Vở kịch xoay quanh nhân vật Hoàng là giám đốc trẻ, đẹp trai, con một trong gia đình bố mất sớm. Mẹ Hoàng muốn con có bạn gái và lập gia đình để sinh con đẻ cái, song anh lại đang có quan hệ tình cảm với Minh, một người đồng giới.
Hoàng (bên phải - Công Danh đóng) đang trao nhẫn cùng Minh (Hoàng Anh) người mà anh yêu. Ảnh: Thiên Chương |
Phát hiện sự việc, mẹ Hoàng buộc con trai phải lấy Lan, một cô gái xinh đẹp là thư ký tại công ty Hoàng vốn lâu nay mang lòng yêu thương sếp. Chiều lòng mẹ, Hoàng cưới Lan và có con trai, nhưng trong suốt 5 năm sau, anh vẫn qua lại với Minh.
Thấy chồng ngày càng lạnh nhạt, Lan nghi ngờ và trong khi tìm hiểu, cô vô tình phát hiện tấm ảnh chồng mình âu yếm cùng Minh. Sự thật đổ vỡ, chịu không nổi đau đớn, Lan bỏ đi song Minh lại là người chấp nhận xa Hoàng trước.
Hoàng hứa với Lan sẽ chuộc lại lỗi lầm bằng cách lo lắng quan tâm đến hai mẹ con, tuy nhiên anh không thể trả lời câu hỏi "Anh có thể yêu em như yêu Minh được không" của vợ mình. Vở kịch có kết thúc mở, Minh đau buồn ra đi, Hoàng như người mất hồn, mẹ và người chú hối hận nhưng đã muộn, còn Lan chỉ biết ôm con khóc.
Bị phát hiện, mẹ và chú kiên quyết bắt Hoàng phải lấy vợ như một người đàn ông bình thường. Ảnh: Thiên Chương |
Có mặt trong khán phòng Nhà hát kịch Thế Giới Trẻ (TP HCM) đêm 23/11, ngoài số ít khách mời, còn lại hầu hết khán giả là người đồng tính. Họ là trí thức, có công ăn việc làm, thậm chí nhiều người thành đạt. Ngoài những cảnh ngắn hài hước, phần lớn thời gian còn lại vở diễn đã khiến người trong giới xúc động.
Vở kịch khép lại trong tiếng vỗ tay và cả những giọt nước mắt của các khán giả đồng tính. Cho rằng nội dung đơn giản thiếu kịch tính, chưa thật hấp dẫn, tuy nhiên nhiều khán giả tỏ ra đồng cảm.
"Chúng tôi nhìn thấy mình trong vở kịch. Nỗi khổ của Hoàng, của Minh, cũng chính là nỗi lòng chúng tôi, những người sinh ra và không hề được chấp nhận", Thuận, sinh viên năm cuối ĐH Y dược TP HCM nói.
Thành Nam nhà ở quận 4 chia sẻ, thực ra những chuyện trong vở kịch không còn xa lạ với người đồng tính nhưng vẫn có sức lay động bởi đã chạm vào nỗi đau của người trong giới. "Ngoài công diễn ở sân khấu, tôi nghĩ "Đỏ Cam Vàng Lục Lam Tím" nên được phát sóng trên các kênh truyền hình để phụ huynh có thể hiểu được nỗi lòng của con", Nam đề nghị.
Nạn nhân của sự ép buộc người đồng tính lập gia đình là những người vợ và cả đứa con. Ảnh: Thiên Chương |
Từng bị bố mẹ ép lấy vợ có con, Minh Dũng, nhà ở quận 3 cho biết, ép uổng của người lớn chính là nguồn cơn dẫn đến một kết cục thảm hại mà nạn nhân chính là đứa con và người vợ.
"Chúng tôi đau khổ vì không được yêu đúng người mình yêu đã đành, càng đau khổ hơn khi lừa dối một người con gái khác. Bố mẹ nên hiểu cho chúng con rằng, chúng con không bệnh hoạn. Sinh ra chúng con đã thế và chẳng phải y học cũng đã công nhận điều này đó sao", Dũng nói.
Có mặt trong đêm diễn, bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, đại diện văn phòng thường trực Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TP HCM nhận xét, qua vở diễn phụ huynh có thể thông cảm hơn cho con mình và điều quan trọng là người lớn có thể cân nhắc để không dồn con đến bước đường cùng.
"Với góc độ chuyên môn, tôi thấy rằng càng không được nhìn nhận thì người đồng tính càng dễ làm chuyện lén lút sai trái. Mọi người thoáng hơn và hiểu cho người đồng tính thì họ mới có nhiều cơ hội hơn để sống tốt, để cống hiến. Đặc biệt, nếu được quan tâm đúng mức, họ cũng có kiến thức để tránh được các bệnh lý lây qua đường tình dục", bác sĩ Huệ nói.
Vở kịch được dàn dựng bởi đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu và các diễn viên quen thuộc như Tiểu Bảo Quốc, Đàm Loan, Hoàng Anh, Thùy Trang, Công Danh. Đây là lần đầu tiên êkíp Nhà hát kịch Thế Giới Trẻ thuộc trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP HCM dựng vở kịch tâm lý xã hội về đề tài đồng tính.
Tựa đề "Đỏ Cam Vàng Lục Lam Tím" được xây dựng từ màu cờ của thế giới thứ ba. Tác phẩm nằm trong dự án truyền thông cộng đồng nhằm vận động xã hội thay đổi cách nhìn nhận về người đồng tính.
Sau đêm đầu tiên, "Đỏ Cam Vàng Lục Lam Tím" sẽ được tiếp tục công diễn tại TP HCM 4 suất trước khi đến Hà Nội.
Thiên Chương