Việc hoàn vé chưa từng có tiền lệ làm show ở Việt Nam, khán giả là đối tượng chịu thiệt nếu chẳng may chương trình bị trục trặc. Nên ứng xử của BTC sau đêm diễn đầu tiên “Đốt lên thành lửa” của Trần Thu Hà và Ngũ Cung khiến nhiều người kinh ngạc. | ||
Thứ Năm, 20/10/2011 - 16:26
Đạo diễn Việt Tú: Từ chuyện “hoàn vé” khán giả đến “văn hóa làm show”
(Dân trí) - Việc hoàn vé chưa từng có tiền lệ làm show ở Việt Nam, khán giả là đối tượng chịu thiệt nếu chẳng may chương trình bị trục trặc. Nên ứng xử của BTC sau đêm diễn đầu tiên “Đốt lên thành lửa” của Trần Thu Hà và Ngũ Cung khiến nhiều người kinh ngạc. >> Đạo diễn Việt Tú: “Sự tinh tế sẽ đến từ những điều giản dị nhất”
Đó là việc ca sỹ chính bị cảm khiến chất lượng chương trình không được như mong muốn, những người đã xem được mời quay lại nghe Hà Trần và Ngũ Cung vào đêm sau; hoặc sẽ được đổi vé sang một show diễn bất kỳ sau đó của Không gian âm nhạc (KGÂN) tháng 10, 11 thậm chí là hoàn lại tiền vé nếu khán giả không thể thu xếp thời gian đi xem lại được. Nhiều khán giả nói rằng, họ cảm động và có chút ngại ngần khi nhận suất xem “đền bù”.
Nhưng chính việc “chơi đẹp” của KGÂN ở số 6 đã khiến người ta chợt nhận ra: đáng lý việc công chúng được tôn trọng, được đối đãi một cách có văn hóa trong mua-bán các sản phẩm mang yếu tố tinh thần phải là điều hết sức bình thường, thì một hành xử tử tế lại bị xem là bất thường (thậm chí hơi điên rồ)… Còn đạo diễn Việt Tú, nhà sản xuất của KGÂN thì nói đơn giản: Với tôi, chuẩn mực của không gian đích thực để thưởng lãm âm nhạc - trước hết phải là một không gian văn hóa!
Nói về tổ chức show, bao giờ cũng là những thông tin: có hoành tráng không? bao nhiêu tỷ đổ vào đó?có chiêu trò gì lạ? Chưa nghe ai nhắc đến cụm từ “văn hóa làm show”. Vậy thế nào là văn hóa làm Show, trong quan niệm của anh?
Mỗi show diễn sẽ nhắm tới những đối tượng khán giả khác nhau nên việc đặt ra một khái niệm chung theo tôi là cũng không thật chính xác. Với trường hợp cụ thể của KGÂN, tôi chỉ muốn đơn giản một điều thế này, mình mong muốn tạo ra một không gian văn hóa nghệ thuật đàng hoàng thì tất cả mọi thứ đi theo nó từ nhỏ nhất như cái phong bì, cái vé in ra, thậm chí cách cư xử của người bảo vệ soát vé cho đến cái lớn nhất là show diễn cần có sự đồng bộ.
Show là cái hạt nhân, nhưng chỉ cái show tốt không thì không đủ. Nhiều khi đi xem một show diễn hay nhưng cái vé in ra không được chuẩn, cách người lễ tân đón tiếp khán gỉa không chu đáo thì cũng là không đồng bộ rồi. Tôi muốn khán giả đến đó KGAN không chỉ xem một chương trình nghệ thuật, mà còn thưởng thức những gì liên quan và diễn ra xung quanh nó. Mình yêu cầu khán giả rất cao, thì ở phía ngược lại mình cũng cố gắng tạo ra một không gian tương xứng với yêu cầu đó.
Đạo diễn Việt Tú
Nếu anh mà là khán giả đi xem những show bình thường, kỹ tính như thế hẳn thường xuyên bị khó chịu…
Đúng là tôi kỹ tính, những thứ làm mình khó chịu nhiều khi chưa chắc đã phải là cái lớn, đa số toàn tiểu tiết, nhưng cứ nghĩ thử xem làm sao có nổi một tổng thể tốt nếu có nhiều cái tiểu tiết dở. Hàng tối ở chỗ tôi, bao giờ tôi cũng bất chợt đi một vòng xem nhân viên có đứng đúng vị trí được phân công không, hướng dẫn khán giả ra vào có đúng quy cách không, xử lý những tình huống cơ bản có được chỉn chu hay không rồi mới vào trong khán phòng.
