Ảnh minh họa: 23rf.com. |
"Sau 7 năm kết hôn, vợ chống mình sống bên nhau như một thói quen và ràng buộc nhau bởi con cái. Mình sợ cảm giác đều đều, nhạt nhạt đó. Và khi anh xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi", cô nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội chia sẻ.
Dù đã có hai con, nhưng Quỳnh trông khá tươi trẻ. Vì lý do công việc, cô thường xuyên tham gia tổ chức các sự kiện và giao tiếp khá rộng. Gần đây, cô gặp Thái - hơn cô 5 tuổi, làm việc cho đơn vị đối tác, tại một buổi hội thảo do công ty cô thực hiện. Ấn tượng tốt đẹp về người đàn ông có vẻ ngoài cao ráo, điềm đạm trong Quỳnh càng lớn hơn khi sau đó, cô và anh có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ. Hai người ban đầu chỉ trao đổi về công việc, thỉnh thoảng chat với nhau vài câu tán tỉnh. Rồi sau vài lần hẹn hò ăn trưa, họ nhanh chóng tìm được nhiều điểm chung về quan điểm sống, sở thích rồi cả sự tận hưởng cuộc sống.
"Chúng mình cảm thấy đây mới là một nửa đích thực của nhau. Nhưng hai đứa đều biết là không thể bỏ gia đình, con cái được. Mình vẫn chăm lo cho con, chu toàn việc nhà, và không biết có thể kéo dài như thế này được bao lâu", Quỳnh thổ lộ.
Chuyện tình nơi công sở hiện nay không còn là chuyện hiếm. Đó có thể là những mối tình nảy nở trong các cuộc gặp gỡ, công tác, họp hành, quan hệ với đốc tác, và thường xuyên nhất, vẫn là những tình cảm sinh từ mối quan hệ đồng nghiệp.
Trong cuốn sách Trí thông minh tính dục - Sexual Intelligence, hai tiến sĩ tâm lý - tình dục người Mỹ là Michael Milburn và Sheree Conrad viết: "Thực tế là không sao tránh được việc nảy sinh tình cảm giới tính ở nơi làm việc. Bởi đó là nơi giao tiếp diễn ra hàng ngày, lặp đi lặp lại, đôi khi xẩy ra trong một thời gian dài giữa những người có cùng chung lợi ích, có những giá trị như nhau. Đó cũng là nơi những cảm xúc mạnh mẽ có thể xuất hiện".
Theo hai tác giả trên thì, có nhiều dấu hiệu có thể cho biết bạn đang có quan hệ một cách không thích hợp với đồng nghiệp: thường xuyên buông những câu tán tỉnh, dành nhiều thì giờ trong ngày để gặp, nói chuyện với một đồng nghiệp mà bạn thích, hay tìm cách để luôn được gần gũi với người đó, hoặc thường xuyên thay đổi cách ăn mặc trước khi gặp người ấy. Đặc biệt, khi bạn hay tâm sự (hoặc muốn tâm sự) với một đồng nghiệp về bạn đời, nhất là nói về những những khiếm khuyết của người đó hay mối quan hệ không tốt đẹp giữa hai người...
Chuyện tình ngoài luồng của anh Long (trưởng phòng một công ty liên doanh ở Hà Nội) cũng đến từ những chia sẻ chuyện buồn gia đình với cô đồng nghiệp. Thấy anh hay ở lại làm muộn, cô bạn cùng phòng hỏi han và ngồi hàng giờ lắng nghe anh dốc bầu tâm sự về nỗi phiền muộn vì mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa vợ và mẹ. Anh cũng bày tỏ ao ước, giá như vợ có được tính dịu dàng, sự cảm thông như cô thì anh sẽ không rơi vào tính huống khó xử này. Chia sẻ với anh, cô gái cũng tâm sự về cuộc sống gia đình không được như ý.
Dần dần, hai người tìm thấy ở nhau nhiều điểm chung. Họ quấn quít, không chỉ gặp nhau ở cơ quan, giờ nghỉ trưa mà còn nhắn tin khi đã về nhà hay hẹn nhau chat đêm khi một trong hai người đi công tác. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Mối quan hệ của họ bị phát hiện. Cô đồng nghiệp chấp nhận bỏ gia đình để cùng anh Long xây dựng hạnh phúc mới, nhưng anh lại cảm thấy chưa sẵn sàng.
"Tôi đã mất nhiều thời gian mới gây dựng được vị trí này. Tôi cũng không muốn mất con. Bố mẹ tôi dù không ưa con dâu, cũng chẳng chấp nhận tôi bỏ cô ấy và đứa con chưa đầy hai tuổi", anh Long cho biết. Khoảng thời gian này anh đang đau đầu chưa biết giải quyết chuyện của mình thế nào.
