Ảnh minh họa: 123rf.com. |
Sinh bé thứ hai, vì không có ông bà giúp nên chị Hòa (Linh Đàm, Hà Nội) cuống cuồng tìm người giúp việc. Qua người quen, chị nhờ một bà môi giới người Vĩnh Phúc tìm giúp được osin ưng ý, với mức phí trung gian 700.000 đồng. Thấy người này có vẻ tử tế, chị nhờ bà ta tiếp tục tìm người giúp đồng nghiệp. Ai ngờ, bà này cầm gần một triệu của chị bạn rồi đưa lần lượt 3 người tới nhưng lần nào "osin" cũng chỉ ở được vài hôm là đòi về, hết vì bị ốm, mẹ bị ung thư đến chồng không cho làm...
Đang ái ngại với đồng nghiệp, chị Hòa lại đau đầu khi cô giúp việc nhà mình xin nghỉ. Dò hỏi mãi, chị mới biết, chính người môi giới gọi điện, và mang bánh kẹo tới tận nhà dụ cô bé này sang một gia đình khác làm, và hứa bên đó sẽ trả lương cao hơn.
"Mình ức quá mà không biết làm thế nào, mấy hôm nay gọi điện cho bà ấy mà chẳng liên lạc được. Giờ mình vừa mất osin, vừa mang tiếng với bạn vì giới thiệu cho chị ấy một môi giới lừa bịp", chị Hòa than thở.
Mấy năm lại đây, nhu cầu người giúp việc ở các gia đình đô thị luôn là vấn đề nóng hổi. Tìm được "osin" tốt, giữ họ ở lại lâu dài với gia đình cũng là chuyện nan giải. Và trên hành trình ấy, không ít người tốn tiền lại rước thêm phiền vì đội ngũ môi giới osin với kiểu làm ăn chụp giật, bất tín.
Gửi thư về Vnexpress.net mới đây, chị Nguyễn Kiều Trang (Khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội) bày tỏ nỗi bức xúc vì gặp tình huống này.
Chị Trang kể, đầu tháng 11/2011, chị được bạn giới thiệu với một người đàn ông tên Phố, quê Hà Tây, hứa giúp chị tìm osin với mức lương 2,5 triệu một tháng. Vài ngày sau, ông Phố dẫn tới nhà chị một người phụ nữ tầm 40 tuổi và đòi 800.000 đồng tiền công. Dù ngỡ ngàng vì nghĩ đây là người quen giúp nhau nhưng vợ chồng chị cũng trả tiền. Ông Phố còn đảm bảo sẽ thay người cho chị nếu osin này không làm nữa.
Thế nhưng, một tháng sau, khi người giúp việc lấy đủ lương rồi viện cớ về quê ăn cưới và không quay lại nữa, chị Trang gọi điện thì ông Phố chối quanh, nói chỉ dẫn người khác nếu osin làm việc không tốt, chứ người về không lên là gia đình phải chịu. Chị Trang nói khó mãi, thì ông mới đồng ý tìm người cho nhưng phải đợi vì đợt Tết đang 'cháy', đồng thời đòi chị phải trả thêm 500 nghìn nữa.
"Ông này có một đường dây môi giới người giúp việc lớn cho các hộ gia đình trên Hà Nội. Nếu ai cũng lâm vào cảnh như tôi thì không biết ông sẽ được hưởng lợi bao nhiêu từ việc kinh doanh kiểu này. Đến giờ nhà tôi vẫn chưa có giúp việc vì chờ ông đưa tới, trả thêm 500.000 đồng cho ông không khó nhưng nó đồng nghĩa với việc chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật này, mà điều đó tôi không muốn", chị Trang chia sẻ.
Cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì môi giới người giúp việc, chị Thủy (Tây Hồ, Hà Nội), ấm ức và lên ngay một diễn đàn mạng để "ghi danh" trong một topic chia sẻ về "danh sách những môi giới nên tránh" của các thành viên.
"Bà này chuyên môi giới người giúp việc Phú Thọ, có đặc điểm là da đen, người thấp bé, nói khéo, hay nhắn tin kể lể. Bà ta tìm được người rất nhanh, nhưng toàn là lấy chỗ nọ lấp chỗ kia, còn bày cho người giúp việc cách lừa chủ nhà. Lấy phí thì đắt, 700.000 đồng, mà có tiền rồi là lặn mất tăm", chị kể.
Sau những chia sẻ của chị Thủy, không ít chị em khác cũng thổ lộ, từng là nạn nhân của người môi giới có những đặc điểm tương tự.
Thực tế, hiện nay, không chỉ những người môi giới riêng lẻ có kiểu làm ăn lắt léo, chụp giật, nhiều công ty hay trung tâm giới thiệu người giúp việc cũng khiến không ít gia đình lao đao vì làm ăn thiếu chuyên nghiệp. Gần thời điểm cuối năm, nhu cầu người giúp việc càng lớn, nên không ít người dính "bẫy" như vậy.
Trường hợp của chị Trà (Dịch Vọng, Cầu Giấy) là một điển hình. Chị Trà cho biết, sau nhiều lần mệt mỏi tìm người mà chưa được, vừa qua, chị tới một trung tâm môi giới có vẻ rất chuyên nghiệp để nhờ tìm osin. Sau khi đưa yêu cầu, chị được nhân viên công ty gửi cho một danh sách dài tên các khách hàng kèm địa chỉ và số điện thoại, chứng minh họ được rất nhiều người tín nhiệm. Chị Trà đồng ý làm hợp đồng và trả cho công ty 500.000 đồng, đổi lại, bên trung gian sẽ cấp người theo yêu cầu của chị và đảm bảo thay người trong vòng 4 tháng.
Thời gian đầu nhận người, chị Trà khá hài lòng vì chị giúp việc tuổi trung niên tỏ ra nhanh nhẹn, chăm chỉ. Nhưng chưa đầy tháng, chị phát hiện mất vài đôi giày, mấy bộ quần áo. Đến cuối tháng thứ 2, sau khi nhận lương, osin cũng "bay hơi" kèm theo không ít đồ có giá trị của gia đình chị. Chị Trà tìm đến công ty môi giới thì họ khất lần giải quyết, và người trực tiếp làm việc với chị thì lẩn đi, không thể liên lạc.
"Mình cảm thấy bị lừa trắng trợn và vô cùng thất vọng. Bạn bè của mình cũng không ít người vướng phải chuyện này. Mấy đứa đang bàn với nhau đứng ra lập một công ty chuyên cung cấp osin chuyên nghiệp, chứ cứ thế này thì các gia đình khổ quá", chị Trà chia sẻ.
Cũng từng có nhiều "dấu ấn thương đau" với gần chục người môi giới và giúp việc, chị Chung (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: "Nên thận trọng khi nhờ tới cá nhân hay trung tâm môi giới tìm osin. Bản thân tôi chỉ thuê osin ở cùng quê, hoặc do họ hàng giới thiệu. Và dù vậy, tôi vẫn thu xếp về tận nơi ở của người giúp việc một lần, vừa để yên tâm giao con, giao nhà, vừa thể hiện sự quan tâm đến họ".
Vương Linh