“Bé đã giỏi toán thì nên cho tiếp tục học nâng cao, chứ đừng ép bé phải nhồi thêm ngoại ngữ vào. Ở quê tôi có một cậu bé chỉ đủ tuổi để học lớp 6 nhưng là 'thần đồng' nên đang cùng học lớp 11 với con tôi, chuyện này là bình thường... Nghĩ xem, bé có thể ra trường sớm, cống hiến cho không chỉ đất nước nói riêng mà cho cả thế giới”, độc giả T.P viết thư cho VnExpress.net hôm 12/10.
"Thần đồng" Thanh Ngọc lọt thỏm giữa các anh chị ở trường quốc tế. Ảnh: Hải Duyên |
Một độc giả nickname razor cũng băn khoăn: “Tại sao không để các em có thời gian chơi, bên cạnh gia đình và bạn bè, hãy cho trẻ con một tuổi thơ thật đẹp đi. Tại sao có nhiều ông bố bà mẹ lại quá đề cao chữ ‘thần đồng’ đến vậy? Hãy cân đối giữa học và chơi mới giúp trẻ phát triển toàn diện được.”
“Tôi nghĩ gia đình, nhà trường, cộng đồng cần có những hướng đào tạo phù hợp và khoa học để thần đồng phát triển. Tránh tình trạng chín ép, thui chột thần đồng rất đáng tiếc”, bạn đọc Vũ Phương Chính bày tỏ.
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, giảng viên khoa Toán ứng dụng tin học, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương cho rằng, việc một đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt về một lĩnh vực nào đó cần được xem là chuyện hoàn toàn bình thường. Chính vì thế mà tại các nước tiên tiến như Mỹ, Australia… đứa trẻ đó sẽ vẫn được học chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với lứa tuổi. Riêng môn mà em có năng khiếu đặc biệt sẽ được sắp xếp học vượt cấp tùy vào trình độ hiện có. "Do đó sẽ không có lạ khi mà ở các nước này có những cô cậu bé mới chỉ 13, 14 tuổi đang học đại học", ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, tính chất của nền giáo dục Việt Nam vốn đào tạo theo bằng cấp và trình tự sắp sẵn nên thường khó chấp nhận chuyện học vượt cấp. Vì vậy mỗi khi có trường hợp học sinh nhỏ tuổi mà thể hiện năng khiếu đặc biệt về một môn nào đó thì ngành giáo dục địa phương khá lúng túng trong cách xử trí.
Như trường hợp của “thần đồng” Thanh Ngọc, phát hiện con có khả năng đặc biệt về toán học và tư duy logic, và "biết hết rồi" chương trình giáo dục tiểu học, bố mẹ xin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cho con học vượt cấp lên lớp 12 nhưng bị từ chối vì “chưa có tiền lệ”. Cuối cùng gia đình đành phải cho bé nghỉ học ở nhà... tự đọc sách.
Hiện giờ học trường quốc tế, bé Ngọc chỉ với trình độ Anh văn vỡ lòng lại phải ráng theo chương trình lớp 7 bằng tiếng Anh với lịch học khá dày. Hàng ngày ngoài việc hoàn tất các môn học bằng ngoại ngữ như bao học sinh khác, Ngọc còn học thêm Văn, Sử, Địa tiếng Việt, riêng môn toán thì chỉ mỗi thứ tư hàng tuần được bồi dưỡng cùng với các anh chị lớp 12. Bản thân em cũng cho biết: "Cháu thích học toán nhưng tiếc là ở đây học hơi ít".
Cô bé không khỏi bỡ ngỡ trong môi trường học mới, giáo viên là người nước ngoài. Ảnh: Hải Duyên |
Cũng theo quan điểm của thạc sĩ Thịnh, việc tách "thần đồng" ra để giáo dục bằng một phương pháp đặc biệt có mặt tốt, tạo điều kiện cho em phát huy khả năng để sau này trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đừng để em phải học quá nhiều như hiện nay. Trong khi đó chương trình giáo dục cần phải có sự cân bằng giữa việc học kiến thức cũng như rèn luyện thể chất, vừa học vừa chơi để bé không đánh mất tuổi thơ của mình.
