Nhớ ngày đó, nàng thỏ thẻ với tôi: “Anh ạ, em quyết định học cao học!” - “Thế ai trông con?” - “Con hai tuổi rồi, mình có thể gửi ông bà ngoại”. | |
Tôi thấy công việc hiện tại của nàng cũng tốt lắm rồi, tuy thu nhập không quá cao nhưng an nhàn và ổn định, lại có nhiều thời gian chăm sóc con cái, nhà cửa. Chưa kịp góp ý, nàng đã nước mắt ngắn dài:
- Tốt nghiệp đại học xong em lấy chồng, có con ngay, đâu có cơ hội phấn đấu như bạn bè.
Rồi nàng kể ra cô bạn này đang nghiên cứu ở nước ngoài, cô bạn kia chuẩn bị lên chức trưởng phòng. Chỉ có nàng ra trường lấy chồng ngay, vướng bận gia đình, không còn cơ hội học hành, phấn đấu, cứ như thể việc lấy tôi đã cản trở con đường công danh của nàng. Tôi ủng hộ nàng hết mình vì nghĩ hai năm cũng nhanh thôi. Tôi đồng ý chia sẻ việc nhà để tạo điều kiện cho nàng đi học cao học.
Tan sở, tôi vội vàng dắt xe ra chợ, rồi đến nhà ông bà ngoại đón con, về nhà chuẩn bị cơm nước. Là đàn ông mà tôi đầu tắt mặt tối như một bà nội trợ thực thụ. Sau bữa tối, tôi còn nhận nhiệm vụ đọc truyện cho con ngủ để tạo điểu kiện cho vợ ôn thi.
Thấm thoắt hai năm gần trôi qua, khi sắp có trong tay tấm bằng thạc sĩ, nàng lại tính tới chuyện học lên tiến sĩ. Rồi chẳng hiểu do ai xui khiến, nàng lại học thêm văn bằng hai khoa quản lý kinh tế. Nàng nũng nịu với tôi:
- Anh phải mừng cho em chứ! Em học nhiều như thế thì đẹp mặt chồng chứ đẹp mặt ai.
Nếu phản đối, nàng sẽ cho là tôi ích kỷ, không muốn vợ phấn đấu. Còn nếu đồng ý, không biết đến bao giờ nàng mới hết ham mê học hành. Tôi thủ thỉ, nàng nên hoãn kế hoạch học tập để sinh đứa thứ hai. Nàng giãy nảy không chịu, nói: “Một đứa em đã mệt lắm rồi”.
Từ ngày bận học hành thi cử, nàng cũng chẳng còn nhiều thời gian để trò chuyện hay chơi với con. Ngay cả thứ bảy chủ nhật, nàng cũng phải tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp. Buổi tối, có khi tôi đi ngủ rồi, nàng vẫn chong đèn đọc sách, nghiên cứu. Giờ, những kế hoạch học hành phấn đấu sự nghiệp của nàng vẫn còn dày đặc, không hề thấy dự định cho gia đình, chồng con. Có lúc tôi chỉ biết kêu thầm: Vợ ơi, đừng học nữa!
Theo Vũ Đình Mạnh PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|