“Nếu anh không chịu thay đổi, không chịu suy nghĩ lớn lên thì đường ai nấy đi, tôi mệt mỏi lắm rồi. Xin anh nhớ cho tôi là vợ chứ không phải là mẹ của anh...”. | |
Lấy chồng ít tuổi
Mối tình chị - em của Thủy và Trọng không được ủng hộ ngay từ đầu, nhất là từ phía gia đình Thủy. Từ khi con gái đưa người yêu về giới thiệu, bố mẹ Thủy đã phản đối kịch liệt khi nhìn thấy sự chênh lệch khá lớn về tuổi tác. Tính cả tuổi mụ, Thủy hơn Trọng gần 7 tuổi.
Thế nhưng dù ai nói ngược nói xuôi, Thủy vẫn chắc như đinh đóng cột rằng ngoài Trọng ra không lấy ai làm chồng. Khuyên can không nổi con gái, bố mẹ Thủy đành xuống nước. Thủy cam đoan, dù sướng khổ thế nào, đó cũng là cuộc đời cô. Về phía gia đình Trọng, tuy không vừa ý lắm về mặt tuổi tác của Thủy nhưng hình thức lẫn tính tình và nhất là địa vị mà Thủy có được trong xã hội đều khiến họ xuôi lòng.
Đám cưới được tổ chức, Thủy lên xe hoa trong sự phân vân bàn tán của người thân lẫn bạn bè. Nhưng vì tình yêu hiện có với Trọng, cô nghĩ tất cả sẽ êm đẹp. Với Thủy khi quyết định đến kết hôn cùng Trọng, cô cũng đã phải trải qua những phút giây trắc nghiệm với bản thân mình. Đã bao lâu lần Thủy tự hỏi liệu sau này khoảng cách tuổi tác ấy có làm Trọng chán nản và bỏ rơi mình không? Nhưng rồi những lời hứa, sự thề thốt của Trọng đã làm cho trái tim Thủy mê muội và gạt đi tất cả sự lo lắng ấy.
Trọng bỏ qua ranh giới tuổi tác, quyết chiến đấu với bao đối thủ lúc bấy giờ đang vây quanh Thủy. Sự chân thành và tình yêu cuồng nhiệt ấy đã khiến Thủy bỏ qua nhiều cơ hội tốt khác để đón nhận Trọng. Cô chỉ biết bên Trọng, mình không chỉ được yêu, được chiều chuộng mà còn được thể hiện mình. Trọng răm rắp nghe theo mọi sự sắp đặt, chỉ bảo của Thủy không một lần phản đối.
Bên Trọng, cô được thể hiện hết cái tôi của mình. Đây là điểm khác biệt so với những mối tình trước đây của Thủy. Thay vì phải phục tùng, phải thay đổi cho hòa hợp với người yêu thì cô lại được sống theo những gì vốn thuộc về bản chất. Chỉ cần được như thế, Thủy tin không có khó khăn nào mà cô không vượt qua.
Vì gia đình chồng đông anh em nên cưới xong, vợ chồng Thủy được ra ngoài sống riêng. Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên, họ mua được một căn hộ nho nhỏ. Bố mẹ Thủy phần nào gạt được nỗi lo âu khi thấy Thủy sống có vẻ thoải mái và hạnh phúc. Trọng tuy ít tuổi hơn vợ nhưng cũng sống rất trách nhiệm và ra dáng một người chồng, người chủ gia đình. Có vẻ như Thủy đã thật sự tìm được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân do mình quyết định.
Đêm làm vợ, ngày làm mẹ của chồng
“Nếu anh không chịu thay đổi, không chịu suy nghĩ lớn lên thì đường ai nấy đi, tôi mệt mỏi lắm rồi. Xin anh nhớ cho tôi là vợ chứ không phải là mẹ của anh...”- Thủy hét lên trong nỗi mệt mỏi lẫn thất vọng khi Trọng trở về nhà say mềm nằm vật ra giường không hề biết con trai đang sốt mềm trong tay vợ. Vẫn bỏ ngoài tai tất cả lời cáu giận của Thủy, Trọng cởi quần áo, giày tất mỗi thứ vứt một nơi rồi vô tư ngủ. Thủy chán chường không biết đây là lần thứ mấy diễn ra cảnh này.
Từ khi đứa con ra đời, Trọng không còn là anh chồng ngoan ngoãn, vợ bảo sao làm vậy. Hạnh phúc tươi đẹp của gần một năm dường như biến mất. Giờ thì Thủy hiểu, Trọng trước đây và Trọng bây giờ vẫn là một, chỉ có cô là thay đổi. Những ngày son rỗi chưa có con, Thủy đảm đang hết việc cơ quan rồi đến việc nhà. Hết giờ làm về đến nhà là cô tay dao tay thớt nấu nướng rồi dọn dẹp nhà cửa theo ý thích.
Trọng không hề tham gia hay phản đối khi vợ đã quyết, anh chỉ cổ vũ và hưởng thụ tất cả những gì Thủy mang đến. Niềm hạnh phúc được sống theo ý mình, được chăm sóc và chiều chuộng chồng đã khiến Thủy quên đi nỗi mệt mỏi. Thế nhưng khi mang thai và nhất là con trai ra đời thường xuyên đau ốm thì cô mới nhận ra vai trò của mình hình như đang bị lạm dụng quá mức.
Cũng từ khi có con, Thủy mới nhận ra Trọng chẳng khác gì một đứa con lớn tuổi của mình thay vì là chồng như lúc đầu. Nghĩa là mỗi sáng sau khi chuẩn bị xong quần áo cho con đi nhà trẻ, cô lại quay sang lấy sẵn đồ cho chồng. Thủy bảo nếu không làm vậy thì cô cũng phải hết hơi trả lời rồi chỉ trỏ cho Trọng phải lấy áo chỗ nào, quần để ở đâu, bít tất nằm góc nào. Chỉ cần Thủy đau ốm một hôm là y như rằng Trọng lôi thôi lếch thếch đi làm trong bộ cánh nhăn nhúm.
Trọng nói anh chẳng để ý đến người ta bàn tán thế nào nhưng Thủy thì ngượng chín người, xấu chàng hổ ai cơ chứ. Đi làm về, dù quần áo bẩn đã được cô quy định bỏ vào một nơi để giặt giũ nhưng Trọng vẫn chứng nào tật nấy. Thế là Thủy hết nhặt nhạnh đồ bẩn của con lại quay sang gom đồ bẩn của chồng. Không chỉ lo chuyện mặc, Thủy còn đầu tắt mặt tối với chuyện ăn của chồng và con.
Thủy kể, chồng người ta về thấy vợ bận con nhỏ thì chủ động ra chợ giúp vợ một tay, còn chồng Thủy mặc kệ. Hôm nay vợ cho ăn gì Trọng không cần biết, chỉ cần đến bữa, cơm canh tươm tất. Trừ thời gian ở công sở ra, Thủy tất bật hết lo cơm nước cho chồng lại đến cháo bột cho con, giặt giũ dọn dẹp. Mỗi lần nhờ chồng làm việc gì là y như rằng sau đó cô lại phải làm lại gấp hai, ba lần. Dần dần Thủy cảm tưởng vai trò làm vợ của mình chỉ được thể hiện vào ban đêm, còn ban ngày cô chẳng khác gì làm mẹ trong nhà. Áp lực công việc tạo thành sự ức chế trong Thủy khiến cô dường như biến thành một người khác hẳn.
Sau nhiều lần lưỡng lự, cuối cùng Thủy quyết định tìm đến phòng tư vấn. Cô muốn tìm một lời khuyên để mình có thể thoát khỏi cảnh vừa làm mẹ của con lại vừa phải làm mẹ của chồng.
hực ra vấn đề của cô là đã không biết cách làm cho chồng hiểu được vai trò của mình đối với gia đình và vợ con như thế nào. Cô đã ôm đồm hết mọi việc vì nghĩ chồng làm việc gì cũng hỏng. Về phía Trọng chỉ vì thấy mọi việc đều ổn, vợ chuẩn bị từ A đến Z nên đã sinh ra tâm lý ỷ lại.
Giá như Thủy biết cách san sẻ bớt gánh nặng gia đình cho chồng, kể cả việc kiếm tiền, giá như cô đừng chăm chồng giống như chăm con thì có lẽ vai trò làm vợ của cô cũng không đến nỗi biến tướng sang làm mẹ.
Lo lắng, chăm sóc gia đình là một phần cuộc sống của người phụ nữ. Nhưng cũng không vì thế mà “bao sân” tất cả để rồi tự biến cuộc đời mình thành bi kịch.
Theo Đời sống Gia đình |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|