Những cái chi tiểu tiết như thế, nếu trong không gian lớn (Nhà hát ngàn chỗ, Sân vận động chẳng hạn) thì có muốn cũng đành chịu?
Hoàn toàn không phải vậy, nếu ai cũng nghĩ rằng vì địa điểm tổ chức chương trình lớn khán giả đến đông nên mọi việc cứ phiên phiến thì sẽ rất tai hại. Thử hỏi những live show ở nước ngoài làm ở những sân vận động sức chứa lên tới 50 -60.000 người mà họ cũng nghĩ vậy thì ai sẽ người chịu thiệt nhất, chắc chắn là khán giả.
Tôi đã từng đi xem nhiều chương trình diễn live trên thế giới, mình chủ quan nghĩ là phiên phiến được, đang giữa chương trình tự động đổi sang một chỗ khác cho dễ quan sát, vậy mà sau đó vài phút đã có một người soát vé ăn mặc rất lịch sự đến gần yêu cầu mình về chỗ cũ rồi.
Trở lại show “Đốt lên thành lửa” của Trần Thu Hà và Ngũ Cung, việc hoàn vé có là quyết định khó khăn với anh? Khán giả không ép, sao mình lại tự ép mình?
Có thể nói, việc hoàn vé là một quyết định không hề dễ dàng, vì nó chưa hề có tiền lệ trước đó. Tôi nghĩ mất một đêm trước khi ra quyết định. Thực ra khán giả của KGÂN rất lịch sự, họ chấp nhận gần như vô điều kiện rất nhiều yêu cầu đầy mới mẻ của nhà tổ chức: nào là đặt vé qua mạng, nào là giá vé không hề rẻ, khi cầm tấm vé rồi thì ngay sau đó là một loạt các ghi chú về những ứng xử sau cho phù hợp với khán phòng. Thế mà có những khán giả không cần phải hỏi, cứ mỗi tháng để ra cho họ đúng 1 cặp vé ở đúng chỗ đó, cho dù có đi hay chẳng may đột xuất không đi được họ vẫn trả tiền, thậm chí có trường hợp không đi được, chuyển nhượng lại vé cho người khác cũng điện thoại báo cho nhân viên trực tổng đài để nắm bắt được thông tin còn chăm sóc khách hàng.
Còn trong chương trình của Trần Thu Hà có tới mấy chục khán giả đặt vé máy bay, khách sạn rồi bay từ Sài Gòn ra. Với những điều như vậy, tôi hoàn toàn nghĩ rằng mình không thể nào không có cách ứng xử cho phù hợp với những gì mọi người đang ứng xử với KGÂN. Khán giả không hề yêu cầu điều này, nhưng tôi nghĩ cần phải làm vậy để xứng đáng với những gì mà khán giả đang dành cho KGÂN. Ứng xử lúc khó khăn mới bộc lộ bản chất thật của vấn đề, vì lúc đó nó thử thách lắm, còn những lúc chương trình thành công (cả 5 số trước đều là như vậy) khán giả đến chật khán phòng mình nói sao chẳng được.
Hà Trần trong đêm diễn Không gian âm nhạc số 6
Và chương trình đó, đáng ra rất lãi (làm tận 3 đêm mà) lại thành lỗ?
Lý ra chương trình của Trần Thu Hà cũng sẽ đạt doanh số như mấy chương trình trước đó, đặc biệt là show của Thu Phương, nhưng cuối cùng vì sự cố nên bị lỗ. Bản thân chính Trần Thu Hà sau show diễn cũng tình nguyện chỉ nhận catse 2 đêm, 1 đêm còn lại coi như là chia sẻ với nhà sản xuất. Những ứng xử như vậy trong lúc khó khăn mới là đáng quí. Nếu có thể tính niềm tin của khán giả vào mục lợi nhuận của chương trình, thì quyết định vừa rồi của chúng tôi là có lãi.
Từ hành xử vừa rồi của KGAN, anh có nghĩ việc đền trả khán giả- khái niệm xa lạ này nên trở thành 1 biểu hiện văn hóa đương nhiên?
Tôi không dám phán xét hay định hướng, vì quyết định đã được đưa ra chỉ là của riêng KGÂN, và dành riêng cho khán giả của KGAN. Nhưng với tư cách cá nhân nếu đặt mình vào vị trí của một khán giả đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật, thì tôi rất hạnh phúc nếu được nhà tổ chức chăm sóc và cư xử như vậy.
Cảm ơn đạo diễn Việt Tú!
Hương Quỳnh |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|