Nghe đứa con lớp 4 háo hức khoe: “Năm nay con đạt loại giỏi, cả lớp 46 bạn, bạn nào cũng giỏi” và đòi thưởng món gà rán, vợ chồng chị Hương nhìn nhau gượng cười cho con vui. Thực ra kết quả này chị đã đoán trước. | |||||
“Cha mẹ nào mà vui được khi cả lớp con gần 50 học sinh đều đạt loại giỏi. Hơn nữa lớp cháu đâu phải là lớp chọn. Có lần cháu còn kể cho tôi nghe, cô giáo thấy cháu làm bài kiểm tra không được nên đưa bài của bạn khác cho chép. Tôi thật sự lo lắng về phương pháp giáo dục kiểu này”, chị Hương, quận Bình Thạnh, TP HCM nói.
Anh Hoàng Dũng, quận 3, nói với VnExpress.net: “Con tôi học lớp 5, hễ đến mùa thi lại lôi sách vở ra 'tụng' ê a như con vẹt, đọc tới đọc lui rồi bứt tóc, gãi tai. Trông đứa con đầu lòng học khổ sở, bố mẹ xót xa nhưng chỉ biết động viên, rồi thu xếp thời gian kèm cặp cháu học”. Hỏi con, anh Dũng mới biết cô giáo dặn về nhà học kỹ từng chữ trong phần ghi nhớ và phần cô tóm tắt trong vở để lên lớp trả bài. Đó cũng là nội dung thi, và "nếu không sai chữ nào sẽ được điểm tuyệt đối". Anh Dũng bức xúc: “Bọn trẻ bây giờ mất hết khả năng sáng tạo, kiểu học này chỉ biến chúng thành những con vẹt chứ có tư duy sáng tạo gì đâu. Trên thực tế khi hỏi lại con, tôi thấy chỉ cần quên một chữ đầu là cháu quên hết cả đoạn sau, nói gì đến việc sau này có khả năng phân tích được nguyên lý ứng dụng như hai nông dân Việt Nam chế tạo máy bay, 'thần đèn' chuyển nhà qua sông!". Chị Nga, quận 1, thì băn khoăn về đứa con học cả ngày trên trường, về đến nhà không thèm chào bố mẹ. "Dường như chương trình giáo dục quá nặng nên giáo viên chỉ tập trung dạy kiến thức cho trẻ mà lơ là việc giáo dục đạo đức. Thấy con đạt loại giỏi mà vô tâm, làm cha mẹ như tôi lại càng lo thêm. Thực sự tôi chỉ mong con mình bớt giỏi”, chị Nga nói. Trông đứa con xếp hạng xuất sắc nhất lớp nhưng khuôn mặt ngày càng đờ đẫn, học lớp 5 mà kính cận dày như “đít chai”, người mẹ trẻ lo lắng: “Cháu rất ham học, hễ bố mẹ rủ đi chơi thì nó lại nói phải làm hết bài tập để mai lên trả bài cho cô giáo. Tôi e rằng ký ức tuổi thơ của cháu chỉ là sách và sách. Tôi thực sự mong thầy cô giảm bớt gánh nặng bài vở cho các cháu để chúng dành thời gian cho các hoạt động thể chất nữa".
Nhiều diễn đàn giáo dục trên mạng cũng được phụ huynh tận dụng để giãi bày nỗi lo lắng cho tương lai của con em mình. “Mặc dù chưa thi học kỳ nhưng tôi biết con tôi sẽ đạt loại giỏi. Tất nhiên thấy con giỏi cha mẹ cũng mừng nhưng chỉ sợ kết quả đó chỉ là cái danh hão, là hậu quả của căn bệnh thành tích trong giáo dục”, phụ huynh có nick name Mevuthuy tâm sự trong môt diễn đàn giáo dục. Phụ huynh nick name Phuongnga, có con học lớp 3 tại một trường tiểu học quận 1, TP HCM, cũng than thở: “Mỗi lần bảo cháu vào bàn học, cháu lại không chịu mà đòi chơi game với tiếng vọng lại ‘mẹ yên tâm đi rồi cuối năm con cũng được loại giỏi mà'. Thực sự tôi rất lo lắng về thái độ học hành của cháu, cứ ỷ lại như thế thì sau này ra đời sẽ thua thiệt”. Trao đổi với VnExpress.net, thầy Việt, giáo viên lớp 8 tại một trường cấp 2, tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu trong lớp toàn học sinh giỏi sẽ không tạo được động lực học cho các em. Trong một lớp chỉ cần phát thưởng cho từ 3 đến 5 em giỏi sẽ là cách để khuyến khích những học sinh khác phấn đấu. “Thầy cô tâm huyết với nghề chỉ muốn học sinh mình cố gắng vươn lên học giỏi chứ không phải tìm cách cho học sinh đạt điểm giỏi để giáo viên được tăng lương. Tôi nghĩ giáo viên nào làm như vậy sẽ bị chính học sinh của mình coi thường vì không xứng đáng với sứ mệnh của người thầy”, thầy Việt nói. Cũng theo thầy, giáo viên phải "can đảm chấm điểm cho trẻ đúng với sức học của chúng". Một điều quan trọng hơn là người thầy phải chỉ cho trẻ lý do bị điểm thấp và từ đó hướng cho chúng cách học để lần sau đạt kết quả tốt hơn. Người thầy cho rằng việc đánh giá khen thưởng giáo viên cần một quá trình dài. Bên cạnh sự giám sát của ban quản lý nhà trường, nên để học sinh tự đánh giá thầy cô của mình. “Thiết nghĩ chính học sinh mới là chủ thể của giáo dục, học phí các em đóng là để trả lương cho giáo viên nên quá trình đánh giá giáo viên không thể thiếu vai trò của các em. Có như thế giáo viên mới đi sát từng em và dạy vì sự tiến bộ của học sinh chứ không phải cứ vươn lên để đón đầu thành tích”, thầy Việt nói. Cô Kim Dung, giáo viên một trường tiểu học quốc tế danh tiếng tại quận 1, TP HCM, nói với VnExpress.net: “Thú thực, đôi khi bài làm của các em chỉ đạt 6 - 7 điểm nhưng giáo viên phải châm chước cho điểm 8. Một phần do sức ép từ phía cha mẹ vì phụ huynh ở đây thường có nhiều đóng góp cho trường. Một phần thấy các em khóc năn nỉ do sợ làm bài điểm thấp sẽ bị cha mẹ la nên giáo viên cũng nhắm mắt cho thêm điểm”. Cô Dung cũng cho biết, từ khi có quy định tính tròn điểm từ 0,5 lên chẵn 1, nhiều giáo viên thường cố gắng tìm thêm ý nhằm cho điểm lẻ, để sau đó có thể tính tròn điểm. Theo cô thì "đây là cách 'cho' điểm đơn giản lại ít bị nhòm ngó". Tuy nhiên, giáo viên này cũng thừa nhận, "cách tính điểm thế này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả tổng kết cuối năm của học sinh". Ngoan Ngoan |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|