Một ông bố chồng có địa vị, làm ăn lớn, đi nhiều, hiểu rộng, quen ăn ngon, tiếp cận các loại thông tin mà lại khó tính thì cô con dâu sẽ phải dè chừng. | |
Xét nét kiểu “có trình độ”
Chị Phạm Kim Anh (Đông Anh - Hà Nội) không giấu vẻ bực tức: “Mẹ chồng mình quá hiền nhưng bố chồng thì khó kinh khủng. Cằn nhằn, chê bai như những bà mẹ chồng khó tính lâu nay đã đành, đằng này cái gì mình làm ông cũng đem ra so sánh với con nhà ông Khải, con nhà bà Hoa hoặc giảng giải phải học cách của nước này, nước khác. Mỗi lần cất lời là ông dùng “chị” thay cho cách gọi “con”. Ông là quan chức, đến cơ quan có người phục vụ nước, về đến nhà, ăn cơm xong chỉ cần pha ấm trà uống mà ông cũng bảo: “Phiền chị pha cho ấm trà được không?”. Nghe mà thấy chả có tí tình cảm nào. Thế nhưng, ông lại yêu cầu cả nhà trước khi đi ngủ phải “Say good night - chúc ngủ ngon” cho gia đình tình cảm”.
Chị Thanh Giang (quận Tân Phú, TPHCM) cũng ca cẩm về ông bố chồng gia giáo: “Ngày mình lấy chồng, bố mẹ rất yên tâm khi gửi con vào một gia đình toàn tiến sĩ. Nhưng ông bố chồng làm gì cũng đòi hỏi con dâu phải có trình độ. Ngay hôm đầu tiên mình nấu cơm, ngồi vào bàn, ông đã bắt mình kể tỉ mỉ quy trình xào thịt bò. Nghe thấy mình bảo dùng bột ngọt ướp với thịt bò, ông kết luận cho bột ngọt sớm thế, độc tố đã ngấm vào thịt và không cho cả nhà ăn món đó luôn. Ông yêu cầu cả nhà ăn nhạt và hầu hết là các món luộc. Ông có ăn ở nhà mấy khi vì ông thường xuyên đi tiếp khách. Dù vậy, nếu biết ở nhà ăn thịt nướng hoặc kho cá mặn một chút là ông thuyết phục bà đổ đi bằng được”.
Không chỉ trong việc ăn uống, trang phục của con dâu cũng bị ông bố chồng khó tính “soi”. Chị Vũ Minh Hằng (quận 7, TPHCM) cũng chia sẻ: “Mình làm cho một công ty mỹ phẩm, ăn mặc không hở hang nhưng không thể quá kín cổng, cao tường. Đồng phục của công ty mà mặc từ nhà là y như rằng bố chồng có ý kiến. Gia đình chồng mình chuyển từ Hà Nội vào. Ông trước đây là quan chức lớn nên vẫn còn giữ nếp họp gia đình vào sáng chủ nhật. Hai giờ ấy là căng thẳng nhất đối với mình. Ông thường xuyên chỉ trích cách ăn mặc của “lớp trẻ ngày nay” để mình ngầm hiểu ông muốn nói gì”.
Can thiệp quá sâu
“Mình mới sinh con, cần chồng bên cạnh, không phải để nhờ vả gì mà cơ bản là muốn vợ chồng cùng chia sẻ cảm giác hạnh phúc của người mới được làm cha, mẹ. Nhưng ông cấm tiệt không cho chồng mình ngủ cùng trong 3 tháng. Ông bảo đấy là khoa học. Hơi người đàn ông lớn tuổi làm đứa bé yếu. Thấy mình tức quá, khóc nấc, chồng mình đêm toàn trốn vào an ủi vợ. Có hôm ông bắt được mắng té tát, làm con mình thức giấc khóc ngặt nghẽo. Chả phải chuyện này, hàng tỉ chuyện khác ông đều xía vào, dẫn chứng khoa học nọ kia. Chồng mình thì do “lĩnh lương của bố” nên chả bao giờ dám cãi. Bọn mình ly hôn không phải do hai đứa hết yêu nhau mà do không chịu được bố chồng khó tính. Mình thề lần sau sẽ tìm hiểu bố chồng trước khi kết hôn” - chị Hằng kể.
Bố chồng chị Kim Anh thì có thể ngồi hàng giờ để nói với con dâu về nhạc cổ điển và tác dụng của nó cho trẻ con và tâm hồn người lớn. Ông yêu cầu chị nghe nhạc của Tchaikovsky, Beethoven... cả quãng thời gian chị có em bé. “Tôi thực sự đau đầu khi nghe thứ nhạc đó. Nhưng vì ông ngồi đấy, vừa nghe vừa giảng giải nên mình cũng chả dám đứng dậy. Đi nước ngoài lần nào ông cũng mua một thứ nhạc ấy, thậm chí cả nhạc kịch Opera về bắt mình nghe. Ông bảo nó là tinh hoa của nhân loại, đắt lắm đấy nên hãy thưởng thức. Đó là tra tấn chứ không phải thưởng thức” - chị Kim Anh than thở.
Vì là người đàn ông thành đạt, nắm toàn bộ về tài chính và là linh hồn của gia đình nên các ông bố chồng gia trưởng đều là người quyết định mọi thứ. “Mua nhà ở đâu, hướng nào, nhà sơn màu gì, thậm chí cái ga giường của hai vợ chồng và các cháu, ông cũng “tư vấn” để nó phù hợp với phong thủy và tuổi. Ông có trình độ nên nói năng nghe nhẹ nhàng lắm, lịch sự lắm nhưng lại rất đanh thép khiến mình có muốn trái ý cũng khó mà được. Được cái ông yêu cầu rồi ông cho tiền làm cho đúng ý ông nên chính mình đôi khi cũng chép miệng bỏ qua. Nhưng các con mình nhiều khi không chịu. Lúc ấy lại chính mình phải là người an ủi các con cố gắng chiều ông” - chị Thanh Giang kể.
Điều khiến chị Kim Anh sống chung với bố chồng khó tính được là nhờ vào tấm gương bà mẹ chồng. Bà yêu quý con dâu, động viên và đứng ra bênh vực khi cần thiết. Còn chị Thanh Giang cũng có ông chồng thấu hiểu nỗi khổ của vợ để chia bớt bực mình.
Theo Thúy Hiền Người Lao Động |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|