Nhớ những đứa bạn nghèo, vẫn ngày ngày ăn sắn thay cơm, vẫn ăn những hạt lạc lép được mẹ nhặt ra, và ăn cả gạo sống thay vì nhai kẹo... | |
Khi còn nhỏ, tôi sống ở một miền quê nghèo mà đến bây giờ nếu ai nhắc đến cái tên "Hoàn lão" cũng gợi lên nỗi nhớ, dù nhiều khi cũng không biết mình nhớ gì. Tuổi thơ đi qua quá nhanh qua cánh diều, qua những buổi trốn tìm, những ngày thả vó bắt chuồn chuồn trên nước... Nhiều khi nhớ về như một giấc mơ nào đó rất xa mà có khi hoảng hốt, liệu mình đã từng ở trong đó hay sao? Trong trí óc tôi khi bé, không hiểu sao vẫn hiện lên một buổi chiều xám xịt, mà khi đó tôi chỉ chừng 2 tuổi, chị dắt ra con đường cái quan, trước mắt là cánh đồng ngập nước, những ngôi nhà ngập nước, và một biển trời mênh mông nước. Sau này lớn lên, biết là ngày đó vào cuối năm 83, một trận đại hồng thủy kinh hoàng của miền trung. Và nó đã lọt thỏm vào trí óc tôi thật gọn gàng. Thỉnh thoảng khi nhớ về, tôi nhớ những buổi chợ phiên vào sáng thứ hai, người già gồng gánh hàng quán xanh đỏ đi bán, những ông những bà dắt theo trẻ em, những đứa cháu lấm lem bùn đất cười xoắn xuýt khi được đi chợ phiên. Họ cười nói, râm ram, họ bàn luận đủ thứ, họ kể lể đủ chiều. Thói quê in hằn trong suy nghĩ, trong điệu cười, trong cái cung cách quê mùa mà thiết thương ấy. Những ngày ấy trở thành kỉ niệm trong suy nghĩ của tôi vì nghe lời mẹ, đi gặp người lớn phải chào, mà chào những phiên người đi chợ phiên, quả là một thành quả lớn. Nhưng hồi đó, tôi thấy người già cũng khác bây giờ, họ chân thành hồn hậu, họ nở nụ cười khi tôi chào, xoa cái đầu bé tí hin và thỉnh thoảng hào phóng dí vào tay tôi ít quả chuối bị rơi ra trong vải nải được cất dành đem đi chợ bán. Khi nhớ về miền quê đó, tôi nhớ ông tôi. Ông hay dắt tôi qua những cánh đồng bom hoang hoải bên con đường quốc lộ bắc nam và chỉ về một nơi xa xôi, phía sau dãy núi kia là nước Lào, phía trùng trùng điệp điệp kia kia là Hoàng Liên Sơn, còn phía cuối còn đường kia là Hà Nội. Hà Nội, ông đã từng là Tổng thanh tra đường sắt Việt nam, và khi về hưu ông đã chuyển về một miền quê nghèo sống cùng chúng tôi dù rằng ông có bao nhiêu lựa chọn khác. Có lẽ cả đời tôi cũng không hiểu được khi ông chỉ tay về Hà Nội, nơi có tình yêu không trọn vẹn của ông, có cả đời cống hiến và một dọc dài nỗi nhớ của ông - ông thực nghĩ gì. Tôi nhớ những ngày hè yên ả đó, dù cuộc sống chẳng có mấy khi ngồi mà gõ lách cách mấy dòng này, chỉ có điều thỉnh thoảng khi nhớ lại, trong tâm trí tôi vẫn hiện lên bàn tay rắn rỏi nhấc bổng tôi lên khỏi những hố sâu hoăm hoắm trên cánh đồng rảng nắng, vẫn hiện lên cái dáng cong cong phía sau lưng ông mà tôi thường níu tay khi đi vòng quanh con sống hiền lành, nhớ cái bụi dương mà mấy chị em hay dành ghế này của chị, ghế này của em. Nhớ cả căn nhà trên sông mà tụi tôi hay bò ra đó thăm chú Định, để xem người sống giữa lòng sông có gì khác chúng tôi hay không... Nhớ cả trường mẫu giáo ngói đỏ au một gian nằm trên triền đất cheo leo. Nhớ những đứa