Nhiều người tận mắt chứng kiến đã kể lại rằng, sang bên kia biên giới, nhiều cô gái phải lao động ở môi trường khắc nghiệt, thậm chí còn bị ép, bán vào ổ chứa mại dâm làm nô lệ tình dục. | |
Thứ Bẩy, 03/12/2011 - 09:34
Đắng lòng chuyện lấy chồng “ngoại”
Nhiều người tận mắt chứng kiến đã kể lại rằng, sang bên kia biên giới, nhiều cô gái phải lao động ở môi trường khắc nghiệt, thậm chí còn bị ép, bán vào ổ chứa mại dâm làm nô lệ tình dục.
Với mong muốn hưởng vinh hoa phú quý, nhiều cô gái trẻ ở xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội đã tin vào những lời ngon ngọt của không ít “cò” mai mối, vượt biên “xuất ngoại” sang Trung Quốc tìm giấc mộng đổi đời. Thế nhưng, trong số đó có không ít người một đi không trở lại, nhiều gia đình phải nhận lấy cái giá quá đắt về sự thật của những “giấc mơ hoa” nơi bên kia biên giới...
“Xuất ngoại” tìm chồng
Nghe chuyện “xuất ngoại” tìm chồng ở xã Tốt Động đã lâu, nhưng nay tôi mới có dịp về tận nơi tìm hiểu. Khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng trước đó là một ngôi làng toàn nhà cao, cửa rộng, cuộc sống sung túc đủ bề; khi đến đây tôi mới ngẫm ra một điều, chuyện “xuất ngoại” tìm chồng với giấc mộng đổi đời đã tan biến thật sự.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, một cao niên ở xã Tốt Động cho biết: “Cách đây hơn chục năm, đời sống vùng quê này vô cùng khó khăn. Không cam chịu cảnh bần hàn, nhiều người đã rời quê lên thành phố làm thuê, nhưng chính phong trào li hương khiến không ít cô gái bị dính bẫy của bọn lừa đảo! Con gái tôi cũng lấy chồng Trung Quốc hơn 10 năm nay, nó chỉ gửi ảnh về cho cha mẹ già yên tâm chứ chúng tôi không biết được hoàn cảnh sống của con ra sao”.
Con gái bà Xuyên đi lấy chồng đã hơn 10 năm nay,
bức ảnh gửi về duy nhất để bà biết con mình đã lấy chồng.
Câu chuyện “xuất ngoại”, chúng tôi được nghe đến đau lòng là chuyện của chị Nguyễn Thị H (SN 1983) ở xóm Tròn. Chị H là một trong những nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc 4 năm nay. Khi tiếp chuyện với phóng viên, bà Trịnh Thị M, mẹ của nạn nhân H liên tục kéo vạt áo lau những giọt nước mắt. Bà M kể: “H là đứa con gái ngoan, chăm chỉ. Từ bé đến lớn H chưa một lần bước chân ra khỏi làng. Cuối năm 2007, H được đứa bạn cùng làng rủ lên cửa khẩu làm thuê cho một quán cơm. Ai ngờ nó theo bạn vượt biên sang Trung Quốc tìm chồng để mong đổi đời”.
Tôi hỏi: “Vậy cuộc sống hiện giờ của H ra sao?”. Giọng bà M nghẹn lại, nói câu được câu mất: “Tôi thương con nhưng không biết làm cách nào cứu được nó. Từ lúc đi đến giờ gia đình tôi không nhận được một dòng hồi âm. Chúng tôi tìm kiếm tung tích con bao nhiêu năm mà vẫn “bặt vô âm tín”. Bây giờ không rõ nó sống chết thế nào. Giá như ngày ấy tôi cương quyết không cho nó đi, thì giờ đâu ra nông nỗi này...”.
Trường hợp “vượt biên” của chị Trịnh Thị V cùng xóm với H nghe không ít xót xa. Lập gia đình chưa được nửa năm, cuộc sống nghèo đói, chồng V vào Nam với hy vọng làm thuê kiếm kế đỡ đần gia đình. Vừa xa chồng được một tuần, ở nhà V bị một bà mối dụ sang bên kia biên giới làm ăn. Không ngần ngại V đã quyết định vượt biên. “Kể từ ngày vượt biên đến nay đã hơn 6 năm, nhưng chúng tôi ít biết tin về con gái. Năm 2008, V có gửi về cho gia đình một bức bức thư, trong thư có thông báo đã lập gia đình với một người đàn ông ở Trung Quốc”, ông Trịnh Đình D, bố V kể.
