Mới có ba ngày nay thôi mà chị Hoa, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội cảm tưởng như không còn sức chịu đựng. Cái ấm ức chất chứa trong lòng chỉ chực trào ra nên lúc nào đến cơ quan, vẻ mặt chị cũng hầm hầm, bực dọc, không còn hòa nhã như mọi khi. | |
Thấy chị Hoa thay đổi bất thường, bạn bè xúm vào hỏi han. Như dòng lũ bị chặn, khơi đúng nguồn, chị Hoa được dịp “xả” cơn bực tức. Hóa ra nguồn cơn khiến chị Hoa bỗng nhiên nóng nảy đó là do mấy ngày nay nhà chị có khách ở quê ra ở nhờ cho con đi thi. Tưởng chỉ có mình chị Hoa mới ức chế vì khách mời bất đắc dĩ này, không ngờ nó trở thành đề tài “thời sự” của hầu hết những người vốn dân tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp.
Từ Thanh Hóa ra Hà Nội lập nghiệp, vợ chồng chị Hoa đang ở thuê tại một căn nhà cấp bốn ở phường Xuân La, quận Tây Hồ. Năm năm, hai đứa trẻ ra đời phải mời mẹ chồng lên trông nom nên căn nhà đi thuê vốn đã chật càng như nêm khi xuất hiện thêm hai bố con ông hàng xóm ở quê lên ở nhờ để thi ĐH.
Ngày đầu tiên có khách, chị Hoa rất chu đáo, sáng nào cũng đi chợ thật sớm mua thức ăn về nấu bữa sáng cho cả nhà. Trước khi đi làm, chị cẩn thận sắp sẵn thức ăn bữa trưa để khách ở nhà ăn uống rồi mới yên tâm ra khỏi nhà. “Mình cứ nghĩ con bé ấy 17-18 tuổi rồi, lại nhà quê chắc phải gọn gàng lắm, ai dè”, chị Hoa ngán ngẩm.
Mệt nhoài sau một ngày làm việc ở cơ quan, phải nửa tiếng chen chúc giữa dòng xe đông nghịt, đầy khói bụi, chị Hoa mới về được đến nhà. Tưởng trút được bộ đồ công chức nịt cứng người sẽ thấy thoải mái, chị Hoa bỗng thấy rã rượi khi bắt gặp chồng bát đĩa cao có ngọn trong bếp và chậu quần áo đầy ắp trong nhà tắm, chưa kể mớ xoong nồi, chai lọ bày la liệt dưới nền nhà. Trong khi chị lặng lẽ rửa dọn nhà bếp, khu vệ sinh thì ngoài phòng khách, mẹ chồng chị đang nói cười rôm rả với cô khách trẻ tuổi.
“Dọn thêm vài cái bát với mình chẳng sao nhưng mình giận mẹ chồng mình quá. Ngày thường mọi việc bà vẫn giúp mình nhưng từ hôm có khách quê, bà sợ điều tiếng “bay” về quê nên chẳng động tay chân vào việc gì hết. Ăn xong là lên ghế nằm xem tivi, không thì nói chuyện với con bé ở quê, hai cháu tống vào nhà trẻ. Đã thế, cái gì mình nhắc con bé đều bị bà chặn họng, kêu nó là người lạ không quen nên không cho làm sợ đánh vỡ, làm hỏng, thế là cứ chất đống đấy chờ mình về dọn”.
Theo chị Hoa, điều chị sợ nhất là thói tiện đâu làm đấy của hai vị khách này. Ông bố vốn nghiện thuốc lào, ngồi đâu là “cắp” điếu cày theo, tàn thuốc, mẩu đóm, hút xong, tiện tay ông ném luôn vào góc nhà. Với chị Hoa, việc sắp xếp lại đồ đạc “chạy” lung tung không hãi bằng chuyện phải lau những vệt nước trên tường ở góc khuất do ông khách tiện tay bắn vào. Sau một vài lần vô tình nhìn thấy vị khách này nhổ nước bọt vào góc nhà, chị nhất quyết bắt chồng phải giúp mình lau nhà, mặc dù việc này khiến chị bị mẹ chồng lườm nguýt mãi.
Nghe chị Hoa kể, chị Lan được dịp than thở: “Vợ chồng tôi ky cóp mãi mới xây được căn nhà, chưa làm cơm mừng nhà mới thì mẹ chồng dắt hai đứa con hàng xóm lên. Tưởng chúng ở nhờ một hai hôm, ai dè chúng “làm khách” gần nửa tháng vì thi ĐH cả hai khối A và D”.
Theo lời chị Lan việc thêm người như thêm bát thêm đũa không làm chị bực bằng việc phải dọn lại những đồ đạc ngày thường vốn đã có “địa chỉ”, nay phải chạy hết phòng này, phòng khác, tìm mỏi mắt mới thấy. “Khách ở quê ra, thấy cái gì cũng tò mò nhưng xem xong lại bạ đâu để đấy, lắm lúc về nhà nhìn như ma trận”, chị Lan than thở. “Nhiều lúc mệt, mình góp ý với hai khách “nhí” thì mẹ chồng cứ bênh chằm chặp, nào là chúng nó còn trẻ con, lên ở có mấy hôm rồi về; nào là để ý vừa thôi không về nhà bà mất mặt với hàng xóm... Đã thế ông xã lại còn trêu là mình cũng vốn người nhà quê đấy thôi”, chị Lan lắc đầu ngán ngẩm.
Nghe hai đồng nghiệp than thở, chị Thủy xen ngang: “Chẳng bù cho gia đình tôi, có đứa cháu xuống thi lại chăm quá, thành ra...”.
Cháu chị Thủy ở Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, xuống nhà dì ở, thấy cái gì cũng lạ lẫm. Hôm đầu tiên cô bé xông vào bếp, thấy chị hâm thức ăn bằng lò vi sóng, hôm sau cô bé quyết định trổ tài. Sẵn con cá trong tủ lạnh, cô bé làm sạch rồi cứ thể cho thẳng vào lò nướng. Chỉ khổ cho chị Thủy chiều hôm đó đi làm về, được dịp lau chùi than trong lò vi sóng. Lần ấy, thấy chị Thủy cắm cúi làm, con bé lấm lét nhìn rồi lí nhí xin lỗi dì, hứa lần sau sẽ không tự động làm nữa.
Theo một chuyên gia tâm lý, do môi trường sống ở vùng nông thôn rộng rãi nên người “nhà quê” hay có tính tiện thể, làm đâu để đó, tiện đâu vứt đấy. Khi ra thành phố, họ vẫn quen nếp ấy, vô tình làm đảo lộn cuộc sống vốn đã được lên “quy lát” của người thành thị vì nhà cửa chật chội mà phải sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp để tạo không gian thoáng đãng cho mình.
Với những người tìm đến nhà người quen, ở nhờ vài hôm, không phải vì họ nghèo, không có tiền thuê phòng trọ mà bởi họ có suy nghĩ rất giản đơn là tìm đến người thân, người quen để nhờ cậy. Những khi ấy, họ không nghĩ thói quen của mình làm phiền người khác nên khi đi bao giờ cũng rất hồ hởi, thậm chí còn đùm đúm cả con gà, bao gạo, buồng chuối hay vài cái măng củ... mang theo, coi như món quà quê để tặng gia chủ.
Theo Thu Trinh Báo Đất Việt |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|