Thời gian sau sinh mẹ như bị trầm cảm, luôn ủ dột, buồn bã. Mẹ thấy trách nhiệm đang mang thật nặng nề, nên chỉ muốn “tống” con cho ai đó nuôi hộ. Mẹ miễn cưỡng chăm sóc con, không biết khi ấy tình mẫu tử đi đâu? | |
Cũng bởi mẹ từng có suy nghĩ vì con mà mẹ phải chịu những cơn nghén hành hạ và đủ mọi rắc rối từ việc có bầu mang lại: Mẹ lếch thếch, xấu xí, chả ai buồn ngó, mẹ phải về quê nội con ở cữ theo lề lối vùng này, phải xa rời bố con với nỗi nhớ quay quắt, khổ sở.
Vì con, mẹ bỏ lỡ chuyến du lịch Thái Lan do công ty đài thọ, niềm mơ ước bấy lâu của mẹ.
Đẻ con, mẹ phải chịu cơn đau rách da rách thịt. Mẹ đã nhủ thầm, chỉ trót dại lần này thôi, cho kim cương cũng không dám sinh đứa nữa.
Có con mẹ già đi đến chục tuổi do con hay quấy khóc, phải thức đêm bế ẵm dỗ dành, cho ăn, thay tã và lau dọn. Mẹ hôi hám, nhếch nhác như “con mọi” vì các “thành quả lao động” của con sau khi ăn sữa. Và vì kiêng khem nên mẹ không được tắm gội, chỉ dám lau qua.
Mẹ đến stress khi con thường gào khóc, ăn vạ để rồi trong nhà cứ lục đục. Mẹ bị bà con mắng vì để con hờn khóc, khiến có lúc nước mắt mẹ chảy ròng ròng.
Phát mụ mẫm đầu óc vì chả mấy khi được nói chuyện với ai do phải kiêng sinh xong nói nhiều sau sẽ bị nhịu, điện thoại cũng bị tịch thu, mẹ thấy cô độc, buồn chán vô cùng.
Mẹ sẽ vẫn thối chí nếu không có một lần con khóc rất to và dai, mẹ quá mệt mỏi nên chả buồn dỗ đến khi quay lại nhìn ánh mắt con hờn dỗi đầy trách móc, chẳng bao giờ mẹ có thể quên, nó khiến mẹ nhói đau, để rồi trong giấc ngủ con vẫn nức nở, nấc lên từng hồi, mẹ bắt đầu xót xa.
Qua hai tháng tinh thần của mẹ mới dần trở lại bình thường do được mọi người xúm vào động viên trò chuyện và khuyên nhủ, kéo tình mẫu tử trở lại trong mẹ. Con cũng ngoan hơn, chịu khó ăn và rất nỏ chuyện, trong nhà chẳng mấy khi vắng tiếng con.
Mẹ tĩnh tâm và có thời gian nhìn con chu cái miệng đỏ hồng lên như đang thổi sáo. Miệng xinh, ai đặt vào mà đáng yêu thế! Cái má bánh đúc ai đến thăm cũng quở, cũng “trộm mụ” mẹ tốt sữa khiến mẹ thấy tự hào về con.
Lúc ăn, mắt con láo liêng nhìn rồi ngó mẹ đăm đăm, có lúc còn ê a bắt chuyện như muốn gửi thông điệp yêu thương, lòng mẹ dịu lại, hạnh phúc làm sao! Mẹ ôm con chặt hơn để hai trái tim gần nhau. Con là máu thịt của mẹ gửi vào kia mà.
Mẹ thích ngắm lúc con đang ngủ, nom thật bình yên và lòng mẹ khi ấy cũng thật nhẹ nhõm. Thi thoảng trong giấc ngủ mơ màng, con bỗng e é kêu, mặt nhăn nhó, mẹ khẽ nói: “Mẹ đây, mẹ đây mà, con ngủ đi”. Con lại ngủ tiếp. Khi ấy trong mẹ bừng lên một ý nghĩ thật khó tả. Con nhỏ bé, yếu ớt quá, luôn cần sự che chở, vỗ về mà sao có lúc mẹ nỡ so đo, rồi trách mắng con? Mẹ tự thấy hổ thẹn.
Cứ thế hai mẹ con hiểu nhau, yêu nhau hơn, con khóc mẹ cũng thấy đau, ông bà đang ôm mà con khóc chỉ cần mẹ đưa tay ra bế là con nín, lại toe toét cười khiến mẹ rất vui…
Mẹ dần hiểu ra, nuôi con là cả một nghệ thuật mà ở đó không có chỗ cho sự cáu gắt, giận giữ và hời hợt. Để làm mẹ phải khéo léo dịu dàng, nhỏ nhẹ và cần rất nhiều sự hi sinh vô điều kiện.
Khi có con, mẹ thêm biết ơn ông bà nội ngoại của con, lúc này mới thật sự ngấm câu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Và quả thực, “nước thế gian”, “mây trời lồng lộng” chẳng thể ví được với tình cảm, công lao ấy.
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|