Con mới bảy tháng tuổi vợ chồng Quyên, Hải đã rủ nhau đi xuất khẩu lao động mong thoát nghèo, nên nhờ bà nội trông con giúp. Hai năm sau về nước, họ xin việc rồi mua được nhà, muốn đón con đoàn tụ. | |
Thứ Hai, 03/10/2011 - 09:18
Gửi con cho bà
(Dân trí) - Con mới bảy tháng tuổi vợ chồng Quyên, Hải đã rủ nhau đi xuất khẩu lao động mong thoát nghèo, nên nhờ bà nội trông con giúp. Hai năm sau về nước, họ xin việc rồi mua được nhà, muốn đón con đoàn tụ.
Chưa đầy hai tuần thì bà nội nhớ quá, nhất quyết cắp cháu về quê. Mọi người góp ý: “Bà buồn cười, con nó bà lại tranh”, bà bảo: “Kệ, con nó nhưng là cháu tôi, tôi nuôi nó từ bé”. Thế là đứa bé bị giành đi giành lại đến khổ, mẹ con khóc lóc giận nhau mất một thời gian.
Lại đến chuyện của chị Nguyệt, hồi sinh đứa thứ hai cách đứa đầu hai tuổi, chị đành gửi đứa lớn về ngoại, nhờ bà chăm cho một thời gian, vì bà chỉ có một mình. Bà quý cháu như vàng, cho ăn suốt ngày, chăm cho béo tốt hồng hào, chật hết cả quần áo bà lại phải sắm mới cho.
Được ba tháng, thương bà vất vả, một phần là nhớ con, nghĩ rằng có thể lo cho hai đứa được nên chị nhờ đứa em về quê đón con lên cho mình. Bà quyết giữ lại nhưng vì cháu cũng nhớ mẹ, cứ khóc đòi về, nên bà đành chịu. Đưa hai đứa ra ga tàu, bà một tay vẫy, một tay vén áo lên quệt nước mắt, nghe đứa em kể cứ nghĩ đến cảnh đó mắt chị lại cay cay, thấy thương mẹ nhiều hơn.
Thế mới hay, ông bà nào cũng quý cháu nên đưa về thì dễ nhưng đón đi thì khó.
Hồi đầu nghĩ cảnh ở trọ vất vả, hai vợ chồng lương thấp chẳng đủ thuê người trông, nên con đầy tuổi là Hoa cai sữa rồi cho về quê với ông bà nội, ở đó nhà rộng vườn thoáng, không khí trong lành tha hồ chạy nhảy, nô đùa.
Khi nó được gần hai tuổi, Hoa muốn đón con xuống để cho đi học thì bà viện đủ mọi lý do: “Mày không thấy bọn trẻ nó đến lớp khóc như ve sầu suốt ngày, rạc người đi không, nó nào đã to béo, khỏe mạnh bằng ai, rồi thì lây bệnh…”. Hoa thông báo là sẽ tiêm phòng cho cháu không thiếu thứ gì, bà bảo chỉ yên tâm một phần thôi, ra đó ăn uống không đầy đủ, bao nhiêu cháu các cô chăm hết thế nào bằng ở đây một bà một cháu rồi nó hao đi thì tai hại.
Có khi bà còn nói dỗi: “Chúng bay yên tâm, con nào chả yêu quý, bện bố mẹ, đừng lo nó yêu ông bà hơn”. Rồi bà “mặc cả”: “Thôi để tao rửa đít cho nó thêm năm nữa, ba tuổi đi mẫu giáo là vừa”.
Sau đó lại xúi cháu: “Về nhà với bố mẹ chẳng vui đâu, được mấy hôm đầu thôi, sau chán, nó đánh cho suốt ngày, sợ lắm! Cháu mà về đấy bà không yêu nữa…”. Thế nhưng đứa con vẫn có vẻ muốn theo mẹ, thế là bà mắng: “Cả lũ chúng mày mặt cứ lồi lồi ra, nói không nghe, về đó để chết vất ra à, chỉ ích kỷ. Tao nuôi cho mà yên tâm làm việc, con chúng mày đã ai bắt mất đi đâu mà sợ”.
Nhiều lúc cũng ái ngại vì ông bà có tuổi rồi vẫn phải lọ mọ chăm sóc, chạy theo tên nhóc hiếu động, không muốn để tiếng là làm khổ ông bà, tận dụng sức lực của cha mẹ, nhưng bà lại nói đó là niềm vui tuổi già, đem nó đi khác gì nỡ tước đoạt hạnh phúc con con của họ. Thế là nhiều lúc cũng thấy ấm ức, con mình mà chẳng được nuôi.
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|