Nhà tâm lý Minh Hoa, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM cho biết, ngoại tình hiện nay có ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, nhưng đông nhất vẫn là ở nhóm công sở. Theo bà, điểm dễ thấy là các mối tình công sở thường được lên "kịch bản" khá cẩn thận, từ việc tấn công, đến chuyện giấu giếm để mọi người không biết, rồi cách duy trì sao cho lâu dài...
"Khi đi làm, ai cũng cố gắng tạo cho mình vẻ ngoài chỉn chu nhất, họ cũng không phải 'đụng' về vấn đề cơm áo gạo tiền hay chuyện con cái, họ hàng với những người mà mình tiếp xúc... Đó còn nơi thích hợp để nhiều người cảm thấy những cái mới mẻ mà họ không thể có được trong gia đình", chuyên gia lý giải.
Một khảo sát nhanh mới đây trên Vnexpress.net với hơn 2.800 người cho thấy, có tới 1/3 số độc giả được hỏi cho biết, họ có "tình ngoài" nơi công sở vì thấy cảm giác mới lạ, trong khi có gần 1/6 khẳng định lý do là bởi họ có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với người ấy. Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, cứ 10 người thì chỉ hơn một người có quan hệ ngoài luồng nơi làm việc vì chán bạn đời ở nhà.
Bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (quận Phú Nhuận, TP HCM) lý giải, đời sống hôn nhân có nhiều giai đoạn và đến một lúc nào đó sẽ nhàm chán, mất tính hấp dẫn. Đó là quy luật thông thường. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại vốn nhiều áp lực nên khi một trong hai người không chia sẻ, hiểu nhau sẽ càng khiến nửa kia dễ chán hơn. Nếu gặp được ai đó biết lắng nghe, hiểu mình, họ sẽ cảm thấy thích thú và dễ ngã lòng. Và môi trường công sở tạo thuận lợi cho việc này, khi đảm bảo cả hai yếu tố "nhất cự ly, nhì cường độ". Từ chỗ giải tỏa về tinh thần, tìm cái mới lạ, sẽ phát sinh ra mối quan hệ thân mật hơn.
Theo bà, rõ ràng, nguy cơ đổ vỡ gia đình, ảnh hưởng tới công việc là hiển nhiên khi những mối tình ngoài luồng này bị phát hiện. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người bị khủng hoảng trong cuộc sống hôn nhân khi tìm thấy sự chia sẻ, giải tỏa đã có thêm hưng phấn, tái tạo năng lượng tươi mới để đối mặt với những vấn đề của mình và vui vẻ hơn khi về với gia đình. Tất nhiên, điều này sẽ chỉ giữ được khi họ nhận thức được đúng điểm dừng, là tìm sự chia sẻ về tinh thần. Còn khi giới hạn đó bị vượt quá, cả hai sống một cách bản năng thì nguy cơ "mất hết" là tất yếu.
Bà cho biết, một trong những kiểu tình công sở khá phổ biến hiện nay là sếp - nhân viên. Đây thường là kiểu quan hệ có mục đích, động cơ. Sếp thì lợi dụng tuổi trẻ, sự tận trung của cấp dưới. Còn nhân viên, thường là nữ, lại thèm muốn địa vị, quyền lực, tiền tài của sếp, và coi chuyện đổi tình như một bàn đạp để tiến lên. Cũng có không ít cô gái thật sự yêu say đắm ông chủ vì ngưỡng mộ sự từng trải, lịch lãm của người đàn ông trung niên đã có gia đình, "chết" vì sự thấu hiểu tâm lý đàn bà của họ.
"Để tránh những cơn 'say nắng' , không có cách nào khác là mỗi người phải tự xây dựng một hệ thống giá trị sống cho mình, chẳng hạn như không tơ hào tới những mối quan hệ ngoài luồng, quý trọng giá trị mình có, quý trọng gia đình... Có như vậy thì, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ sẽ tránh được những rủi ro. Thực tế, dù mình không chủ động thì vẫn là người quyết định việc này (ngoại tình) có thành hay không", nhà tâm lý chia sẻ.
Điều thứ hai cần chú ý, theo bà, là đừng chia sẻ những tâm sự riêng tư của mình cho đồng nghiệp khác giới. Khi cảm thấy có bức xúc trong gia đình, bạn có thể tìm sự đồng cảm ở những người bạn cùng giới, hay một người tin cậy, chuyên gia tâm lý, và tập trung giải quyết vấn đề của mình trước. Ngoài ra, để tránh quy luật cảm xúc bào mòn gây nhàm chán trong gia đình, cả vợ và chồng cần luôn tìm cách làm mới, thay đổi bản thân. Sự làm mới không phải việc đổi một kiểu tóc hay bộ quần áo... mà phải là cảm xúc, là trong tâm hồn, để mỗi người biết cảm thông chia sẻ với nhau, xây dựng tình nghĩa đậm đà, tạo giá trị gia đình thiêng liêng...
Vương Linh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi