Học dốt, hay trốn học nên anh bị mẹ đánh mắng. Sốc nổi, giận mẹ, anh bỏ nhà đi sau khi trộm của mẹ ít tiền. Anh nhảy tàu trôi dạt mãi vào Khánh Hòa, nơi từ giọng nói, con người đến thời tiết đều hoàn toàn khác. | |
Thứ Ba, 04/10/2011 - 09:00
Rồi ngày mai vẫn đến
(Dân trí) - Học dốt, hay trốn học nên anh bị mẹ đánh mắng. Sốc nổi, giận mẹ, anh bỏ nhà đi sau khi trộm của mẹ ít tiền. Anh nhảy tàu trôi dạt mãi vào Khánh Hòa, nơi từ giọng nói, con người đến thời tiết đều hoàn toàn khác.
Chú của chị trong một lần ra ga tàu đón hàng, thấy anh ngơ ngác, nói giọng miền khác, vẻ mặt sợ sệt thì động lòng, gọi vào quán ngồi nói chuyện. Anh giấu biệt tung tích, nói bị lạc gia đình, người nhà không còn ai… chú thương tình đưa về trang trại cưu mang và cũng là để có người đỡ đần công việc.
Bố mất năm chị mới bốn tuổi, mẹ đi lấy chồng, chú mang chị về nuôi cho ăn học. Hết cấp III, chị cùng các em họ đã sớm phải lao động kiếm kế sinh nhai… Chị hơn anh hai tuổi, mới đầu vẫn cộc lốc mày tao, rồi sau chuyển dần sang xưng tên. Chú quý anh, thương chị nên có ý gán ghép hai người.
Chị cũng ưng anh lắm, anh thì mang ơn chú và cũng xác định sẽ làm ăn ở xứ này. Cảm cái tình chị dành cho, họ lấy nhau chẳng cần đám cưới, cũng chẳng cần sự công nhận của pháp luật. Thằng Đức ra đời. Anh chị rưng rưng hạnh phúc, họ đã thực sự là một gia đình.
Thời gian trôi đi, dù tình cảm gia đình nhà vợ dành cho vẫn đầy đặn, dù vợ rất mực thương yêu, con cũng ngoan ngoãn nhưng anh không nguôi nghĩ về gia đình mình ngoài Bắc. Anh luôn thơ thẩn nghĩ và thoáng đau lòng vì có thể mình đã khiến bố mẹ lo nghĩ, buồn khổ.
Có của ăn của để, anh kể lại chị nghe mọi việc và không giấu suy nghĩ muốn quay về quê hương. Chị thuận với ý định đó của chồng vì biết con người có tổ có tông và gái phải theo chồng là hợp lẽ. Chưa bao giờ chị hồi hộp đến thế khi bắt đầu hành trình về quê chồng…
Bố mẹ anh đều đã gần sáu mươi và không còn sống chung với nhau nữa. Bà nói ông về chăm bà nội đã già yếu. Và chị nghe dân làng đùa đùa thật thật bảo: “Mẹ nó đến chó, mèo còn chả sống chung nổi nữa là…” chị nghe câu được câu chăng nhưng cũng thấy gai gai người.
Hôm thím điện ra hỏi thăm. Chị đáp gia đình vẫn khỏe, nhà chồng tiếp đón niềm nở, vui vẻ lắm!
“Nghe nói mẹ chồng ngoài Bắc khó tính, thế mẹ thằng Sinh thì sao hả con?”. Chị cười: “Bà thương con thương cháu lắm thím à. Cũng có vài bất đồng nhưng không đáng kể”. Thím động viên chị gắng lên, cần gì thì cứ bảo, chú thím sẵn lòng giúp đỡ. Cúp máy chị bỗng thở dài, chẳng biết những bất đồng đó có gọi là nhỏ không nữa, nhưng chị dần thấy căng thẳng.
Về quê, anh theo người ta đi làm công trình kiếm tiền, tháng mới về một lần, ban ngày mẹ chồng chị đi trông trẻ thuê. Chị ở nhà vừa lủi thủi trông con vừa bán hàng nước.
Thương con, bao lần chị nuốt nước mắt vào trong cho qua mọi chuyện mà không biết tỏ bày với ai. Tiếng của chị khó nghe. Mẹ chồng thì luôn kiếm cớ, chê chị già hơn anh, chê chị quê xa, giọng như dân tộc, bà nghe chẳng hiểu gì. Thậm chí bà còn nói anh vẫn giận mẹ hay sao mà đưa nàng dâu này về khiến mẹ tức muốn chết và xấu hổ với bà con lối xóm. Chị có làm gì nên tội...
Thi thoảng bà lại chê bai món chị nấu “Sao món này lại nấu kiểu này, sao lại vụng về, đoảng vị thế”, rồi nhờ chị lấy cái nọ cái kia mà chị không hiểu mẹ định chỉ cái gì khiến bà bực bội, rồi còn vô vàn những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chung, nhỏ thôi nhưng cứ dồn ứ vào… Bà còn đay nghiến chị mau trở về cái nơi mà chị từng sống, để con bà làm lại cuộc đời.
Anh đi suốt về nhà lại thấy mẹ và vợ như thế đâm ra chán nản, hiểu nhầm vợ. Chị gạt nước mắt quyết định làm theo mong muốn của mẹ chồng.
Phải ôm con đi, chị không giận mẹ chồng. Mẹ nào chẳng thương con. Chị cũng không giận anh, bởi để nhẹ lòng chị xác định mình vừa hoàn thành được sứ mệnh là đưa anh trở lại đây vì anh thuộc về chốn này. Còn chị, có lẽ cũng phải quay về cố hương vì chị thuộc về nơi đó. Chị sẽ vẫn nhớ về anh, về những ngày tháng nghèo khổ nhưng vui vầy bên nhau, bởi anh đã là một phần cuộc sống của mẹ con chị, chỉ là không ở gần nhau mà thôi.
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|