bạn nghèo, vẫn ngày ngày ăn sắn thay cơm, vẫn ăn những hạt lạc lép được mẹ nhặt ra, và ăn cả gạo sống thay vì nhai kẹo... Chúng tôi đi qua nhau trong mùa mưa lũ, đi qua những ngày đông bằng những cái rơm trùm và tấm nilon quàng vai trên con đường đầy lúa chín. Chúng tôi dắt tay nhau trao cho nhau những hạt lúa rang khi mùa thay lá, kể cho nhau nghe chuyện cổ tích, và nghĩ ra hàng trăm thứ trên đời. Chúng tôi gieo những hạt lúa trên vựa đất sau nhà và bảo sẽ thu hoạch lúa khi nào lúa chín, sẽ đổi lấy kẹo và kẹo. Chúng tôi cười khi mặt trời lên và khi trăng xuống, khi cả những con người nơi khác có thể sống giàu sang hơn nhưng cũng có thể kém hạnh phúc hơn ... Rồi một ngày, gia đình tôi chuyển đi, Khi đó lên lớp 3, học kì thứ 2. Cách có 85 cây số về hướng nam nhưng về một nơi khác, của một miền đất khác để sau đó rất ít trở về gặp người quen cũ, kí ức cũ. Vì sợ, hay vì quên, tôi tuyệt nhiên không biết. Chỉ biết rằng tôi đi từ đó đến nay chưa về Quảng Bình lấy một lần, chưa lần nào dù ra Hà Nội và đi các miền khác như cơm bữa. Nhiều khi thấy xót xa, vì mình khác mình hay mình đã quên đi kí ức? Lớp 3, tôi vẫn có những ngày rất khác ở miền quê khác. Nói đúng ra, từ quãng thời gian này, cuộc đời tôi trở nên rõ ràng hơn trong suy nghĩ của tôi. Vì khi đó, con người ta được phép nhớ nhiều hơn mà nhờ đó được phép yêu thương... Không còn những cánh đồng lúa trải dài tận chân trời, không còn những con sông uốn mình bên những cánh rừng thông, không con những phiên chợ quê ầm ào thân thiết nữa. Tôi vào Đông Hà, một nơi đi qua của chiến tranh. Nơi con người xây từng căn nhà từng mảnh đất trên chính những hố bom và những vết cứa trên ngực đầy huy chương chiến thắng. Thế là những câu chuyện bắt đầu, những người già kể chuyện cho lũ nhỏ, họ kể chuyện thời chiến, họ kể chuyện vui, họ kể chuyện cười. Mấy ai biết rằng làng Vị Hoàng quê tôi đi vào thơ Tú xương cũng là nơi nói quá bậc nhất Trung kì? Nếu bạn đã từng sống nơi đó, từng chứng kiến những nổi đau chiến tranh. Từng nhìn vào đôi mắt của người mẹ liệt sỹ thì bạn sẽ hiểu cuộc sống thực là gì. Nếu bạn đến quê tôi, nơi những người đi qua chiến tranh mà vẫn cười, vẫn trồng những cây xanh trên những triền đồi chất độc da cam, nơi một ngày có 10 tấn bom rải xuống mảnh đất nhỏ bé ấy, nơi một khúc ruột hình chữ S mà có đến 2 nghĩa trang thì sẽ hiểu chiến tranh và tự do là thế nào. Mà từ đó sẽ biết đặt lòng tin vào điều gì, tha thứ cho điều gì và hy vọng cho điều gì. Quảng trị vẫn là một nơi nghèo. TP Đông Hà vẫn là một thanh phố nghèo. Nhưng tôi biết, người dân quê tôi đã sống kiên cường như thế nào cả trong thời chiến lẫn thời bình. Những người con quê hương, rồi đi khắp bốn phương...nhưng khi nhớ về, vẫn tràn trề tự hào. Vẫn hãnh diện vì mình sinh ra và lớn lên ở đó. Dù có thể, cuộc sống này rồi sẽ đưa mọi người theo những ngã rẻ khác. Ally Melody’s blog Chia sẻ những mẩu chuyện vui buồn, cảm xúc, clip, ảnh, blog... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|