Chương trình "Beethoven's Cycle" của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam diễn ra tối 7/12 và 8/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội giới thiệu bản giao hưởng nổi tiếng nhất của thiên tài âm nhạc người Đức Beethoven - Giao hưởng số 9 cung Rê thứ. | |
Thứ Tư, 07/12/2011 - 15:52
Trình diễn giao hưởng nổi tiếng nhất của Beethoven
(Dân trí) - Chương trình "Beethoven's Cycle" của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam diễn ra tối 7/12 và 8/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội giới thiệu bản giao hưởng nổi tiếng nhất của thiên tài âm nhạc người Đức Beethoven - Giao hưởng số 9 cung Rê thứ.
Ludwig van Beethoven sinh ngày 17/12/ 1770 tại Bonn, vùng Rhineland nước Đức. Sau đó, ông rời đến sống ở Vienna từ năm 1792 cho đến khi qua đời. Cha và ông nội của Beethoven là những nhạc sĩ cung đình. Ludwig kế thừa truyền thống gia đình trong khuôn khổ mẫu mực, trở thành một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của lịch sử.
Chương trình được trình diễn dưới bàn tay chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji
Phong cách âm nhạc mạnh mẽ, sôi nổi của Beethoven thấm đẫm trong các tác phẩm của ông, tràn đầy sự tự tin và lòng nhiệt thành. Một lần nữa, sự bất hòa được hòa giải bằng niềm hân hoan. Sự chết chóc, hủy diệt bị xóa tan bởi giai điệu hoan hỷ. Cơn sóng dữ ập đến cuộc sống riêng tư của ông trong đó có sự kiện ông bị điếc vĩnh viễn năm 29 tuổi đã thử thách tinh thần lạc quan trời sinh của ông. Ông đã vượt qua những khó khăn nhờ một chế độ sáng tác nghiêm ngặt. Thậm chí, trong quãng thời gian sáng tác sau này của mình, âm nhạc của Beethoven còn tự do hơn, giàu hình ảnh hơn.
Trong những ngày cuối đời, trên giường bệnh, Beethoven vẫn không khỏi nghiền ngẫm kế hoạch sáng tác Giao hưởng số Mười. Giao hưởng số 9 cung Rê thứ, Op. 125 là bản giao hưởng trọn vẹn cuối cùng của Ludwig van Beethoven. Được hoàn thành vào năm 1824, Giao hưởng số 9 là một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất trong các tiết mục cổ điển phương Tây, và đã được chỉnh soạn để sử dụng như nhạc hiệu của người châu Âu. Tác phẩm này được các nhà phê bình đánh giá là một trong những kiệt tác của Beethoven và là một trong những tác phẩm âm nhạc lớn nhất từng được viết. Bản giao hưởng này chính là ví dụ đầu tiên của một nhà soạn nhạc lớn sử dụng lời ca trong một bản giao hưởng (do đó khiến nó trở thành bản giao hưởng hợp xướng). Lời hát được cất lên trong chương cuối cùng với sự tham gia của bốn nghệ sĩ lĩnh xướng và dàn hợp xướng đồ sộ. Phần lời ca được lấy từ Ode to Joy(Hướng tới niềm vui), một bài thơ của Friedrich Schiller viết trong năm 1785 và được Beethoven chỉnh soạn năm 1803.
Một số nghệ sĩ tham gia chương trình hòa nhạc Beethoven tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm 7-8/ 12 sẽ diễn ra đêm hòa nhạc đặc biệt, trình diễn bản giao hưởng nổi tiếng nhất của ông, bản giao hưởng số 9 cung Rê thứ. Chương trình có sự góp mặt của ba giọng ca cổ điển quen thuộc: Thăng Long (nữ cao), Vành Khuyên (nữ trung), Mạnh Dũng (nam trung) và giọng nam cao nổi tiếng của Anh Adrian Ward. Dàn hợp xướng hùng hậu đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hội Freud Hà Nội, Hợp xướng quốc tế Hà Nội. Toàn bộ chương trình sẽ được trình diễn dưới bàn tay chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji.
N.H |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|