Len lỏi đến toát mồ hôi mới vào được bên trong khu liên hoan ẩm thực tại Công viên nước Hồ Tây, vợ chồng chị Hoài giật mình khi thấy đôi giày của con rơi đâu mất, điện thoại trong túi quần anh xã cũng "bay". | |||||
Liên hoan ẩm thực Hà thành khai mạc tối qua. Là một trong những hoạt động chính chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long, liên hoan thu hút hàng nghìn người dân thủ đô và khách tứ phương. Ngay từ đầu buổi tối cho tới qua giờ khai mạc, đường Lạc Long Quân đã tắc dài hàng km vì xe và người chen nhau cùng tiến tới khu ẩm thực. Khấp khởi từ công sở về sớm, bỏ cả bữa tối ở nhà, vợ chồng chị Hoài hào hứng đưa cậu con trai 3 tuổi đến liên hoan ẩm thực để thưởng thức các món đặc sản. Thế nhưng, chưa tới cổng công viên nước, chị Hoài đã thở không ra hơi vì đường quá đông, ngột ngạt, cậu con trai 3 tuổi ngồi trên xe khó chịu kêu ầm lên. Bãi gửi xe của ban tổ chức hết chỗ, anh chị phải gửi xe ở bãi trông tư nhân gần cổng vào với giá 50.000 đồng. Chồng chị bắt vợ phải luôn bám áo mình, kẻo có thể bị lạc bất cứ lúc nào giữa biển người đông nghịt.
"Chen nhau mãi mới mua được coupon - phiếu ăn - nhưng phải vất vả lắm mới đổi được đồ ăn. Ghé vào gian hàng Huế thì mọi người đang chen chúc, đợi 10 phút không thấy ai ngó ngàng đến mình, lại đi ra. Vào quán phở cuốn nhưng cũng nhận được lời hẹn 'phải đợi'. Bố công kênh con, mẹ lếch thếch theo sau, cả nhà tiếp tục rồng rắn qua quán bún chả, nộm... nhưng đều không đủ kiên nhẫn để đợi và cuối cùng dừng chân ăn hai đĩa dế chiên lồng phồng được vài con", chị Hoài kể lại hành trình "nếm" của mình. Chị cho biết, suốt hai tiếng đồng hồ, cả nhà chị thưởng thức được 2 chiếc nem cua bể, 2 chiếc bánh phồng tôm, 4 xiên thịt nướng, một chiếc xúc xích cho con, cộng thêm hai đĩa dế, một cốc bia, mất gần 300.000 đồng. Còn Hồng (Quỳnh Mai, Hà Nội) vốn thích không khí lễ hội nên dù biết là đông cũng nằng nặc thuyết phục bạn trai đưa đến liên hoan ẩm thực. Sau một hồi len lỏi mãi mới vào được bên trong, Hồng đi qua hết gian này đến gian khác mà vẫn không mua được thức ăn. Cuối cùng, thấy cảnh bạn gái ngồi thu lu một chỗ, mặt méo xẹo vì đói và mệt, cậu bạn trai đành rủ cô sang quán Sen Tây Hồ bên cạnh, ăn buffet, mỗi người tốn hơn 400.000 đồng. Theo ghi nhận của phóng viên VnExpress.net, ban tổ chức đã bố trí nhiều gian hàng của nhiều vùng miền để người dân có thể lựa chọn. Nhưng thực tế, với hàng nghìn người có mặt tại lễ hội, và các gian hàng quá nhỏ (chỉ kê đủ 2 chiếc bàn dài) nên cảnh chen lấn trước mỗi gian hàng là không tránh khỏi. Nhiều người sau khi đổi được đồ ăn ở gian hàng đã phải rút ra ngay chỗ thoáng hơn để được thưởng thức.
Nhóm 4 chàng sinh viên năm nhất trường Đại học Công đoàn Hà Nội còn cám cảnh hơn. Đạp xe gần chục km từ nơi trọ tới công viên nước, 4 chàng trai mắt tròn mắt dẹt khi nghe người trông xe lạnh lùng đòi tiền: "Mỗi xe 20 nghìn, đưa tiền trước". "Thôi, đã lên đến đây rồi thì vào cho biết", cả nhóm bảo nhau. Theo dòng người đông nghịt, 4 chàng trai trẻ lê bước hết khu đồ ăn chay đến các gian hàng bán đặc sản Bắc - Trung - Nam mà vẫn chưa được thưởng thức món gì, cuối cùng đành kiên nhẫn đợi 20 phút để được ngồi trong một gian hàng. Khi đó, trong quán chỉ còn hai món là bánh phồng tôm và nem cua bể nên đành gọi mỗi thứ 4 suất cho 4 người. Thế nhưng, khi đồ ăn chưa kịp đem lên, nghe anh phục vụ tính tiền cho bàn bên cạnh "35 nghìn mỗi suất", nhóm sinh viên nghèo đưa mắt nhìn nhau rồi đồng thanh xin trả lại hai suất mỗi loại. Đại gia đình gồm 8 người nhà bác Sáu (Đống Đa, Hà Nội) lại khóc dở mếu dở mất tiến. Sau một hồi cuốc bộ ngắm nghía các gian hàng bày những sản phẩm làng nghề, cả nhà mới quyết định mua coupon để đổi đồ ăn thì bác Sáu - được giao giữ tiền chi tiêu buổi hôm đó - phát hiện chiếc ví để trong túi đã không cánh mà bay. "Lúc ấy chỉ muốn khóc. Tôi đã tiếc tiền, còn bị ông xã phàn nàn, lại thêm bực. Cũng may, anh con rể có mang tiền theo, nên cả nhà vẫn mua được đồ ăn, nhưng từ lúc đấy thấy chán quá, chả thích thưởng thức gì", bác Sáu kể. Có kinh nghiệm đau thương từ vài lần tham dự các lễ hội khác, chị Trà (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, dù là đi liên hoan ẩm thực nhưng cả nhà chị đã ăn no ở nhà từ trước. "Như thế mới có sức chen, mà ngắm và cảm nhận những nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực của các vùng miền khác, chứ đến những chỗ này, vừa đắt, vừa đông, lại vừa luộm nhuộm", chị Trà cho biết. "Nhưng dẫu sao, thấy món ăn ngon mà không nếm thì cũng tiếc và biết như thế chưa thực sự là thưởng thức, nhưng thà vậy còn hơn bị 'chém' và chịu đói, rồi lại thành 'đi thì háo hức, về lại hậm hực'", chị Trà nói. Trước những phàn nàn của người dân về công tác tổ chức lễ hội ẩm thực, ông Phan Cao Sơn, thành viên Ban tổ chức cho biết "Trong khoảng thời gian khai mạc ngắn ngủi như vậy, từ 6 đến 9 giờ tối, có hàng trăm nghìn người đổ tới, do vậy hiện tượng quá tải là không tránh khỏi. Ban tổ chức không lường hết được điều này, cũng như các gian hàng không thể phục vụ hết người dân. Vì vậy, chúng tôi rất mong được du khách thông cảm". Vương Linh |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|