Nhạc sĩ kỳ cựu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam được người yêu nhạc gọi là nhạc sĩ của mùa xuân, không chỉ vì tên ông là Xuân Hồng mà còn bởi mùa xuân là chủ đề ưa thích trong các sáng tác của ông. | |||
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh năm 1928, tại Châu Thành, Tây Ninh. Ra đời trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử nên ông được học nhạc từ rất sớm. Xuân Hồng tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên và hoạt động văn nghệ ở chiến trường. Năm 1949, ông bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên. Nếu chia nghiệp sáng tác của Xuân Hồng thành 2 thời kỳ thì Bài ca may áo là ca khúc mở màn cho hàng loạt các tác phẩm say sưa, ngập tràn tình yêu đất nước của người nhạc sĩ đang trong giai đoạn tuổi xuân phơi phới: Xuân chiến khu (1963), Chiếc khăn tay (1964), Hành quân đêm (1965), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (1966)... Với tình cảm tha thiết, mang đậm màu sắc dân ca Việt Nam và khả năng truyền cảm mạnh mẽ, các ca khúc này đã được phổ biến rộng rãi khắp chiến trường. Sau này, Bài ca may áo và Xuân chiến khu đã đoạt giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam 1965. Năm 1975, trong khí thế tưng bừng của ngày toàn thắng, ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh đã mở đầu cho thời kỳ sáng tác mới của Xuân Hồng. Đó là tiếng hát của trái tim cởi mở, tự hào và phơi phới tình yêu thiên nhiên, con người hòa quyện với tình yêu đất nước. Giai đoạn này, khi ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng phòng Nghệ thuật sân khấu của Sở Văn hóa, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP HCM, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam... nhưng vẫn không quên dành cho âm nhạc những khoảng riêng qua nhiều ca khúc được khán giả yêu thích: Mùa xuân bên cửa sổ, Cây đàn ghi ta của đại đội ba, Người mẹ Việt Nam... Ông mất vào tháng 5/1996. Trước khi mất, trong 4 tháng đầu của năm 1996, ông đã hoàn thành 7 ca khúc cuối cùng trong đó có bài Gương mặt mùa xuân. Lịch sử âm nhạc Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Xuân Hồng, những sáng tác của ông đã vượt ra khỏi khuôn khổ của âm nhạc thuần túy để đến với mọi người, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của nhiều thế hệ. Những năm tháng kháng chiến, bài hát của ông đã vang vọng trên khắp các chiến trường. Cái tên Xuân Hồng đã hòa lẫn trong nhịp chày “cắc cùm cum” và tiếng “hê hế hê” lạ lẫm mà quyến rũ. Không chỉ là một nhạc sĩ, ông còn là một họa sĩ khi vẽ nên những bức tranh âm thanh đầy sống động về chiến khu với “tiếng chim rừng vang hót khắp nơi”. Chương trình Con Đường Âm Nhạc khắc họa chân dung nhạc sĩ Xuân Hồng sẽ diễn ra vào hồi 20h45 ngày 1/8 tại Nhà hát Quân đội TP HCM với sự tham gia của các gương mặt: NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Thanh Thúy, Mỹ Lệ, Tấn Minh, Vân Khánh, Anh Bằng, Hồ Bích Ngọc và tập thể diễn viên đoàn Nghệ thuật Quân khu VII. Chương trình do Eurowindow và Melinh PLAZA phối hợp với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, tường thuật trực tiếp trên VTV3. N.T. |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|