Ảnh minh họa: Chiplove.biz. |
Khi được phụ huynh đưa đến gặp chuyên gia, bác sĩ hỏi gì, My (Gia Lâm, Hà Nội) cũng chỉ lẩm bẩm: "Con và bạn ấy đã thề là tới 28 tuổi sẽ lấy nhau rồi mà".
Đôi mắt vẫn đỏ hoe, mẹ My kể, cô con gái lớp 11 của chị có bạn trai từ năm ngoái. Dù không đồng ý cho con có quan hệ tình cảm sớm nhưng chị cũng không biết làm cách nào ngăn cản được cháu. Thời gian gần đây, thấy con có vẻ buồn bã, chán ăn, ít ngủ, kết quả học hành sa sút, chị tìm hiểu thì biết cô bé đã bị bạn trai "đá".
"Cậu ấy có bạn gái mới, ở ngay lớp bên cạnh. Hằng ngày, họ đi với nhau, âu yếm nhau ngay trước mặt con, con không thể chịu nổi", My kể.
Tuần trước là sinh nhật bạn trai, My chủ định tự tay làm một món quà đặc biệt để người yêu hiểu tình cảm của mình và quay lại, nhưng không ngờ lại bị cậu này thẳng thừng trả lại, nên cô bé càng tuyệt vọng. Suốt hai ngày liền My khóc lóc, không ăn không ngủ và sau đó trở nên ngơ ngẩn, hay nói lảm nhảm. Hiện cô bé đang phải điều trị trong một bệnh viện về sức khỏe tâm thần.
Cũng vì thất tình mà Trúc An, học sinh một trường cấp 3 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đòi bỏ học, đi tu khiến bố mẹ hết hồn.
Từ lớp 9, Trúc An đã "kết" một cậu bạn cùng lớp. Hai người công khai tình cảm trước lớp, hay đưa đón nhau đi học, đi ăn và thường xuyên hẹn hò sau giờ học. Vốn nuông chiều con gái, khi biết việc này, bố mẹ Trúc An còn ủng hộ bằng cách cho phép bạn trai của con đến nhà chơi, ăn uống.
Lên giữa lớp 10, cậu bạn trai muốn dừng mối quan hệ với lý do "không hợp" nhưng Trúc An không đồng ý, khóc lóc, bỏ học, nhịn ăn, đòi bố mẹ bắt bạn trai quay lại với mình.
"Giờ tôi không biết làm sao hết. Con bé đã nghỉ học một tuần rồi, cứ nhốt mình trong phòng, còn bảo muốn đi tu. Tôi đã thử nhờ cậu kia xuống nước nhưng nó nhất quyết không chịu", mẹ Trúc An thổ lộ với chuyên gia tư vấn.
Cũng vì "si tình" mà Minh Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) bị bố mẹ mắng nhiếc không tiếc lời. Cô bé đang học lớp 8 nhưng đã có hai mối tình. Sau lần vật vã chia tay anh chàng đầu tiên hơn mình 2 tuổi, em yêu một bạn học lớp bên.
"Bạn ấy yêu cháu lắm nhưng vẫn hơi yêu một bạn nữa ở lớp dưới. Mẹ cháu biết chuyện đã ra sức mắng cháu là không học hành gì cả, chỉ yêu đương lăng lăng', rồi 'không biết xấu hổ, cứ thấy con trai là tít mắt'... Thật ra cháu cũng xấu hổ lắm nhưng không biết làm thế nào. Cháu không xa được bạn ấy", cô bé tâm sự với một chuyên gia tâm lý.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bà từng gặp không ít trường hợp các em nữ tuổi teen bị trầm cảm, tâm thần, bỏ học... vì yêu.
Theo bà, thời nay, tình cảm khác giới của lứa tuổi teen không dừng lại ở mức độ “cảm tình”, “thích “, “thầm yêu trộm nhớ”... nữa. Cùng với sự phát triển của xã hội với rất nhiều luồng thông tin được tiếp nhận, tâm sinh lý của vị thành niên cũng phát triển sớm hơn so với những thế hệ trước. Cách suy nghĩ, nhìn nhận, quan niệm và thái độ của các em trước “tình yêu học trò” đã khác rất nhiều, không còn trong sáng như những thế hệ trước.
Các em có thể yêu vì a dua “bọn nó có người yêu thì mình cũng không kém cạnh”. Nhiều cặp teen còn yêu kiểu “vợ chồng”, lúc đầu là xưng hô nhưng dần dần tiến tới sự “đụng chạm” người lớn thật sự. Và cũng chính lý do này khiến các em nữ gặp rất nhiều hệ lụy khi tình cảm không được như ý. Có những em vì quá đau khổ đã bị sang chấn về tâm lý, thậm chí có em gần như điên loạn. Dấu vết của “tình yêu” học trò ảnh hưởng không tốt cho việc xây dựng hạnh phúc của các em khi trưởng thành.
Nhà tâm lý giáo dục giải thích, hiện nay, các em nữ dậy thì sớm trong khi tâm lý vẫn rất non nớt nên dễ ngộ nhận chuyện tình cảm khi bước vào tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, các em chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết trong việc: quản lý bản thân, thể hiện cảm xúc lành mạnh, tình yêu, tình bạn, sức khỏe tình dục... Tâm lý các em chưa ổn định, đang trong thời kỳ phát triển, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Với các bậc phụ huynh, theo bà Thủy, nếu có con gái lỡ mất ăn mất ngủ, thậm chí bỏ học, hóa điên vì yêu, đừng vội mắng nhiếc sỉ vả trẻ. Hãy bình tĩnh nói chuyện với con bằng sự cảm thông: “Mẹ có thể giúp con được gì trong chuyện này?”. Chắc chắn khi hiểu được những tâm tư thầm kín của trẻ, bạn sẽ biết cách giúp con thoát khỏi những nguy cơ tiềm ẩn.
"Bạn không thô bạo can thiệp vào tâm tư tình cảm của con nhưng phải biết con đang vui, buồn, tích cực hay tiêu cực và giúp con kịp thời dưới vai trò người bạn lớn hết lòng vì con", nhà giáo chia sẻ.
Ngoài ra, theo bà, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ một cách nghiêm túc và cởi mở về giới tính, về sức khỏe tình dục để các em hiểu và ứng xử đúng với những sự việc sẽ đến với mình. Ở tuổi teen, trẻ cũng cần được giáo dục về luật pháp, để hiểu rằng việc quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên là vi phạm pháp luật. Khá nhiều tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, trẻ hiểu vấn đề này vẫn còn khá mơ hồ.
Ngoài việc học văn hóa, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần giúp con có lối sống lành mạnh. Nên cho con tham gia một vài hoạt động về thể thao hoặc nghệ thuật phù hợp với sở thích và năng lực. Điều này giúp các em nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần.
Muốn trẻ không vướng vào các mối nguy hiểm trên, thì ngay khi con còn nhỏ, các bậc phụ huynh cần có ý thức rõ ràng trong việc hình thành cho con quan niệm, thái độ đúng đắn, tích cực về tình bạn, tình yêu. Người lớn cũng cần luôn nắm bắt được suy nghĩ và các hoạt động của lứa tuổi con mình trong từng thời điểm phát triển, đồng thời cập nhật với sự phát triển của xã hội để tìm được tiếng nói chung khi trò chuyện, làm bạn với con.
Vương Linh
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi