Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Phát hoảng vì vô kinh sau tiêm thuốc ngừa thai
Uống thuốc hằng ngày thì hay quên, đặt vòng lại dễ viêm... nên chị Phương đã chọn cách tiêm thuốc tránh thai để giải thoát nỗi lo dính bầu. Thế nhưng sau hai lần tiêm, chị lại thêm lo lắng vì cả năm sau đó vẫn chẳng thấy "đèn đỏ" trở lại.

Chị Phương cho biết, sau khi vỡ kế hoạch sinh cậu con trai thứ hai chỉ cách cô con gái đầu một năm, chị luôn bị ám ảnh về việc lỡ dính bầu. Vì thế, khi mới sinh được hai tháng, chị đã quyết phải tìm một biện pháp tránh thai hiệu quả cho mình. Thế nhưng, đặt vòng thì chị không hợp vì hay bị viêm nhiễm, uống thuốc hằng ngày lại hay quên, chồng chị thì nhất định không chịu dùng bao cao su vì anh cho rằng như thế chẳng còn cảm giác gì. Sau vài lần "yêu" mà vẫn thấp thỏm cảm giác lo lắng, chị Phương đã tìm được giải pháp cho mình: tiêm thuốc tránh thai, mỗi mũi có tác dụng trong ba tháng.

Sau mũi tiêm thứ nhất, chị Phương thấy mất kinh và cảm giác rất thoải mái vì vừa không lo có thai ngoài ý muốn, lại vừa không phải trải qua những ngày "không sạch sẽ". Thế nhưng, niềm vui biến thành nỗi lo khi mũi tiêm sau chị tiếp tục không thấy kinh, và kể cả khi dừng tiêm, tới vài tháng sau chị vẫn chưa có chu kỳ trở lại.

Cũng cùng chung tâm trạng này, là trường hợp của vợ chồng anh Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Sau đám cưới, vì vợ còn bận học nốt cao học, chồng phải quay cuồng với công ty riêng vừa thành lập nên cả hai chưa muốn sinh con. Đi tư vấn, chị Nhàn, vợ anh Đức được một cô y tá tại phòng khám sản phụ khoa tư nhân khuyên nên tiêm thuốc, vừa tránh thai hiệu quả, vừa không lo bị quên. Sau khi tiêm gần một tháng, chị Nhàn thấy có máu đen lây rây suốt mười mấy ngày. Đi khám, chị được bác sĩ cho biết mình bị rong kinh và cho thuốc uống. Thế nhưng, vừa chữa được rong, thì chị lại mất kinh luôn ròng rã suốt thời gian sau đó.

"Kể từ lúc tiêm thuốc đến giờ là một năm rồi mà tôi vẫn chưa có kinh trở lại. Bây giờ, vợ chồng tôi đang mong có con, trong khi vừa rồi đi khám, bác sĩ cho biết, nang trứng của tôi mỏng, niêm mạc thì bị teo, nên tôi chưa thể có kinh và có con được. Tôi thấy hoang mang vô cùng, chỉ sợ mình bị vô sinh", chị Nhàn thổ lộ.

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (phố Thái Hà, Hà Nội), thuốc tiêm tránh thai cũng như các loại thuốc tránh thai khác, tức là một loại thuốc nội tiết gây ức chế sự rụng trứng. Đây là loại thuốc tránh thai hiện đại, có hoóc môn progestin liều 150 mg. Ưu điểm của thuốc là tránh thai được lâu (3 tháng khi tiêm một mũi), hiệu quả cao, tới hơn 99%.

Bác sĩ cho biết, về lý thuyết, biện pháp tránh thai này có thể dùng cho bất cứ phụ nữ nào ở lứa tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai tự chọn.

Tuy nhiên, vì thuốc này có liều dùng cao, hấp thu chậm và khó đào thải khỏi cơ thể nên thời gian hồi phục khả năng có thai sau khi dùng thuốc cũng chậm hơn so với các biện pháp thông thường khác (như đặt vòng hay uống thuốc tránh thai hằng ngày...). Vì thế, thông thường, các bác sĩ giàu kinh nghiệm khuyên những phụ nữ chưa có con không nên sử dụng biện pháp tránh thai này.

Một trong những tác dụng phụ khác của thuốc, khiến không ít chị em từng dùng hoang mang là hay gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh.

"Thực chất, việc mất kinh trong thời gian tiêm thuốc, hay sau đó, không phải là điều gì đáng ngại lắm, vì hầu như không gây hại, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý phụ nữ, khiến họ cảm thấy bất an và không ít người sợ sẽ không còn khả năng sinh con sau đó", bà Dung nói.

Theo bà, khi thấy những biểu hiện như vô kinh kéo dài, chị em không nên quá lo lắng bởi thông thường, chỉ sau một thời gian, hiện tượng này sẽ tự hết.

Ngoài ra, cũng bởi thuốc có tác dụng kéo dài, nên nếu cảm thấy không hợp, bị tác dụng phụ không chịu đựng được thì lại không thể đưa thuốc ra nhanh khỏi cơ thể.

"Mỗi biện pháp tránh thai có những ưu, nhược điểm riêng, vì thế, trước khi áp dụng bạn cần tìm hiểu kỹ xem loại nào phù hợp với mình để lựa chọn, tránh những rắc rối sau đó. Để yên tâm hơn, bạn nên đến gặp những bác sĩ sản phụ khoa giàu kinh nghiệm để được tư vấn. Trong quá trình áp dụng, nếu thấy có bất kỳ hiện tượng bất thường nào bạn cũng có thể gọi cho bác sĩ để nhận được lời khuyên hữu ích", bác sĩ chia sẻ.

Bà cũng tâm sự, thực chất, đa số các bác sĩ sản phụ khoa đều ít khi tư vấn cho bệnh nhân dùng loại thuốc tiêm này, "không phải bởi vì nó không hiệu quả hay không tốt bằng các loại khác, mà bởi những tác dụng phụ của nó khiến nhiều chị em không chấp nhận được và chúng tôi thường rất ngại khi cứ phải giải thích đi giải thích lại với họ rằng việc vô kinh trong khoảng thời gian ngắn không có hại gì đâu".

Vương Linh

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi


Tin đã cập nhật trước đó
   Chăm lên mạng dễ kiếm...
Những người dùng Internet ở nhà có cơ hội kiếm người yêu cao hơn hẳn, bởi web đang đóng vai...

   Đàn ông kiếm ít tiền...
Những anh chàng có thu nhập thấp hơn vợ hoặc chẳng kiếm được xu nào rất dễ "ăn vụng", so...

   Ngôn từ thời @ trong...
"Này Bin, mày hâm à, mày câm à, sao mày làm rách sách của chị", nghe con gái 7 tuổi...

   Quan niệm sai lầm về...
Những trẻ lớn lên mà không có anh chị em trong gia đình không hề "chảnh", khó kết bạn và...

   'Khổ ải' ngày cưới
60% các cặp vợ chồng cho biết họ cãi nhau với bạn bè và người thân về kế hoạch tổ...

   Chờ có bầu mới cưới...
35 tuổi, xinh đẹp, giàu có, và từng có vài ba mối tình nhưng Chi Mai vẫn chưa kết hôn,...

   Siêu nhân làm hư trẻ...
Những người anh hùng trong các bộ phim hiện đại ngày nay chỉ tổ kích thích trẻ con thêm bạo...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top