"Thấy chồng hay thở dài, thỉnh thoảng lại bị đám bạn bè, anh em chế vì có toàn 'thị mẹt', mình thấy tội quá. Hơn nữa, ông ấy làm kinh doanh, hay phải đi tiếp khách, cứ bị khích bác mãi thể nào cũng có lúc tức lên làm liều, mình không đẻ lại nhờ người khác đẻ hộ thì chết", chị Dịu kể.
Là giáo viên dạy vật lý tại một trường cấp 2 ở ngoại thành Hà Nội, chị Dịu thừa biết nếu sinh con thứ 3 thể nào cũng bị phạt. "Cũng chỉ là một năm cắt thưởng thôi, mà về kinh tế thì mình không phải lo. Ở trường mình, nhiều người cũng thế, nên dễ thông cảm cho nhau. Ở đâu âu đấy, quê mình vẫn trọng nam khinh nữ lắm, nên phải cố thôi, nếu không khó sống lắm", chị nói.
Chuẩn bị cho lần sinh thứ 3, chị Dịu lên kế hoạch tính toán rất chi tiết, ngoài việc áp dụng các cách được chị em nhà chồng và đồng nghiệp mách, chị còn phải căn làm sao mang thai vào đúng dịp nghỉ hè, giảm được vài tháng phạt.
"Mấy năm trước ở chỗ mình có bác hiệu trưởng vì cố sinh thêm cậu quý tử mà chấp nhận bị cách chức, xuống làm giáo viên thường. Thôi thì được cái nọ mất cái kia", chị Dịu kể.
Sinh được bé trai là mong mỏi của nhiều các cặp vợ chồng nên không ít người chẳng ngại bị phạt, kỷ luật để sinh con thứ ba. Ảnh minh họa: Minh Thùy. |
Theo quy định của Pháp lệnh dân số năm 2008, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Quy định 94 của Bộ Chính trị và hướng dẫn số 11 của Đảng nêu rõ: Đảng viên sinh con thứ 3 sẽ bị cảnh cáo, đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo sẽ bị cách chức; sinh con thứ 4 sẽ bị khai trừ. Với cán bộ công chức, viên chức không phải đảng viên, Tổng cục Dân số cũng kiến nghị, nếu sinh con thứ 3 sẽ bị cách chức nếu như đang giữ chức vụ lãnh đạo và sẽ bị cảnh cáo nếu không giữ cương vị lãnh đạo; sẽ không đề bạt bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, không được chuyển ngạch công chức, kéo dài thời gian nâng lương...
Tuy nhiên, thực tế, vì nhu cầu sinh con trai, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn tìm đủ mọi cách "lách luật".
Trường hợp của ông Toàn, giảng viên một trường đại học có tiếng tại Hà Nội là một điển hình.
Là cán bộ giảng dạy có uy tín, đã có hai cô con gái, một lên 10, một lên 7, nhưng gánh vai con trai trưởng trong gia đình, sức ép phải có quý tử nối dõi khiến ông Toàn luôn mong có thêm "thằng chống gậy".
Cuối cùng, sau nhiều lần bàn bạc, hai vợ chồng ông Toàn quyết định sinh thêm đứa thứ ba. Để khỏi ảnh hưởng tới con đường thăng tiến của chồng, khi mang thai, người vợ về quê nội ở Phú Thọ sống và sinh con. Hai cô con gái cũng về cùng mẹ. Mãi tới khi cậu út được 3 tuổi, vợ chồng ông mới lại đưa cả ba con ra Hà Nội học. Bạn bè và đồng nghiệp thân thiết biết chuyện nhưng đều giả vờ như không.
Vừa cố sinh thêm con, vừa không muốn ảnh hưởng tới công việc tại cơ quan nhà nước, không hiếm người còn áp dụng "kế": con ruột vờ làm con nuôi.
Hai vợ chồng cùng làm việc ở sở xây dựng tại một tỉnh giáp Hà Nội, ngay khi có ý định sinh thêm con thứ ba, hy vọng là cậu ấm, anh Thành, 34 tuổi, đã xin cho vợ nghỉ không lương rồi vào Sài Gòn với lý do chữa u. Tầm hơn năm sau, người ta thấy vợ anh về cùng một bé trai kháu khỉnh và nói là mới nhận nuôi từ bệnh viện.
