Ngoài hành lang bệnh viện hay ngay trong phòng sinh? Đó chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều bà mẹ trẻ muốn đặt ra với chồng khi lên kế hoạch sinh nở. Đã qua rồi cái thời những người đàn ông bị đuổi như đuổi tà ra khỏi nơi con mình sắp chào đời. | |
Nhiều ông bố thời nay sung sướng ngồi đợi trong phòng sinh với chiếc máy quay trong tay, “canh me” ghi lại giây phút con mình lọt lòng mẹ. Nhưng, “nhiều” không có nghĩa là “tất cả”.
Nghe cô bạn thân kể lại cảm giác sung sướng khi có chồng bên cạnh lúc vượt cạn, Mai quyết định phen này phải đăng ký sinh bệnh viện nào cho phép người thân vào phòng sinh để bắt chồng vào cùng mình.
Nếu được, cô còn muốn xin bác sĩ cho chồng cô tự tay cắt dây rốn cho con giống như… Brad Pitt nữa. Ai ngờ, vừa nêu ra ý đó ông xã Mai đã gạt phắt: “Có má rồi, để má vô với em. Anh không vô đâu, anh chạy vòng ngoài thôi”. Ức chế vì cho rằng chồng không thực sự lo cho vợ và thương con như những ông bố tương lai khác, Mai vác bụng bầu về nhà mẹ…
Thật ra chồng của Mai không phải là trường hợp ngoại lệ. Thực tế là hiện nay chỉ có một số ít đàn ông có mặt khi vợ sinh, trong khi hầu hết các bà mẹ đều mong muốn người bạn đời của mình có mặt ở đó.
Thật dễ hiểu vì sao nhiều bà mẹ tương lai mong có chồng bên cạnh hơn là mẹ hay chị ruột của mình. Rất nhiều kinh nghiệm thực tế cho thấy giây phút tuyệt vời được cùng chứng kiến sự ra đời của đứa con khiến các cặp vợ chồng xích lại gần nhau hơn. Nhiều ông bố đã trở nên thấu hiểu và thông cảm hơn sau trải nghiệm đó. Họ thường tỏ ra sẵn sàng chia sẻ việc thay tã, tắm rửa, cho con ăn và thậm chí trông con để vợ nghỉ ngơi.
Tuy vậy, không thể nói rằng những ông bố tìm cách né tránh như chồng của Mai là những ông bố vô tâm hoặc không biết chia sẻ. Trên thực tế có những người cha có thể bị tổn thương tâm lý khi chứng kiến sự sinh đẻ. Bởi vậy, họ sẵn sàng chấp nhận tình trạng lo lắng thấp thỏm sôi sục ngoài hành lang hơn là trực tiếp chứng kiến điều gì đang xảy ra. Một vài ông bố đã nói rằng họ thấy việc đó thật là khó khăn.
Trong một số trường hợp, nếu họ thật sự mong đợi đứa bé và ca sinh nở trở nên phức tạp, họ sẽ bị cảm giác có lỗi dằn vặt một thời gian rất lâu sau đó, đến độ có người không dám sinh tiếp đứa thứ hai. Chưa kể một số quý ông dường như không thể thừa nhận mình là người ghét thấy máu hoặc nhát gan và dễ bị nôn.
Chị Nguyệt, mẹ của một bé trai năm tuổi và bé gái sáu tháng kể: “Ông xã tôi vốn là người yếu bóng vía, nhưng vì tò mò và cũng có phần lo lắng nữa, anh ấy đã quyết định có mặt khi tôi sinh đứa con đầu lòng. Tại phòng sinh, trong khi tôi cắn răng chịu đau và cố hít thở thì anh ấy đứng lui một góc, dựa vào tường, mặt tái mét như sắp xỉu. Cuối cùng bác sĩ đành bảo anh ra ngoài để khỏi làm tôi phân tâm. Sinh xong tôi mệt muốn chết luôn nhưng lại phải đi an ủi anh ấy. Đến đứa thứ hai, khỏi phải nói, tôi cấm anh ấy lảng vảng lại gần trước khi em bé ra đời”.
Chứng kiến đứa con ra đời là một kinh nghiệm quý báu, mang đến những thay đổi lớn về nhận thức cho cả người mẹ và người cha. Tuy nhiên chúng ta không thể ép buộc nhau phải làm như thế này hay thế khác. Thật tuyệt vời nếu cả hai vợ chồng bạn đều mong được ở bên cạnh nhau trong giây phút thiêng liêng đón con chào đời. Nhưng cũng có thể người này thì muốn, người kia thì không.
Điều thật sự quan trọng là hai vợ chồng phải nói ra mong muốn và thảo luận trước về chuyện đó. Nói chuyện thẳng thắn, tôn trọng và để chồng bạn tự quyết định mức độ tham gia trong quá trình vượt cạn thì tốt hơn là cứ khăng khăng buộc anh ấy phải có mặt tại đó. Hãy nhớ rằng còn rất nhiều cơ hội để anh ấy thể hiện sự chia sẻ và tình thương yêu đối với vợ cũng như với thiên thần nhỏ của mình. Sinh con, đó chỉ là bước đầu tiên của một cuộc hành trình dài.
Theo Hiên Mai Sài Gòn Tiếp Thị |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|