Bị nhốt vào phòng kín, bỏ đói, đánh đập dã man nếu không chịu tiếp khách, phải giả vờ bị tâm thần để không ai mua..., ký ức về quãng thời gian bị lừa bán sang Trung Quốc đến giờ vẫn còn là nỗi ám ảnh với cô gái 21 tuổi ở Bắc Giang. | |||
Câu chuyện xảy ra cách đây 5 năm, khi ấy Nga mới 16 tuổi nhưng với cô dường như sự việc mới xảy ra ngày hôm qua. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Hương Mần, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Nga là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn nên cô phải nghỉ học, đi làm thêm phụ cha mẹ kiếm tiền từ năm 15 tuổi. Tháng 9/2005, đang làm trong quán Internet cho bác tại Bắc Giang thì cô tình cờ gặp một người quen cũ tên là Hằng, hơn cô một tuổi. Người này kể đang đi buôn bán ở Lạng Sơn, mỗi chuyến kiếm được rất nhiều tiền và muốn rủ Nga đi cùng. "Mới đầu vì sợ bị bố mẹ mắng nên em từ chối. Nhưng sau vài lần nghe lời nói ngon ngọt của Hằng, em đã đồng ý đi Lạng Sơn để giúp chị ấy 2 tiếng thôi rồi lại về Bắc Giang. Không ngờ chuyến đi đó lại trở thành nỗi ám ảnh của em cho đến tận bây giờ, em bị đưa sang tận Trung Quốc và đưa vào một nhà chứa", Nga xúc động kể lại.
Họ nhốt cô vào phòng kín, đánh đập dã man, không cho ăn uống nếu không chịu tiếp khách hoặc lấy chồng. Khi có người đến hỏi mua, cô đều giả vờ bị tâm thần. Đang trong tâm trạng hoang mang, lo sợ thì một lần có một Việt kiều muốn mua cô. "Cũng nhờ gặp được con người tốt bụng đó mà em mới có thể được trở về nhà mà không phải trả lại số tiền ông ấy đã bỏ ra mua em. Sau khi nghe em kể chuyện, ông ấy đã đưa em đến một sở công an của Trung Quốc. 4 ngày sau thì bố mẹ sang đón", Nga kể. Cuộc sống ở nơi đất khách quê người chỉ kéo dài mấy tháng nhưng đối với cô dài như cả thế kỷ. Bị tra tấn về thể xác, suy sụp về tinh thần, đã có những lúc cô nghĩ đến chuyện tự tử để chấm dứt chuỗi ngày sống trong cực hình. Nhưng vì thương bố mẹ, anh chị mà cô đã cố gắng tìm cách để được trở về Việt Nam, Nga bồi hồi kể lại. Không được may mắn như Nga, sau gần 20 năm bị bán sang Trung Quốc, chị Linh mới trở về nước, làm nghề mua đồng nát ở Hà Nội sống qua ngày cùng cô con gái 19 tuổi bị trầm cảm nặng. Ngày ấy chị theo một đoàn người đi di tản sang Hong Kong nhưng không may có bầu nên bị trả về nước. Thân gái một mình vác bụng bầu về quê mà không có chồng khiến chị chịu bao nhiêu lời gièm pha, đàm tiếu. Không chịu được cảnh sống như thế, sinh con được một thời gian, chị bồng bế con lên biên giới làm ăn rồi bị lừa bán sang Trung Quốc. Họ nói rằng đưa hai mẹ con sang đó rồi sẽ xin việc cho, nhưng thực chất là bán chị làm vợ một người nông dân đã hơn 50 tuổi, nhà nghèo. "Lúc đấy, tôi cũng muốn bỏ trốn về nước nhưng rồi lại nghĩ thôi thì thử sống, vì đi đâu bây giờ cũng thế thôi, không ai giúp đỡ", chị Linh buồn bã kể lại. Nhưng cuộc sống không yên ổn như chị hy vọng. Con gái chị bị cha dượng mắng chửi, đánh đập như cơm bữa. Học hết lớp 10 cô bé đi làm thì bị lạm dụng, sờ soạng ở nơi làm. "Thấy tủi cực quá thế là hai mẹ con trốn về nước", chị chia sẻ. Về nước, hai mẹ con quyết định ra Hà Nội kiếm kế mưu sinh. Đã ngoài 40 tuổi, lại không có công việc, không tiền bạc nên chị Linh làm nghề thu mua đồng nát, còn cô con gái vốn thành thạo tiếng Anh và Trung cũng đi tìm việc. Thế nhưng đến đâu xin việc họ cũng đòi hỏi giấy tờ, bằng cấp trong khi giấy giấy tờ của hai mẹ con đã thay đổi cả, tên cũng là tên Trung Quốc. "Giờ lúc nào con gái tôi cũng buồn bã, ở bên kia không sống được hai mẹ con mới về nước, thế mà về rồi lại không kiếm nổi việc làm, thấy bế tắc. Nó nói chỉ muốn chết, đi khám thì bác sỹ bảo bị trầm cảm nặng. Khổ, tôi thương con mà không biết làm sao", chị Linh vừa nói vừa khóc. Bà Nguyễn Thu Thúy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực giới cho biết, những câu chuyện trên đây không phải là hiếm gặp. Tình hình buôn bán người nói chung, buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày càng phức tạp. Trong một buổi hội thảo mới đây nhằm chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Bắc Giang cho biết, từ năm 1998 đến nay đã có hàng chục nghìn người ra nước ngoài lao động, sinh sống. Trong đó, hơn 4.000 phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhiều người trong số này đã trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em. "Số nạn nhân trở về thường gặp nhiều khó khăn, bị cộng đồng kỳ thị, không có việc làm, thu nhập thấp, bị tổn thương về tinh thần... Nhiều trẻ em khi trở về không có giấy khai sinh, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như giải quyết chế độ, quyền lợi cho các cháu", bà Thúy cho biết. Vì thế theo bà, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng cũng cần được chú trọng. Các cán bộ làm công tác xã hội cần hiểu thế nào là buôn bán người, cách thức hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, chế độ chính sách và các địa chỉ hỗ trợ... "Có rất nhiều chị em trở về nhờ sự hỗ trợ kịp thời và đúng chuyên môn đã có cuộc sống hòa nhập với cộng đồng rất tốt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các nạn nhân không phải trường hợp nào cũng giống nhau. Vì thế, nhiều khi, các cán bộ xã hội có thể bị lúng túng, gặp khó khăn do thiếu chuyên môn, kỹ năng", bà Thúy cho biết. Trong trường hợp này, cán bộ xã hội và cả người dân có thể gọi điện đến Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới để được tư vấn hoặc cung cấp thông tin miễn phí (số điện thoại 043775 9333). Nam Phương * Tên nhân vật đã được thay đổi. |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|