thế, có những cô giáo yêu trẻ, hiểu tâm lý các bé sẽ nhanh chóng "thu phục" được tình cảm của con.

Hay, với với tình huống của cô con gái chị Lan, thay vì cứ gặp người lớn lại bắt con chào hỏi, mẹ hãy thử chào người đối diện trước rồi giới thiệu con với họ. Những người lớn khi gặp trẻ cũng thay vì bắt các bé phải chào, hãy nở nụ cười thân thiện chào bé trước, rồi khen bé, nếu bé không chào, cũng đừng mắng mỏ, quở trách. Sau vài lần cảm nhận sự thân thiện, tự trẻ sẽ cởi mở và tự tin hơn.

Còn chị Châu, sau khi được chuyên gia tư vấn, chị đã thử áp dụng những cách đơn giản và thấy ngay kết quả với cậu con trai sợ về quê. Hằng ngày, chị hay trò chuyện với con hay xem ảnh về những người thân đang ở quê. Chị cũng kể về kỷ niệm thời thơ ấu ở quê cùng ông bà và các chú dì cho con nghe.

Lần về quê tiếp theo, chị Châu không ép con mà chỉ hỏi rất nhẹ nhàng: "Ngày mai là giỗ cụ, bố mẹ sẽ về quê thăm ông bà, con có muốn về cùng không". Bé mới đầu cũng khẳng định sẽ không về nhưng sau đó cũng đồng ý vì thấy không có sự lựa chọn nào tốt hơn.

Khi về nhà, chị không bắt con chào mọi người như những lần trước mà lại nhẹ nhàng giới thiệu với con từng người, hỏi xem con có nhớ đó là ai không, sau đó, chị đưa con ra vườn, chỉ cho con từng loại cây, loại hoa, đưa con đi xem con gà, con lợn rồi gợi ý con rủ vài anh chị khác cùng ra đồng thả diều, xem trâu, thăm đồng lúa... Sau lần đó, cu nhóc nhà chị rất hào hứng với mỗi chuyến về thăm ông bà và gần gũi hơn với mọi người.

Nhà giáo Lệ Thủy cho biết, việc đến một nơi mới mà bé sợ sệt hay ngại ngùng là hoàn toàn bình thường, dễ hiểu. Người lớn cũng vậy. Bao giờ tiếp xúc với hoàn cảnh khác, người lạ, chúng ta đều có chút e ngại. Điều quan trọng là làm sao khiến trẻ có cảm giác yên tâm và thân thiện để tự tin thể hiện mình.

Và để làm được điều này, bố mẹ cần thường xuyên đưa con đến chơi nhà họ hàng, làng xóm, bạn bè, và mỗi lần đó, không phải chỉ là đưa bé đi theo, để người lớn nói chuyện, tụ tập với nhau mà hãy để cho trẻ được là "nhân vật chính", được chơi, giao lưu với mọi người. Ngoài ra, phụ huynh có thể kết bạn với nhau, đưa con đến từng nhà để các trẻ chơi với nhau.

Bạn cũng đừng ngại ngần đưa bé đến nơi lạ. Mỗi lần như thế, hãy dành vài phút trước khi đi để tâm tình với con, kể với trẻ về mọi thứ xung quanh. Mỗi dịp như vậy không chỉ giúp bé hiểu biết về cuộc sống, mạnh dạn hơn mà còn để bé học cách thể hiện cảm xúc của bản thân trước người khác.

Ngoài ra, chính bố mẹ phải là tấm gương về cách ứng xử, giao tiếp với mọi người để con noi theo.

"Khi đi cùng con hay kể cả chỉ có một mình, nếu gặp những người lạ trên đường, trên xe bus, trong thang máy, tại công viên... hay bất cứ chỗ nào, hãy nở nụ cười và bắt chuyện bằng những câu chào hỏi thân thiện. Trẻ sẽ bắt chước và học hỏi cách ứng xử tốt của bố mẹ rất nhanh", bà Thủy nói.

Vương Linh


Tin đã cập nhật trước đó
   Nói xấu... mẹ chồng
Trước khi lấy chồng sao tôi thấy khó chịu với mấy chị bạn thế, chuyên môn nói xấu mẹ chồng....

   Cái giá của một phút...
Tôi đã sống trong nỗi ân hận dày vò, cảm giác có lỗi với chồng con ngày đêm chà xát...

   Ế vợ vì cảnh tứ...
Mô hình gia đình có ba, bốn đời cùng chung sống trước đây khá phổ biến và được coi là...

   Chuẩn bị tâm lý cho...
1 tuần trước chuyến đi, hãy trò chuyện với bé về kỳ nghỉ sắp tới. Trẻ em dưới 4 tuổi...

   Đẩy lùi “chiến tranh” trước...
Nhà quân sự thế kỉ thứ 19 Carl Von Clausewitz nói rằng “chiến tranh xảy ra khi một nước muốn...

   Đẩy lùi “chiến tranh” trước...
Nhà quân sự thế kỉ thứ 19 Carl Von Clausewitz nói rằng “chiến tranh xảy ra khi một nước muốn...

   9 câu “tán” dở tệ
1. “Em có băng cứu thương không? Trái tim anh vừa xước vì ngã trước em rồi”...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top