"Có thể hiện nay Ngọc còn đang háo hức say sưa với môi trường mới, điều kiện học hành mới cũng như sự hỗ trợ và khen thưởng nên cố gắng học. Song về lâu dài e là cô bé có thể bị đuối khi chương trình nặng nề", ông nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm là giáo viên dạy học sinh giỏi toán ở một trường quốc tế tại TP HCM, thạc sĩ Phúc Thịnh cho biết thực tế một số học sinh chỉ 4, 5 tuổi đã thể hiện khả năng thiên bẩm về khả năng đọc hiểu văn bản hoặc làm toán. Tuy nhiên một thời gian sau đó khả năng này không còn nữa. Điều này được lý giải do nhiều nguyên nhân: nhà nghèo nên không được học lên cao; hoặc khả năng này chỉ thể hiện ở một thời điểm khi còn nhỏ và lu mờ đi khi bé lớn lên…
Vì thế ông Thịnh khuyên, gia đình và xã hội đừng tạo thêm áp lực tâm lý khi gọi các cô cậu bé nhân tài như thế là “thần đồng”, mà chỉ nên xem các em như người có năng khiếu đặc biệt về một lĩnh vực nào đó.
Nhắc lại câu nói “thiên tài 99% khổ luyện, chỉ 1% là năng khiếu”, ông Thịnh đúc kết: “Một đứa trẻ được xem là thần đồng thường bị sức ép tâm lý rất lớn, lúc nào các em cũng phải gồng mình thể hiện sự thông minh tài giỏi hơn người. Nếu mà khả năng này bị lu mờ thì rất dễ khiến các em bị sốc tâm lý, sợ gia đình, xã hội thất vọng rồi đâm ra chán nản, mặc cảm”.
Cũng đồng tình với những ý kiến của nhà giáo dục Phạm Phúc Thịnh, lại từng tiếp xúc với khoảng 100 trẻ có năng khiếu sớm hoặc vượt trội về một khả năng nào đó, Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư Phạm TP HCM cho rằng, việc giúp các em phát triển khả năng là đáng quý nhưng điều này không đơn giản.
“Trong số các bé này, có những trường hợp khả năng chỉ tạm thời, sau một thời gian thì mất đi. Một số em trội hơn trẻ bình thường nhưng sự vượt trội không quá cao. Nhóm khác, tuy có năng khiếu nhưng lại thiếu cân bằng về tâm lý, ít chịu tiếp xúc với người khác. Vài em giỏi hơn bạn vì được thụ hưởng từ sự tác động của người lớn”, ông Sơn nói.
Cũng theo tiến sĩ Sơn, một em bé được xem là “thần đồng” phải được trải qua quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Các em phải được làm từ 3 đến 5 lần trắc nghiệm, với nhiều loại bài tập khác nhau, hoặc tập trung vào những năng khiếu mà trẻ được cảm nhận là vượt trội.
“Việc xác định trẻ thực sự có năng khiếu hay không sẽ giúp các em và cả người lớn không bị huyễn hoặc”, ông Sơn nói. Riêng quá trình nuôi dưỡng và phát triển năng khiếu đặc biệt của các em, ông Sơn cho rằng ngoài môi trường tốt, cần có chương trình riêng, thích ứng với các em, tập trung vào môn trội năng khiếu nhưng cần bổ sung những biến thức mà bé đang bị thiếu.
Mô hình đào tạo "thần đồng" tại Trung Quốc mang tên “Thiếu niên ban”, sau hơn 30 áp dụng đang vấp phải sự chỉ trích của nhiều người. Họ cho rằng đào tạo "thần đồng" đã tước mất tuổi thơ hồn nhiên cũng như các mối tương quan xã hội của trẻ. Mục đích của mô hình này là đào tạo các "thần đồng" từ 11 đến 15 tuổi trở thành những nhà khoa học hàng đầu. Những người sáng lập cho rằng, nó thể hiện sự đổi mới và mang tính cải cách hệ thống giáo dục quốc gia. Song một bà mẹ có con từng theo học “thiếu niên ban” cho biết, con bà học ở đây từ 14 tuổi. Ban đầu đứa con là niềm tự hào của gia đình, tuy nhiên hiện nay đã đến tuổi trung niên mà cậu vẫn không thể tự làm chăm sóc bản thân hoặc giao tiếp với người khác. |
Thi Ngoan - Thiên Chương