Tạm biệt những hạn chót, những lịch hẹn, những cuộc điện thoại và email dày đặc, tạm biệt khách hàng, đồng nghiệp và cả chồng con, mình ra tàu mua một vé về quê mà cứ ngỡ đang về với tuổi thơ, nơi đó yên bình như lòng mẹ vậy. | |
Thứ Năm, 29/09/2011 - 09:00
Vé đi tuổi thơ
(Dân trí) - Tạm biệt những hạn chót, những lịch hẹn, những cuộc điện thoại và email dày đặc, tạm biệt khách hàng, đồng nghiệp và cả chồng con, mình ra tàu mua một vé về quê mà cứ ngỡ đang về với tuổi thơ, nơi đó yên bình như lòng mẹ vậy.
Thấy mình về, mẹ vui mừng đảo ra chợ mua thức ăn. Bố bận đi đám cưới từ sáng. Mình liền mượn xe, phóng về nơi mình đã sinh ra rồi lớn lên gần chục năm, cách nhà bố mẹ mình 5km, cách nơi mình đang sống 70km.
Những người sống ở đây hầu hết là cán bộ trong nhà máy. Giờ cũng không có quá nhiều thay đổi, mình vẫn có thể nhận ra và nhớ về nó ngày xưa. Những con đường trải nhựa, ngõ nhỏ đã bê tông hóa. Chỉ qua con dốc này là về lại căn nhà trong khu tập thể cũ.
Đồi núi trống, giờ khó lòng mà leo lên hái sim được nữa vì đường dẫn xuống cánh đồng và lên núi đã bị chặn lại bằng những tay tre dài nghều ngoào, gai góc.
Nhớ những mùa hè năm nào hoa sim, hoa mua nở tím rịm cả quả đồi, đi hái sim ăn đen cả lưỡi, bị mẹ đánh cho mấy bận can tội dãi nắng.
Giờ nhà liền dãy đã không còn ở đó mà thay bằng những căn nhà cao tầng, rất to và đẹp. Hỏi thì được biết họ mới chuyển đến đây, chủ cũ khi đến tuổi hưu đều về quê hoặc theo con ra Hà Nội. Toàn người mới nên không ai nhận ra mình.
Mình tha thẩn quay xe về trường mẫu giáo và trường cấp I từng học. Những phòng học xập xệ thậm chí chẳng có cửa sổ, mái ngói thì vỡ nát, ngày mưa nước tràn vào lớp, bàn ghế cũ kỹ, bị dột dính nước mưa nên èo uột và bẩn thỉu… nay đã được thay bằng nhà hai tầng đẹp đẽ cùng những bộ bàn ghế sáng xịn, có hàng cây và những tấm khẩu hiệu kẻ đẹp đẽ. Bảng học không còn bằng xi măng phải đánh nõn chuối cho đen nữa, giờ đã được thay bằng bảng từ màu xanh để thầy cô viết phấn không bụi.
Đi ra xa phía ngoài, ở cổng trường mình bỗng bật cười nhìn nhà ông Đàm, trước làm bảo vệ trường. Mảnh đất ấy hiện chễm chệ ngôi nhà hai tầng, có cổng sơn màu tro rất bề thế, không hiểu là nhà ông hay đã bán đất cho người khác. Nhớ hồi đi học, chả rõ vì sao bọn mình ghét ông lắm, nhà ông quay lưng ra phía ngoài đường, thế là cả bọn đi nhặt phấn về rồi cùng nhau kẻ chữ “BÁN NHÀ” rất to lên tường. Lâu sau mà chẳng thấy ông xóa đi, không rõ có ai đến hỏi mua không?
Rồi mình nghĩ đến Sơn. Hai đứa bặt tin từ hồi gia đình mình chuyển đi, bạn vẫn học trường làng. Mình và Sơn chơi với nhau từ hồi mẫu giáo, rồi lên đến tiểu học, tính Sơn hiền lành, biết nhường nhịn. Nhà cậu ấy khá giả do có bố làm ăn bên Tiệp. Năm lớp ba, biết tin Sơn sắp cùng mẹ và em sang đó định cư, mình buồn suốt mấy hôm liền. Vậy mà ngày đi chỉ còn một tuần thì tin dữ bay đến, bố bạn đã bị tai nạn, bỏ mạng nơi xứ người.
Từ đó một mình mẹ bạn nuôi hai anh em ăn học. Cô xinh như diễn viên, khi chồng mất cô mới 32 tuổi. Mọi người chắc mẩm cô sẽ tái hôn, nhưng đến giờ mình được biết cô vẫn ở vậy.
Mình trở về dãy tập thể nhà Sơn ở dạo trước để hỏi thăm, thật vui khi cô đồng nghiệp với mẹ vẫn ở đó và vẫn nhớ mình. Cô cho biết Sơn là tấm gương sáng mọi người vẫn nêu cho bọn đàn em noi theo bởi ý chí vượt khó, học giỏi. Bạn hiện đang làm cho một phòng thiết kế đồ họa ở Hà Nội, sắp cưới vợ. Em Sơn đang học năm thứ ba đại học. Mẹ Sơn đi làm nên không có nhà, cô hàng xóm tốt bụng nói “cô có số của mẹ Sơn, lấy không?”. Mình cảm ơn cô rồi ngại ngùng nói thôi. Nhỡ họ đều chẳng nhớ mình thì sao?
Chuyến quay về tuổi thơ đã thành công ngoài mong đợi, vậy là đủ. Lòng mình trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi thấy rằng những khó khăn mình vấp phải quả thực chẳng là gì. Mình chụp được rất nhiều ảnh mang về cho bố mẹ xem, rồi kể về những gì mình nhìn và nghe thấy. Đó cũng là niềm vui mình tự tạo ra, thấy thật đáng giá!
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|