Từng có kinh nghiệm đau thương về đồ chơi Trung Quốc nên giờ đây chị Hà rất cẩn thận trong chuyện chọn đồ chơi cho con. Lần đấy, cơ quan chị tổ chức cho nhân viên lên Lạng Sơn chơi. Khi đi chợ Tân Thanh, thấy một số đồ chơi Trung Quốc bắt mắt, bé Hoàng Anh nhà chị cứ nằng nặc đòi mẹ mua, trong đó có một quả cầu bên trong có nước và những hạt nhiều màu sắc.
Do hiếu động, bé đã tháo quả cầu ra và uống thứ nước có trong đó. Thấy con ho sặc sụa và khó thở, gia đình mới phát hiện và đưa bé đi cấp cứu. Khi nhập viện, bé có biểu hiện sốt cao, bụng căng. Rất may do được cấp cứu kịp thời nên tính mạng không bị đe dọa. Sau lần đó chị "cạch" không dám mua đồ chơi Trung Quốc cho con nữa.
Nhiều phụ huynh bắt đầu chuyển sang mua đồ chơi trong nước sản xuất. Ảnh: Hà Duyên. |
Giữa tháng 5, Tổ chức quốc tế vì môi trường Greenpeace phát đi lời cảnh báo các loại đồ chơi trẻ em nguồn gốc Hong Kong, Trung Quốc có chứa chất phụ gia phthalates, một hóa chất gây ra rối loạn nội tiết trong cơ thể. 21 trong số 30 mẫu đồ chơi xét nghiệm có chứa phụ gia độc hại này.
Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), chất phthalate là nguyên liệu hoặc phụ gia sản xuất hạt nở có thể lẫn chất độc thần kinh. Các dẫn xuất phthalate có thể làm rối loạn hệ thống hoóc môn giới tính và gây ra dậy thì sớm ở cả bé gái và trai. Nhiều nghiên cứu khoa học còn cho thấy chất này còn làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung cũng như ung thư vú. Thậm chí, có tài liệu còn cho thấy phthalate có thể gây dị thường ở bộ phận sinh dục bé trai.
Cũng vì thế, giống như chị Hà, nhiều cha mẹ bắt đầu quay lại với đồ chơi Việt. Nếu so sánh giá cả, tuy đắt hơn đồ chơi Trung Quốc nhưng so với đồ chơi hàng hiệu như Lego Đan Mạch, Beyblade của Nhật hay búp bê Barbie của Mỹ, giá vài triệu đồng mỗi bộ thì những mặt hàng nội có mức giá chỉ từ 130.000 đến 300.000 đồng.
Tìm mua cho con bộ đồ chơi ghép hình lâu đài bằng gỗ, chị Mai (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm nay chị sắm cho toàn đồ chơi bằng gỗ, nhựa do các công ty trong nước sản xuất, vừa chơi vừa mang tính giáo dục.
“So với hàng ngoại, giá thành đồ chơi của Việt Nam dễ chấp nhận, chất lượng khá tốt, còn đồ Trung Quốc thì không thể biết chất lượng và độ an toàn thế nào. Thế nên an toàn là trên hết”, chị Mai nói.
"Có đợt mình thấy một số đồ chơi sản xuất từ Trung Quốc có hình thù quái dị, làm bằng thứ nhựa lùng nhùng, 'nhái' các bộ phận của con người, động vật. Mình nhìn cũng thấy sợ, nó vừa không mang tính thẩm mỹ, giáo dục, vừa có nguy cơ độc hại cao”, chị cho biết thêm.
Tuy nhiên, dù hàng nội đã được sư ưu ái hơn từ người tiêu dùng nhưng một điều dễ nhận thấy là muốn chọn đồ chơi Made in Việt Nam cũng không phải dễ. Mẫu mã sản phẩm không phong phú, lại chỉ có một số ít thương hiệu như: Tosy, Nam Hoa, Đức Thành…
Anh Mạnh, nhân viên cửa hàng đồ chơi giáo dục trên đường Đội Cấn, Hà Nội cho biết, nhiều khách hàng cũng rất muốn mua đồ chơi trong nước sản xuất nhưng sự lựa chọn còn chưa nhiều. Trước đây, chủ yếu là đồ chơi bằng gỗ (đồ chơi lắp ghép và chuyển động được, xếp hình…), gần đây thì có thêm đĩa bay, con quay Tosy.
“Trong khi đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ vừa bắt mắt, trẻ chơi vài ngày hỏng hoặc vứt đi cũng đỡ tiếc. Vì thế, dù biết không an toàn vẫn có nhiều phụ huynh lựa chọn vì hợp với túi tiền. Có những người không tiếc tiền thì sẵn sàng lựa đồ chơi ngoại cho con”, anh Mạnh nói.
Để đảm an toàn cho con trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ hãy lựa chọn thật kỹ đồ chơi cho bé, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Không chọn loại có cạnh quá sắc, nhọn vì có thể gây tổn thương cho trẻ. Đặc biệt, tránh những loại có màu sắc quá sặc sỡ, không có nguồn gốc rõ ràng.
Hà Duyên