Không còn “đóng khung” trong dòng nhạc nhạc gai góc, cá tính nữa; chàng ca sĩ quái giờ còn muốn vẫy vùng sang thể loại nhạc xưa. “Tôi giờ bớt cực đoan hơn, không như trước đây khăng khăng với cái mình muốn làm. Như thế rất thiệt thòi!”, Tùng Dương chia sẻ. | |
Tùng Dương cũng "lấn sân" sang dòng nhạc xưa
Nam ca sĩ của Những ô màu khối lập phương tuyên bố sẽ cho ra mắt album nhạc xưa Tình ca số 1 vào khoảng tháng 8/2010. Album gồm những ca khúc của Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên, Trường Sa, Lam Phương, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… do nhạc sĩ Nhật Trung biên tập và hòa âm.
Duyên cớ đưa Tùng Dương đến với nhạc xưa và quyết định phát hành album thể loại này trong thời gian tới? Bắt đầu từ ca khúc Mùa thu cho em của tác giả Ngô Thụy Miên, tôi hát trong album tổng hợp của nhiều ca sĩ cách đây 2 năm. Khi nghe tôi hát, bạn bè phát hiện ra một Tùng Dương hoàn toàn khác và thích cách xử lý của tôi đối với những ca khúc đã đi cùng năm tháng. Chính từ sự yêu thích, cổ vũ của bạn bè và nhận được sự hỗ trợ của những người bạn tôi đã thực hiện album này. Tình ca số 1 đã thu âm xong từ trước Tết và đợi ngày ra mắt khán giả. Hát nhạc xưa rồi chuẩn bị ra album nhạc xưa, có vẻ như anh không “thoát” khỏi trào lưu hát nhạc xưa đang thịnh hành trong giới ca sĩ trẻ? Loại nhạc mà người ta gọi là “trữ tình, tiền chiến” hiện nay còn được khá nhiều người nghe, nhất là ở hải ngoại. Thời gian qua có khá nhiều ca sĩ hát loại nhạc này, tuy nhiên không phải ai hát nhạc “trữ tình, tiền chiến” cũng được khán giả chấp nhận. Hát hay hay không cần có sự đầu tư nghiêm túc và khán giả sẽ là người thẩm định. Hơn nữa, đây không phải dự án riêng tôi ấp ủ mà còn là dự án của những người bạn thích giọng hát của tôi ở thể loại nhạc xưa. Bản thân tôi cũng thích hát những ca khúc này vì nó hợp với chất phiêu linh của mình. Tôi đã từng hát thể loại nhạc này trong chương trình Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, song ca với đàn chị Thanh Lam ca khúc Tình nghệ sĩ và Gửi người em gái miền Nam và được khán giả cổ vũ, ủng hộ.
"Việc ra album nhạc xưa chỉ là tôi muốn khám phá sự đa dạng trong giọng hát của mình"
Từng khăng khăng theo đuổi dòng nhạc “quái” đến cùng, giờ lại đổi ý rẽ ngang sang “vườn” nhạc xưa, người ta dễ nghĩ anh đã nản với con đường mình lựa chọn? Tôi vẫn kiên định theo đuổi dòng nhạc mình lựa chọn. Bằng chứng là album Li ti với những khai phá mới mẻ mang phong cách electronic trên nền của những nhạc cụ giao hưởng được thực hiện tại Đức sẽ trình ra mắt vào tháng 8 tới. Việc ra album nhạc xưa chỉ là tôi muốn khám phá sự đa dạng trong giọng hát của mình. Tôi muốn chứng tỏ giọng hát Tùng Dương không chỉ “đóng khung” trong thể loại nhạc gai góc, cá tính và quái mà còn rất trữ tình, bay bổng. Tôi muốn khám phá bản thân, đó cũng là cách thay đổi món ăn cho khán giả bớt nhàm chán. Vậy anh nghĩ sao khi có người cho rằng, sự “khám phá” mới của Tùng Dương đơn giản chỉ vì…kinh tế? Song hành với những chuyến bay show hải ngoại là đĩa CD nhạc xưa bán cho Việt kiều đang là cách “làm ăn rất có lời” của nhiều ca sĩ? Kinh tế chỉ là một phần. Nếu vì kinh tế mà không yêu thích thì tôi sẽ không làm. Thực ra, tôi chỉ nghĩ đơn giản là khi công chúng Việt Nam và khán giả hải ngoại yêu thích những bản tình ca đi cùng năm tháng mà khả năng mình có thể thì nên hát để phục vụ khán giả.
Chàng ca sĩ quái thừa nhận, giờ đã bớt cực đoan
Nếu ai đó nói, “Tùng Dương giờ hết quái” thì anh nên buồn hay vui? Tùng Dương giờ bớt cực đoan thì đúng hơn. Trước đây, tôi chỉ khăng khăng với cái mình muốn làm như thế rất thiệt thòi. Đã xác định con đường nghệ thuật là lâu dài thì việc thử sức trong nghệ thuật rất quan trọng Tôi chỉ muốn mình uyển chuyển một chút trong quan niệm cũng như cách nhìn nhận. Điều đó cũng chứng tỏ sự trưởng thành của Tùng Dương.
Nguyễn Hằng |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|