Lén nêm thêm gia vị vào thức ăn, bị con cháu “chỉ điểm” khi làm sai thì giả bộ lãng tai không nghe, hay giận hờn vì không được chiều theo ý mình… là một trong nhiều cách phản ứng quen thuộc của người già. | |
Chị Lan Trinh, quận Bình Thạnh, TP HCM kể, bà nội chị 65 tuổi, bà thích nấu ăn nhưng lớn tuổi nên bố mẹ chị không cho vào bếp, vì vậy, bà thường xuyên chê món của mọi người trong nhà nấu không hợp ý. “Thỉnh thoảng nội lén vô bếp nêm thêm gia vị vào thức ăn cho vừa miệng khiến cả nhà không ăn được vì mặn. Mẹ tôi qua vài cuộc điều tra, phát hiện 'nghi phạm' và góp ý thì bà nội giả bộ lãng tai không nghe, không biết khiến cả nhà được trận cười nghiêng ngã”, Trinh kể. Có lần nội chị Trinh bị bệnh, nhưng cả nhà đều đi làm, nội nằm im trong phòng đến bữa tối thì bỏ cơm. Bố mẹ chị lo lắng vào phòng thì thấy bà đang khóc thút thít và không nói chuyện với ai. Ba chị hỏi nội đau chỗ nào, bà chỉ nói cộc lốc: “Tôi không cần. Các anh, các chị bận rộn thời gian đâu mà dành cho thân già này”. “Những ngày nội bệnh, nội thèm ăn rất nhiều món như bánh trôi nước, bánh thửng… mà phải là người miền Trung chính gốc làm mới đúng hương vị. Mẹ tôi hiểu ý bà, muốn bà vui nên mua bột về nhà tự làm bánh, nấu chè. Gia đình tôi đều hiểu, người già rất hay hờn dỗi và đôi lúc nhõng nhẽo như một đứa trẻ con. Nhưng bà vất vả cả đời để nuôi bố, các cô chú, đến tuổi già điều bà mong muốn nhất là sự quan tâm, chăm sóc của con cháu”, chị Trinh bộc bạch. Còn chị Hương Giang, quận 7, TP HCM là người giúp việc của gia đình có hai vợ chồng trẻ, nhà có mẹ vợ 70 tuổi, bộc bạch: “Tôi đã nhiều lần dở khóc dở cười với tính vừa trẻ con, vừa ‘hoàng thái hậu’ của cụ”. Chị kể, nhà chủ có con nhỏ nên ban ngày hai vợ chồng đi làm, ở nhà chỉ còn chị và mẹ cô chủ cùng chăm sóc cu Bin được 2 tuổi. Vì trẻ con không biết nói nên có lần bà ngoại lỡ tay làm bể chậu cá, tối về bà sợ vợ chồng con không vui, thế là bà chỉ tội ngay cho thằng cháu yêu. Một lần khác, chị Giang nấu cơm trong bếp, nhờ bà trông giúp thằng cháu. Khoảng 15 phút sau, chị nghe tiếng khóc của con nít, chạy ra thấy cu Bin trán sưng to và bầm đen, còn bà cũng hốt hoảng. “Đến tối, mẹ cu Bin đi làm về xót con, hỏi đầu đuôi sự việc. Tôi bị bất ngờ khi bà khẳng định là do tôi làm, tôi chỉ biết ú ớ vài tiếng nói không phải tôi, nhưng bà nhất quyết là do tôi. Đứng như trời trồng, cúi gầm mặt xuống, tôi chỉ còn biết nói xin lỗi lần sau sẽ cẩn thận hơn”, chị bức xúc. Chị kể thêm, sáng hôm sau, cô chủ có hỏi riêng chị sự việc ngày hôm qua cu Bin ngã. Dù cô chủ tỏ ra bình thường xem như không có chuyện gì, nhưng mẹ cô ấy bỗng nhiên nổi giận, vào phòng thu xếp quần áo, đòi về quê. Vợ chồng cô chủ phải năn nỉ, khuyên bà rất nhiều bà mới thôi không đòi đi nữa . Ông Hồng Thanh, quận 6, TP HCM, 75 tuổi kể, ông vừa ở ngoài quê vào Sài Gòn sống cùng con cháu. Cuối tuần đứa cháu nội tên Mai đưa đi siêu thị, khi đến bãi giữ xe, Mai nói ông đứng đợi ngay cửa ra vào để đi gửi xe rồi quay lại ngay. “Tôi dứt khoát không chịu đứng một mình, bảo cái Mai cứ chở ông vào trong bãi gửi xe để ông đi cùng. Mặc dù chân tôi đau lắm nhưng đi một tý không sao. Tôi đứng đây giữa biển người, ông cháu lạc nhau thì làm sao nó kiếm ra, tôi không biết đường về nhà đâu”, ông nói. Ông Thanh cho biết, người già hay đau bệnh, mỗi lần bệnh, con cháu đứa thì đi học, đứa đi làm, có khi cả tuần ông không gặp được thằng con trai mình vì anh đi công tác suốt. Mỗi lần thấy trong người không khỏe, đau nhức, ông tự động đi thẳng vào bệnh viện nằm. “Đến tối con cháu về nhà không thấy tôi đâu là chạy loạn lên kiếm, kiếm ở nhà các ông bạn tôi không thấy là tự khắc biết tôi đã vào viện”, ông tâm sự. Anh Đinh Cường, cháu rể ông Thanh chia sẻ, thỉnh thoảng, ông mua rất nhiều thuốc tây, đặt thuốc ngay trên tủ lạnh để “đánh động” cho cả nhà biết là ông đang bệnh. Vợ chồng anh vào phòng hỏi thăm ông thì ông trở tính cáu gắt và làm gì cũng không hài lòng. Mặc dù ông không cười, luôn nhăn nhó, chê bai khi thấy con cháu nấu cháo, pha nước cam… Nhưng ông lại gọi điện cho “hội” bạn già khoe là ở nhà được thằng cháu có hiếu lắm, mua nào là thuốc bổ, nấu món bổ dưỡng để chăm sóc. Theo chuyên gia tâm lý Trần Quang Phúc, tổng đài 1080 TP HCM, đối với những người lớn tuổi, đã đi hơn nửa đời người để tìm kiếm danh vọng, tiền bạc nên điều họ cần nhất chính là sự quan tâm, chăm sóc và tình thương của con cháu. Vì vậy, người già hay khó tính, và có xu hướng quay lại thời thơ ấu. Nhiều gia đình đã xảy ra bi kịch khi cái chất trẻ con và phong thái “thái thượng hoàng” trong các cụ tồn tại song song. Sinh, lão, bệnh, tử, là quy luật ở đời, ai cũng phải trải qua nên người già có thể trái tính trong mắt chúng ta, nhưng họ lại thuận theo vòng đời của lẽ trời. Vì vậy, người già cần có quan niệm sống thoải mái, vui vẻ, muốn ăn thì ăn, muốn mặc thì mặc, muốn chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao để cuộc sống tuổi già có ý nghĩa hơn, chuyên gia chia sẻ. Nhật My |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|