Ảnh minh họa: Time.com. |
Khi được hỏi cảm giác về thái độ của mẹ chồng với mình, trong số hơn 2.000 phụ nữ có gia đình tham gia khảo sát, có tới gần 1/4 trả lời, họ thấy mẹ chồng luôn áp đặt, 1/3 số khác cho là "bà hay chỉ trích" và con số tương tự khẳng định “thấy bị quấy rầy”. Ngoài ra, có tới 5% phụ nữ thừa nhận chính căng thẳng với mẹ chồng làm gia đình họ tan vỡ.
Siobhan Freegard - nhà sáng lập trang web nổi tiếng về cách làm mẹ, nuôi dạy trẻ Netmums cho biết, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn đã nhạy cảm, và sẽ càng đặc biệt khi đứa con đầu lòng chào đời. Khi đó, bà mẹ trẻ thường cảm thấy choáng ngợp với những thông tin và lời khuyên từ các chuyên gia y tế, bạn bè và gia đình. Nếu mẹ chồng cũng thêm vào những lời dạy dỗ - dù bà có ý tốt - thì cũng có thể khiến chị em cảm thấy quá tải và căng thẳng. Có thể điều mẹ chồng muốn chỉ là giúp đỡ tối đa cho con dâu và cháu nội – nhưng cách thực hiện lại khiến nàng dâu cảm thấy cuộc sống của mình đang bị can thiệp, áp đặt.
Và thường, sự giúp đỡ của mẹ chồng lại hay đi kèm việc bà chỉ trích khả năng làm mẹ của nàng dâu. Đúng là các bà đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này nhưng giờ đây, trách nhiệm chăm sóc em bé là của con dâu và con trai. Lúc này, cả hai bên cần có sự hiểu biết và nhạy cảm để hòa hợp với nhau và tránh tạo xung đột gia đình.
Theo ông, nếu nàng dâu cảm thấy bế tắc, hãy nhờ bạn đời giúp đỡ. Tuy nhiên, sự tham gia của người đàn ông có thể làm tình hình tốt hơn, nhưng đôi khi cũng khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Điều này còn phụ thuộc vào sự công tâm và khéo léo của họ. Nam giới có thể cảm thấy bị giằng xé giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất đối với mình.
“Nếu bạn và mẹ chồng không thể tìm thấy sự đồng cảm, có nhiều cách để tránh tranh cãi: Mỗi khi thấy căng thẳng khi đối mặt với bà, hãy hít thở sâu, đếm đến 10, nhớ rằng bà chỉ đang cố gắng muốn giúp bạn, và nếu có thể, hãy rời khỏi phòng và có thời gian thư giãn một mình”, Siobhan Freegard nói trên The Sun.
Các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra một số "bí quyết" để giúp những người mẹ chồng duy trì mối quan hệ tốt với nàng dâu, khi có cháu:
- Hỏi thay vì dạy bảo: Bạn từng nuôi dạy các con và có nhiều kinh nghiệm trong việc này nhưng đừng bao giờ cho rằng mình là người biết những điều tốt nhất. Thay vì khuyên bảo, hãy nói với con dâu là bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cô ấy cần và trả lời những điều cô ấy muốn hỏi.
- Bạn là khách: Khi tới thăm hay ở lại trong thời gian ngắn, nên thích ứng với thói quen của gia đình vợ chồng trẻ thay vì buộc các con phải nghe theo mình. Tránh nói những câu kiểu như: "trước đây, mẹ chẳng bao giờ làm thế này"... Câu này sẽ khiến nàng dâu cực kỳ khó chịu.
- Giúp đỡ con: Luôn đề nghị giúp đỡ những việc có thể mỗi lần đến thăm.
- Tặng quà: Mọi người thường cho tiền con cái sau khi sinh nở nhưng mang đến một món quà nhỏ, như một loại bánh hay hoa quả con dâu ưa thích, chẳng hạn sẽ ý nghĩa hơn nữa.
- Khuyến khích con trai thực hiện vai trò mới: Người đàn ông kia đúng là con trai bạn nhưng cũng là chồng của nàng dâu và hiện tại anh ta phải thực hiện vai trò mới của mình. Bạn sẽ có vị trí lớn hơn trong trái tim con trai nếu biết công nhận điều này.
- Tôn trọng nguyên tắc dạy dỗ con của con dâu: Nếu nàng dâu không muốn bọn trẻ ăn nhiều kẹo ngọt, xem TV lâu, thậm chí cô ấy muốn nuôi dưỡng cháu bạn thành người ăn chay - thì điều này không phụ thuộc vào bạn. Việc dạy dỗ con là của bố mẹ chúng và bạn phải tôn trọng điều đó. Kể cả khi bọn trẻ bị phạt, và bạn không thích điều đó, thì cũng đừng can thiệp vào và nên tránh đi chỗ khác.
Vương Linh