Sự thật bên kia biên giới
Theo lời quảng cáo của các “bà mối” những cô gái đi lấy chồng “ngoại” sẽ có cuộc sống sung túc, ăn no mặc ấm, hưởng sự giàu sang phú quý cả đời. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, đó chỉ là những lời rủ rê, lời hứa hão huyền. Nhiều người tận mắt chứng kiến đã kể lại rằng, sang bên kia biên giới, nhiều cô gái phải lao động ở môi trường khắc nghiệt, thậm chí còn bị ép, bán vào ổ chứa mại dâm làm nô lệ tình dục.
Chị Đỗ Thị B, một trong những cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc may mắn trốn thoát khỏi động mại dâm, kể lại: “Một lần đi làm thuê, tôi quen một phụ nữ chuyên buôn bán hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Khi thân thiết, chị này “hứa” sẽ giới thiệu cho tôi một thương nhân giàu có ở Quảng Đông. Không ngờ khi tôi đồng ý sang bên ấy, mới biết mình bị lừa. Tôi đã bị bán vào ổ mại dâm!”.
Theo lời chị B, ở bên đó có rất nhiều thiếu nữ Việt Nam bị cắt tóc ngang vai, phục vụ khách mua dâm. Nhiều người bị ép dâm, nếu ngoan ngoãn sẽ được các “tú bà” tạo cơ hội cho đi lấy chồng. Những người chống cự sẽ bị đánh đập dã man. Không chỉ vậy, nhiều người khi biết mình bị lừa, không còn con đường nào khác là phải ở lại.
Tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Nhật, có em gái là Nguyễn Thị H, sang làm dâu Trung Quốc hơn 10 năm nay. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nhật tỏ ra lo lắng: “Cách đây khoảng 3 tháng, H có điện thoại về nhà nói rất muốn trở về quê nhưng không có tiền, hơn nữa nhà chồng ép làm việc và giám sát rất kỹ nên cơ hội về quê rất mong manh. Khi nghe tin dữ đó, mẹ tôi đổ bệnh nằm liệt giường”.
Câu chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Dược, có con gái Nguyễn Thị V (36 tuổi) vượt biên làm dâu nước ngoài được 4 năm, nhưng không có một dòng hồi âm. Đầu năm 2008, người bạn cùng vượt biên ở Trung Quốc báo về V đã chết ở bên kia. Nghe tin, nhiều gia đình có con xuất ngoại đến hỏi thăm chia buồn và đã quyên góp tiền cho ông bà sang đất khách đón con gái trở về. “Khi đặt chân đến Quảng Đông, Trung Quốc, tôi được biết con gái mình đã được gia đình bên kia hỏa táng. Tôi xin phép họ được đưa hài cốt con về, nhưng không được. Thuyết phục mãi cuối cùng họ cho tôi một tấm hình và một bộ quần áo lao động của con mang về làm kỷ vật”, bà Kích - vợ ông Dược cho hay.
Bà Nguyễn Thị Kích, mẹ của nạn nhân V, thắp nén nhang cho con gái.
Bà Nguyễn Thị Xuyến (80 tuổi) vì lo cho con lấy chồng xứ người đã đổ bệnh
nằm liệt giường hơn 1 năm nay.
Người dân có ý che giấu
Qua lời kể những nhân chứng mà chúng tôi gặp, các xóm ở xã Tốt Động và nhiều xã thuộc thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đều có con xuất ngoại lấy chồng. Thế nhưng, phần lớn khi được hỏi về thông tin con mình, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu và nỗi lo trĩu nặng trên khuôn mặt ở người thân.
Theo ông Nguyễn Đăng Thảng, Trưởng Công an xã Tốt Động, hiện chưa có con số thống kê chính thức nào về số lượng phụ nữ huyện Chương Mỹ vượt biên trái phép sang làm dâu bên Trung Quốc. Nhưng qua hồ sơ Công an các xã như Tốt Động, Trung Hòa, Trường Yên, Hữu Văn đang xử lý thì số người dân huyện Chương Mỹ đang ở bên kia biên giới không dưới ba con số. “Phần lớn họ là những phụ nữ quá lứa lỡ thì hay những thiếu nữ với khát vọng vượt biên đổi đời”, ông Thảng cho biết.
Cũng theo ông Thảng, toàn xã Tốt Động hiện có 12 xóm, hầu hết các xóm đều có phụ nữ vượt biên lấy chồng ngoại. Cái khó trong quá trình điều tra là khi hỏi người dân ai cũng có ý định che giấu. Mặt khác, đến lúc mất liên lạc họ cũng không làm đơn trình báo. Hơn nữa, những người ra đi khỏi làng đến đăng ký tạm vắng đều bảo đi làm ăn xa, chẳng ai khai đi lấy chồng nước ngoài.
Theo Nghi Xuân Gia đình & Xã hội |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|