Một cô bé xưng là bạn của nhân vật "Tìm người xứng đáng để giữ búp bê Julie" cho biết Julie đã bị chôm hình từ web cá nhân để gắn vào topic. Từ đó đến nay, gia đình cô trở nên xáo trộn. > | |||
Thủy, tên cô bạn, tỏ ra bí mật: "Bạn em ngại không dám xuất hiện nên nhờ em thanh minh giúp. Mấy tấm ảnh ấy là trên trang cá nhân của bạn em. Còn việc lập topic tuyển bạn trai trên diễn đàn không do cô ấy làm". Thừa nhận "Julie" đang bị gia đình trách mắng vì vụ rao tuyển bạn trai, Thủy cho biết, bạn em quá hoảng sợ đã xóa tất cả trang ảnh cá nhân trên mạng. Thủy cũng hẹn sẽ đưa bạn đến đối chiếu với hình "Julie" trên chủ đề tìm người yêu; song cô bé lảng tránh vào giờ chót.
Liên quan đến việc này, một phụ nữ liên hệ với VnExpress.net cuối tuần qua, cho biết hình "Julie" chính là con gái mình và khẳng định ai đó đã lấy ảnh cô bé đính vào nội dung tuyển dụng. "Tôi thực sự sốc khi biết chuyện. Gạn hỏi nhiều lần, con bé khăng khăng cho rằng bị ăn cắp ảnh trên trang cá nhân rồi đưa vào 'tuyển bạn trai' mà không hề hay biết", phụ huynh này nói. Tuy nhiên chị băn khoăn nhìn nhận: "Cũng chưa lấy bằng chứng gì để khẳng định cháu là nạn nhân, hay chính cháu đã lập nên cuộc tuyển chọn". Hiện cư dân mạng vẫn tiếp tục xôn xao với topic "tuyển bạn trai" của Julie, thiếu nữ Sài Gòn 14 tuổi. Câu chuyện "Julie" có bị hại hay không vẫn còn chưa được chứng minh, song chỉ cần lên trang tìm kiếm, gõ thử từ khóa liên quan đến "teen", lập tức hình ảnh hotgirl tuổi teen, những đoạn giới thiệu về "cá tính teen" xuất hiện dày đặc từ trang cá nhân đến các diễn đàn. Không lên gân như kiểu chủ đề “Tìm người xứng đáng để giữ búp bê Julie”, song nhiều teen đã không ngại quăng lên mạng hàng loạt hình ảnh của mình hoặc những câu miêu tả tâm trạng kiểu như: "Hot teen là ta đây" hay "Chán mấy tên cùng lớp quá rồi, toàn thứ con nít". Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng, tuổi vị thành niên muốn tìm mọi cách để thu hút sự quan tâm của người khác tới mình là dễ hiểu. "Việc làm này một mặt do tâm lý bên trong, phần khác do ảnh hưởng từ các thông tin trên báo chí. Ví dụ như trước đây một cô gái Trung Quốc từng tuyển bạn trai trên mạng sau đó đã thu hút được nhiều chàng trai đến với cô. Tuy nhiên các em không lường được những bất lợi. Phần được lợi, tức được mọi người biết đến chỉ một phần nhỏ, trong khi đó những thái độ phê bình lại nhiều hơn", bà Hồng nói. Về phía phụ huynh, việc quản lý con lên mạng là cần thiết nhưng phải khéo léo. Nếu quản lý theo kiểu tọc mạch, dò xét thì trẻ sẽ đối phó, vì ở tuổi này trẻ vốn rất khôn ngoan, do đó nên quản lý theo hướng giáo dục. Tiến sĩ Hồng cho rằng, tốt nhất phụ huynh nên trao đổi với con, giúp con hiểu được giá trị trong cuộc sống, hiểu những nên làm, những gì không nên làm và cũng cần phân tích cho con hiểu tại sao không nên. Bên cạnh đó phụ huynh cũng thường xuyên tâm sự với con, ví như "nếu con lên mạng mà có chuyện gì thì mẹ sẽ rất buồn mà lúc đó chắc con cũng không vui khi bị bạn bè dè bỉu". Cũng theo các chuyên gia tâm lý, đôi khi thông tin ban đầu post lên mạng có thể được các em suy nghĩ theo kiểu 'đùa cho vui', nhưng hậu quả lại lớn hơn. Bởi Internet vốn là nơi mà cộng đồng mạng có quyền bình luận và có sức lan truyền rất cao. Cao Lâm |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|