Không có tay, phải viết bằng chân, nhưng cô bé Lê Thị Thắm, lớp 6B Trường Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa luôn có kết quả học tập xuất sắc. Em thậm chí có thể thêu khăn và vẽ tranh tặng mọi người. | |||||
Mới đây, em đã được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập”.
Chị Nguyễn Thị Tình - mẹ của Thắm - không thể nào quên một ngày đầu năm 1998, chị đã ngất lịm khi nhìn thấy đứa con được khát khao chờ đợi gần một năm qua của hai vợ chồng chỉ là một hài nhi yếu ớt, nhỏ bé và thiếu hẳn đôi cánh tay. “Khi mới sinh ra, bà ngoại đã đem cháu giấu đi không cho tôi biết, phải đến một tuần sau tôi mới biết cháu bị như vậy, mỗi lần nhìn nó, cho nó bú mà tôi không sao cầm được nước mắt, mọi người ai cũng thấy thương và xót xa cho thân phận cháu” - chị Tình nhớ lại. Thương con tật nguyền, bố mẹ Thắm cố dành thật nhiều tình yêu thương cho em. Anh Lê Xuân Hân, bố Thắm kể: “Trông Thắm lúc ấy tội nghiệp, thân hình gầy tong teo, da xanh lét, ốm đau triền miên, không còn sức sống. Suốt mấy năm trời vợ chồng tôi bồng con lặn lội khắp nơi chạy chữa. Mọi tiền nong tôi đều đổ dồn vào mua thuốc thang cho cháu”. Do khiếm khuyết về thân thể nên phải hơn nửa năm Thắm mới biết lật, một tuổi rưỡi mới biết trườn và ba năm sau bắt đầu tập đi, lên 4 tuổi Thắm mới nói rõ. 5 tuổi, Thắm mới được mẹ cho vào học lớp mẫu giáo. Thương em, cô giáo đã hết lòng tập cho em viết những nét chữ đầu tiên bằng chân. Mỗi lần ra đầu ngõ, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Thắm buồn vì mình không được như các bạn, rồi em cũng nằng nặc đòi đi học. Mẹ ngậm ngùi: “Con có tay mô để cắp cặp, để cầm bút mà viết, đi học làm sao được?”. Thắm nghe vậy buồn lắm, cúi đầu, nước mắt chảy xuống, đầu ngón chân di di dưới đất. Một ý tưởng mới đến với hai mẹ con - luyện viết bằng chân để Thắm được đi học. Em ngồi lì cặm cụi nắn nót từng nét chữ. Do quặp bút nhiều, hai ngón chân Thắm phồng rộp da, tê cứng nhưng em vẫn không nản. Khi học viết bằng phấn, Thắm còn bị phấn ăn vào kẽ chân khiến chân bị loét da, tứa máu. Đêm đêm, mẹ Thắm lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét cho con, nhưng hôm sau vết thương lại như cũ vì Thắm nhất quyết không chịu rời viên phấn, cây bút... Mỗi lần nhìn con tập viết, nước mắt đẫm gương mặt khắc khổ của đôi vợ chồng nghèo. Thấy con thích học chữ, anh Hân bỏ công bỏ buổi kèm cặp cho con chỉ với ý nghĩ là để con đỡ buồn, đỡ cô đơn chứ không dám hy vọng gì hơn. Nhưng không ngờ Thắm lại tiếp thu nhanh và say mê học đến quên ăn quên ngủ. Ngày khai trường người cha ôm vai đứa con tật nguyền vào tận lớp. Cô giáo và các bạn tròn xoe đôi mắt, ái ngại. Như tự khẳng định mình, Thắm vào lớp dùng chân mở cặp, bỏ sách ra viết liền một mạch trong sự ngạc nhiên của cô giáo và các bạn trong lớp. Những ngày học tiếp theo, Thắm kiên trì tập đứng một chân, còn chân kia thì “cầm” phấn viết lên bảng để em có thể xung phong chữa bài tập như các bạn. Cứ như thế, em cần cù, chịu đau, chịu khó, dù vào những ngày nóng nực, mồ hôi nhỏ xuống nhòe hết cả trang giấy, mùa đông đôi bàn chân tê cứng vì cái giá lạnh. Nhiều hôm, do viết nhiều, Thắm bị chuột rút khiến các ngón chân của em bị co quắp, cứng đờ, đau đớn... Nhưng chưa bao giờ Thắm khóc, chưa bao giờ em chịu bỏ cuộc. Suốt 6 năm đi học em chưa từng nghỉ một buổi học nào. Thắm đều làm mọi việc bằng chân trái nhưng chữ viết rất nhanh, rất đẹp, chữ nào ra chữ nấy, tròn vành vạnh và đều tăm tắp. Suốt những năm học qua, em luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Ngoài ra, Thắm còn nhiều lần đoạt giải trong các cuộc thi vở sạch chữ đẹp do trường, huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ tập luyện chăm chỉ, giờ đây đôi chân thon dài nhỏ bé của Thắm còn có thể làm mọi việc thành thạo như đôi tay, thậm chí cả việc rất khó như xâu kim, Thắm cũng chỉ làm trong tích tắc. Những lúc rảnh rỗi, cô bé thường tự thêu khăn tay tặng mọi người. Hình thêu thường là những bông hoa sặc sỡ hay những cánh chim đang tung cánh trên bầu trời... với một vẻ lạc quan, yêu đời.
Vài năm trở lại đây, Thắm thích tự mình làm mọi việc như tự đánh răng, chải đầu, giúp mẹ nấu cơm, tự cầm đũa ăn và dạy em học bài khi bố mẹ ra đồng. Bố Thắm cho biết: “Nhiều khi thấy cháu làm mà tội nghiệp, định giúp cháu nhưng cháu không muốn. Tôi cũng nghĩ, cách giúp con tốt nhất là để cháu tự rèn luyện tính tự lập”. Một sở thích nữa của Thắm là vẽ. Lúc rảnh rỗi, Thắm thường thể hiện ước mơ của mình vào tranh. Năm 2007, Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc thi vẽ tranh, gia đình, Thắm mạnh dạn gửi một bức và giật ngay giải Nhì. Những trang vở do em viết bằng chân trái đã được hiện diện trong cuộc triển lãm mang tên “Những người phụ nữ vượt lên số phận” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Giờ đây, mong ước của Thắm là trở thành một cô giáo, dạy học cho những em có hoàn cảnh như mình. (Theo Gia đình và Xã hội) |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|