"Nhìn thằng bé giống hệt bố, ai cũng biết chuyện là thế nào nhưng chẳng thể nói gì. Ông này chỉ 'chết' nếu có ai muốn chơi đểu mà lôi mọi việc ra thôi", một người bạn của anh Thành kể.
Không chỉ dùng "kế", nhiều công chức sẵn sàng chấp nhận bị kỷ luật, hạ quân hàm, thuyên chuyển công tác... vì muốn sinh được con trai. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào "cố" cũng được như ý. Không ít người "mất cả chì lẫn chài" khi con thứ 3 vẫn là gái, dù đã áp dụng để các cách từ sách vở, công nghệ hiện đại đến kinh nghiệm dân gian.
Nhiều hội trên mạng bàn tán rôm rả quanh chủ đề "công chức, đảng viên sinh con thứ 3 có bị kỷ luật" hay "Đang làm nhà nước, vỡ kế hoạch vì muốn có thằng cu, làm thế nào", không ít người đồng tình với quan điểm: "Thật ra việc sinh con thứ 3 chỉ ảnh hưởng chút xíu đến 'túi tiền' và nếu có định lên chức thì bị chậm lại thôi. Như thế chẳng đáng gì so với việc có thêm một 'thiên thần' nữa".
Kết quả một khảo sát do Viện nghiên cứu và phát triển xã hội thực hiện nửa cuối năm 2010 tại 4 tỉnh là Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ngãi và Cần Thơ, cho thấy, tâm lý ưa thích con trai ở Việt Nam bắt nguồn từ hệ thống thân tộc và mô hình cư trú phụ hệ, tạo ra áp lực buộc các gia đình phải có ít nhất một con trai. Mọi người cho rằng con trai là rất quan trọng đối với các gia đình vì con trai tiếp nối dòng dõi; thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ lúc họ về già.
Mọi người thích có con trai không chỉ vì "giá trị" của bản thân người con trai mà còn vì việc có con trai sẽ củng số vị trí của người phụ nữ trong gia đình và khẳng định uy tín của người đàn ông trong cộng đồng. Nam giới và phụ nữ không có con trai thường phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình nhà chồng và phải chịu đựng sự mỉa mai, trêu chọc và xúc phạm của cộng đồng. Tâm lý ưa thích con trai không chỉ là vấn đề duy trì dòng giống gia đình mà còn là vấn đề áp lực, uy tín và sự thừa nhận về đạo đức.
Ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh thanh tra Tổng cục dân số cho biết, thực tế, cũng như những người dân bình thường, nhiều công chức nhà nước vẫn mang nặng tâm lý thích có con trai và có nhu cầu đẻ con trai. Thậm chí, họ còn có lợi thế hơn người để thực hiện việc này, là do có học hành nên dễ dàng tìm hiểu và áp dụng các thông tin hướng dẫn sinh con theo ý muốn...
Về lý thuyết, những trường hợp đó nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm chứ không thể bỏ qua bởi cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sẽ trở thành gương xấu và làm giảm ý nghĩa tuyên truyền giáo dục, thuyết phục trong cuộc vận động giảm sinh và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nhưng trên thực tế, hệ thống luật nước ta chưa có quy định xử lý cụ thể với các trường hợp vi phạm pháp lệnh dân số mà không phải là đảng viên. "Ngay cả những người là đảng viên thì hình thức kỷ luật như thế nào là do chi bộ đảng, đơn vị quản lý trực tiếp đưa ra, áp dụng. Mà ở nước ta, nhiều khi trong cơ quan lại có tính chất bao che, thông cảm cho nhau nên cũng dễ dàng cho qua hoặc xử lý rất nhẹ", ông Bách nói.
Trả lời phỏng vấn Vnexpress.net cách đây ít lâu, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục dân số cũng cho biết, nhà nước ta luôn tôn trọng quyền con người, quyền tự do quyết định sinh sản của người dân. Vì thế, chúng ta cũng chưa có một điều nào quy định rõ các hình thức xử lý đối với những người sinh quá số con quy định mà chỉ có chế tài với từng đối tượng. Bản chất của công tác dân số là tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức, thể hiện trách nhiệm của bản thân với chất lượng sống của gia đình mình và cộng đồng bằng việc sinh ít con.
Vương Linh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi