Ánh Tuyết chia sẻ, chị thích đứng ở giữa tiết trời thu Hà Nội để hát những bản thu ca. Ảnh: AT. |
Trở lại Hà Nội lần này, ngoài những bản thu ca có thể coi là đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam như Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong), Suối mơ (Văn Cao), Ánh Tuyết còn thể hiện những sáng tác về mùa thu mà có lẽ một phần nhờ vào tiếng hát của chị mới được phổ biến trong tâm tưởng công chúng phía Bắc như Mùa thu không trở lại, Tóc mây của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu và Phạm Thế Mỹ. Với Ánh Tuyết, mỗi lần trình diễn ca khúc của các nhạc sĩ chị yêu mến là một lần ngược thời gian tìm lại những thời khắc xưa, khi mà tiếng hát và cảm xúc của ca sĩ và nhạc sĩ đồng vọng. Thường chỉ hát một mình, lần này Ánh Tuyết quyết định thử kết hợp với Duy Quang. Hai người từ rất lâu cùng lựa chọn một dòng âm nhạc nhưng cái duyên hình như phải đợi đến mùa thu này mới đến, với ca khúc rất nổi tiếng của Phạm Duy là bản Tiếng thu (phổ thơ Lưu Trọng Lư).
Với Thanh Lam, ngoài những ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn mà chị từng thể hiện thành công, chương trình lần này là một thể nghiệm đặc biệt với bản tình ca đã ra đời và nổi tiếng hơn một nửa thế kỷ trước - Nửa hồn thương đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Câu chuyện về ca khúc mang nặng nỗi u hoài này không phải ai cũng nắm tường tận, thế nhưng giai điệu và những ca từ mỗi lần được cất lên đều có sức cuốn hút kỳ lạ, đưa thính giả chạm vào tận tầng sâu của nỗi đau, của niềm riêng khắc khoải mà trái tim người nhạc sĩ tài hoa năm nào tưởng chừng đã vỡ nát nếu không có sự cứu cánh bằng âm nhạc.
Thanh Lam sẽ lần đầu hát "Nửa hồn thương đau". Ảnh: Huy Tân. |
Nếu cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là ông hoàng trong âm nhạc của mùa thu đất Bắc với một chút gì đó mang hơi hướng Tây phương ở những sáng tác của mình, thì nhạc sĩ Ngô Thụy Miên lại có thật nhiều sáng tác về mùa thu hết sức tự nhiên, gần gũi mang nặng tâm hồn Việt với tính khái quát rất cao. Những bản thu ca của ông dễ hát, dễ thuộc và đi sâu vào tâm hồn mỗi người lúc nào không hay, bởi lẽ chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh của bản thân mình trong đó một cách ngẫu nhiên và thú vị. Ca khúc chủ đề của chương trình - Mùa thu cho em - sẽ do Tùng Dương thể hiện với chất ngẫu hứng thường trực trong tiếng hát cũng như phong cách biểu diễn của anh.
Với Thanh Thanh Hiền thì ngoài tác phẩm quen thuộc Thơ tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu), người nữ ca sĩ thanh sắc vẹn toàn còn lựa chọn một ca khúc đã được sáng tác từ rất lâu, gắn liền với tác phẩm huyền thoại của thi ca Việt Nam đó là bản Chuyện hoa tigon. Chị cho biết mùa thu, đặc biệt là mùa thu Hà Nội, có một sức quyến rũ kỳ lạ. Giữa không gian này, được cất cao tiếng hát những nhạc phẩm về mùa thu trong sự yêu mến của khán giả thủ đô là một hạnh phúc mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn được đón nhận.
Rất lâu rồi mới trở lại thủ đô Hà Nội, Ngọc Sơn muốn được trải nghiệm mùa thu với hình ảnh người mẹ. Anh chia sẻ rằng, khi miệt mài chạy theo những hình bóng phụ nữ trong cuộc đời, để rồi có lúc chợt sững lại nghĩ về mẹ “người đàn bà đầu tiên, người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội dù cho con ngu dại một đời…” như lời một ca khúc nào đó. Anh muốn đem tâm sự của mình gửi gắm tới khán giả Hà nội qua một sáng tác về mẹ, về một chiều thu trong ký ức ấu thơ của mình.
Chương trình còn có sự góp mặt của nhạc sĩ Quyền Văn Minh với tiếng saxophone điêu luyện diễn tả những cung bậc của tiếng thu, của những cảm xúc thu tiền chiến, của một mùa thu đã lùi xa vào quá vãng mãi mãi theo dòng thời gian.
Ngọc Trần