Ba năm sau ngày cưới, tôi bỗng phát hiện một điều: Bà xã tôi hay “kẹt” ở đâu đó với tần số ngày càng nhiều hơn. | |
Thứ Ba, 08/11/2011 - 11:15
Vợ chồng... “kẹt”
Ba năm sau ngày cưới, tôi bỗng phát hiện một điều: Bà xã tôi hay “kẹt” ở đâu đó với tần số ngày càng nhiều hơn.
Điện thoại của tôi luôn nhận được những mẫu tin nhắn như một mệnh lệnh: “Em kẹt, anh về nhà mẹ ăn tối nhé!” hoặc “Em kẹt, anh đi ăn đám cưới một mình nhé!” hay “Em kẹt nên về nhà trễ, anh cứ đi ngủ trước”.
Bà xã tôi là nhân viên của một công ty quảng cáo. Cô ấy luôn kẹt cứng trong đống công việc, những buổi họp hành và gặp gỡ khách hàng. Vì có năng lực, yêu công việc, nên đôi khi, bà xã tôi tự nguyện bị “kẹt” thêm ngoài giờ tại công ty. Có khi, ngồi trong nhà rồi, mà bà xã tôi vẫn “kẹt” trong đống mail phải trả lời gấp, trong những ý tưởng phải viết ra ngay.
Vợ chồng tôi yêu nhau, sống với nhau theo tiêu chuẩn “không nhìn nhau, cũng chẳng cùng nhìn về một hướng, mà mỗi người nhìn vào laptop của mình”. Tôi là một kỹ sư xây dựng, cũng bề bộn với các dự án. Tôi làm việc rất khuya, vợ tôi cũng ít khi đi ngủ sớm. Với hai lao động cần cù, chúng tôi đã biến ngôi nhà thành công sở.
Vì tôi cũng hay “kẹt”, nên không thể mạnh mẽ lên tiếng bảo vợ bớt “kẹt”. Chính vì thế, mà cô ấy tự do và tự nhiên chứng tỏ khả năng “kẹt” hơn hoặc bằng tôi. Đúng là thời hiện đại, “kẹt” không còn là độc quyền của đàn ông.
Vậy mới biết, làm một ông chồng bình đẳng nam nữ không khó, nhưng khổ lắm. Tôi mua một cặp vé xem kịch hay, tính bất ngờ mời bà xã đi xem, để nàng ngạc nhiên reo lên. Chưa kịp nói, cô ấy đã thông báo: “Ăn tối xong, em đi công chuyện với sếp. Sếp không rành tiếng Anh, nhờ em đi theo thông dịch…”. Có một bà vợ tài năng, thiệt là mệt !
Nhưng cũng có khi cô ấy lờ đi lý do. Chưa bao giờ tôi hạnh họe hỏi bà xã đi đâu, làm gì. Tôi cố nghĩ rằng, chắc chắn các lý do đều hợp lý. Bởi có lúc tôi “kẹt” đến mức không kịp nhắn tin hay gọi điện cho bà xã, mà cô ấy chẳng lớn giọng phê bình.
Và hầu như đó toàn là những lúc gặp bạn bè từ xa đến thăm, nên từ bụng ta suy ra bụng người, tôi chẳng một chút hoài nghi bà xã. Nhưng, tôi vẫn lo, vì nghe nói phụ nữ ít có thói quen bù khú tào lao với nhau như đàn ông, hoặc có thì rủ nhau đi ăn, chứ không bị bia bọt làm quên mất gia đình. Vậy có lúc nào bà xã tôi “kẹt” một cách có vấn đề không?
Muốn người khác thay đổi là điều khó, bởi thế tôi quyết định thay đổi bản thân, cụ thể là tôi giảm dần thời gian “kẹt”, tôi về nhà đúng giờ, thậm chí đi chợ, vào bếp nấu ăn. Mục đích của tôi là muốn làm tấm gương cho bà xã để cô ấy cũng tăng lượng thời gian dành cho gia đình, nhất là tính đến chuyện sanh con. Sau hai tuần làm ông chồng “điểm 10”, tôi có thể “lên giọng” để chỉnh đốn bà xã.
Hôm đó, tôi về sớm, mua thức ăn ngon, về đến nhà, lại nhận được tin nhắn: “Em kẹt chút xíu”. Tự nhiên, khác với mọi lần, tôi giận “bầm gan tím ruột”, không thèm nấu ăn, bỏ đi chơi. Khi tôi về nhà, vợ tôi hân hoan ra cửa, tôi quát lên: “Cô vừa phải thôi, cô “kẹt” hoài, thì lấy chồng làm gì”.
Vợ tôi im lặng. Đến sáng hôm sau, cô ấy nấu một món điểm tâm rất ngon, và thông báo lý do: “Hôm qua, em đi bác sĩ để biết chắc rằng mình có thai. Vợ chồng mình đã tích lũy đủ tiền để có con. Bấy lâu nay, em bận bịu với công việc, cũng là để kiếm tiền nuôi con. Bây giờ cả hai phải biết dành thời gian cho gia đình”.
Lần đầu tiên, tôi há mồm, nghe vợ nói hết câu chuyện. Đúng là phụ nữ “kẹt” luôn có lý do chính đáng, còn những ông chồng ngớ ngẩn như tôi là có… vấn đề!
Theo Quang Khải Phụ Nữ TPHCM |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|