Đi làm về lúc 7 giờ tối, ăn cơm xong đã hơn 8 giờ, dù mệt nhoài và chỉ muốn nằm xem TV nhưng Thắng vẫn cố phóng xe tới bữa tiệc sinh nhật của cô em họ. Biết đâu lần này anh có thể gặp được bà xã tương lai. | |
Năm nay Thắng (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội)mới bước sang tuổi 27. Có bằng Đại học Xây dựng, anh đang làm việc cho một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội với mức thu nhập khá. Công việc khá bận rộn và căng thẳng nên mỗi khi về đến nhà anh chỉ muốn được thư giãn, nghỉ ngơi. Thế nhưng, bước sang năm nay, Thắng bỗng lo lắng chuyện vợ con khi thấy nhiều bạn bè lập gia đình. "Tất nhiên, tuổi mình thì còn trẻ, bảo sợ ế người ta cười cho, nhưng nếu cứ cái lịch làm việc, sinh hoạt như bây giờ thì không biết đến bao giờ mới 'yên bề gia thất", Thắng thổ lộ. Anh kể, do đặc thù công việc, anh chủ yếu tiếp xúc với nam giới, lại luôn ngập đầu với hết dự án này đến dự án kia nên rất ít cơ hội tiếp xúc với phái nữ. Lúc rảnh, ngoài thời gian ở nhà, anh tụ tập cùng đám bạn còn độc thân như mình. Trước đây, Thắng cũng có vài mối tình nhưng cũng chính vì anh quá bận rộn, rồi ham tụ tập bạn bè mà các cô người yêu đã lần lượt chia tay, đi lấy chồng. Sau gần hai năm gặm nhấm nỗi cô đơn, giờ đây, Thắng đang thèm một gia đình, nhưng lại thấy mình khó bắt đầu các mối quan hệ. Sinh năm 1980, Trung, kỹ thuật viên máy tính của một công ty phân phối thiết bị công nghệ ở Đống Đa, Hà Nội cũng đang mơ về "ngôi nhà và những đứa trẻ". Vốn là dân ngoại tỉnh, Trung thuê một phòng trọ nhỏ ở một mình. Trước đây, Trung vốn rất thích thú với cuộc sống độc thân, 7 ngày thì 5 ngày không có mặt ở nhà, bạn gọi chỗ nào là lao đến ngay, ăn uống, nhậu nhẹt rồi về nhà bạn ngủ luôn. Thời gian này, đám chiến hữu ấy đã "vào rọ" gần hết, mấy người còn lại cũng có người yêu, khiến Trung cũng bắt đầu thấy trống trải. "Ngày thường thì đi làm về là ăn cơm bụi rồi chui về nhà tắm, giặt, xem TV và ngủ thôi. Chán nhất những chiều thứ 7, về nhà chẳng biết làm gì, cũng chẳng biết đi chỗ nào vì mấy đứa bạn gái thân thì bận chồng con, mấy thằng chiến hữu có gia đình rồi không phải lúc nào cũng rủ đi được, chẳng lẽ cứ vào quán cà phê ngồi một mình?", Trung kể. Anh cho biết, ngày trước, nếu có ai đó nói sẽ giới thiệu cô này cô kia thì thể nào anh cũng gạt phắt đi và thấy thật buồn cười, nhưng bây giờ, nếu có người làm "mai", anh sẽ cân nhắc và có thể đến gặp vì "biết đâu tìm được ai đó hợp với mình, chứ cứ ngồi đợi thì không biết đến bao giờ". "Bọn mình không sợ ế vợ, như Chí Phèo ngày xưa còn có Thị Nở cơ mà, và thực tế, cũng có khối cô chỉ cần mình gật đầu là 'xong' nhưng đến lúc này, thật sự mình cảm thấy lo lắng về chuyện lập gia đình, lo không biết có gặp được đúng 'một nửa' thực sự của mình không nữa", Hải Đăng - chàng trai 33 tuổi, trưởng nhóm bán hàng một công ty thương mại ở Hoàn Kiếm, Hà Nội tâm sự. Đăng cho biết, hiện tại, anh chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè và những người xung quanh về chuyện lập gia đình. Bản thân anh cũng muốn "cập bến" để ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa chọn được người thích hợp. "Gặp được người có vẻ phù hợp về hình thức, công việc thì quê lại ở xa quá, gia đình mình không thích, hay có khi đủ mọi 'chuẩn' rồi thì mình lại chẳng thấy có xúc cảm gì", anh bộc bạch. Anh còn thổ lộ, dù rất muốn lập gia đình nhưng anh sẽ không bao giờ "vơ vội" vì thấy bài học từ thằng bạn thân: suốt ngày cãi cọ vì chuyện tiền nong, con cái, phát mệt. Nhưng anh cũng lo sợ khi nhìn thấy một "nhân chứng sống" khác: người anh họ đã 38 tuổi vẫn đi về một bóng, thậm chí còn trốn nhà những dịp lễ tết sợ bố mẹ thúc giục, họ hàng hỏi thăm. Đăng cho biết, ông anh này bây giờ còn ngại đi "tán" gái vì gặp cô trẻ thì "teen", nhõng nhẽo, khó chiều, suy nghĩ hời hợt, còn cô tương xứng về tuổi với mình thì lại thấy lại thấy hơi "dừ" và lo đường con cái. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết, xưa nay, người ta vẫn hay nghĩ chỉ các cô gái mới lo "ế" nhưng thực tế, nam giới cũng có tâm lý này. Theo bà Hà, thực tế, phụ nữ chịu sức ép từ xã hội, gia đình lớn hơn nam giới về việc lập gia đình khi đến một độ tuổi nào đó, hơn nữa, do giới hạn độ tuổi sinh sản ngắn hơn nên chị em cũng thường "sốt sắng" hơn. Tuy nhiên, cũng vì đủng đỉnh trước "1 trong 3 việc lớn" này mà không ít chàng trai khi đến một lứa tuổi nào đó lại giật mình vì thấy khó tìm được ý trung nhân như mơ ước. "Lúc còn ở lứa tuổi đôi mươi, người ta thường yêu bằng những rung động đầy cảm tính, với tất cả sự lãng mạn, nhiệt huyết. Khi yêu, chỉ cần một cuộc gọi từ 'nửa kia', trái tim sẽ thôi thúc họ lao đến ngay lập tức. Nhưng khi đã đến một độ tuổi nhất định, tình cảm sẽ bị lý trí chi phối nhiều hơn. Và có lẽ vì điều này, nhiều cô gái từng phàn nàn rằng khi bắt đầu mối quan hệ, các anh chàng chín chắn thường tạo được cảm giác nghiêm túc, nhưng họ lại thiếu nhiệt tình, nếu có chút rắc rối là ngãng ra ngay, khiến chị em cảm thấy băn khoăn", chuyên gia lý giải. Theo bà, trong chính các chàng trai cũng tồn tại những mâu thuẫn. Một mặt, họ rất muốn lập gia đình, có một tổ ấm thực sự để chăm lo, nhưng mặt khác, họ lại ngại "đầu tư" thời gian và sự quan tâm. Họ sợ những bất trắc trong tình cảm và lại phải bắt đầu tạo dựng một mối quan hệ mới nhưng cũng không thích bất cứ sự sắp đặt nào. Hơn nữa, một số nam giới, khi đã có nhiều sự trải nghiệm, nhiều mối quan tâm và cả sự tính toán, cũng sẽ có nhiều "tiêu chuẩn" hơn với "nửa kia" của mình. Theo chuyên gia, đôi khi việc này cũng là một rào cản người ta tìm đến hạnh phúc gia đình. "Hãy cho mình thêm cơ hội để gặp gỡ, tìm hiểu người khác phái và đừng quên đầu tư thời gian, sự quan tâm khi muốn xây dựng và vun đắp một mối quan hệ. Một tình cảm chân thành giữa hai người có sự tương đồng về tâm hồn, trình độ, gia cảnh... sẽ là nền tảng để bạn xây dựng hạnh phúc", bà Hà chia sẻ. Vương Linh * Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|