Cuộc sống của những ngày đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên đã vắt kiệt sức ba tôi. Người đã ra đi vì cơn bạo bệnh. Tôi lớn lên trong tình thương, sự bảo bọc của mẹ và chị. | |
Thứ Bẩy, 31/12/2011 - 09:19
Chị vẫn chưa lấy chồng
Cuộc sống của những ngày đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên đã vắt kiệt sức ba tôi. Người đã ra đi vì cơn bạo bệnh. Tôi lớn lên trong tình thương, sự bảo bọc của mẹ và chị.
Cảnh nghèo đã làm tắt lụi ước mơ vào đại học của tôi. Biết tôi buồn, chị thường an ủi động viên. Rồi một ngày chị khuyên tôi vào TPHCM kiếm một việc làm để chen chân vào thành phố. Tôi chia tay vùng quê nghèo khó, để lại mẹ già và căn nhà tranh xiêu vẹo cho một tay chị chăm sóc. Hình chỉ có tính chất minh họa.
Bốn năm làm kẻ tha hương, tôi trải qua nhiều công việc, từ ép vỏ bút bi, đẩy xe trái cây bán dạo đến phụ sửa ô tô, xe máy… nhưng vẫn trắng tay. Mỗi lần nhận thư chị, tôi lại nhận được bao lời động viên và “nhà vẫn bình yên” từ chị.
Lắng trong câu chữ thô kệch, vụng về, tôi cảm nhận có vị ngọt ngào yêu thương của chị. Rồi một hôm tôi nhận được thư báo tin chị lấy chồng. Chị tôi không đẹp nhưng nhan sắc mặn mà dễ coi, hàng xóm ai cũng mừng chị nên duyên.
Tôi về dự ngày vui của chị và quyết định ở lại nhà. Vài tháng sau ngày cưới, chị trở về, tiều tụy, xác xơ. Tôi gặng hỏi, chị đáp nhỏ “chị về ở với mẹ…”. Câu nói bỏ dở mà đôi mắt nhòa ướt.
Ba năm sau, niềm vui của chị là mẹ, tôi và đứa bé không cha. Chị lại khuyên tôi thi đại học. Hình như chị lo cho tương lai của tôi hơn lo cho bản thân chị!
Dù xa rời đèn sách đã lâu, tôi vẫn thi đậu đại học. Ngày tiễn tôi lên đường nhập học, chị vui mừng mà đôi mắt ướt đẫm. Tôi thương chị cơ cực mà nghèn nghẹn trong lòng.
Lại một lần nữa gánh nặng gia đình do một tay chị đỡ đần. Đôi lần về nhà, tôi có ý khuyên chị nên tìm một người nương tựa về sau nhưng chị bảo “còn mẹ và em…” .
Thêm một câu nói không trọn vẹn chứa chan nghĩa tình. Tôi quay đi nặng trĩu kính yêu và ân tình chị dành cho. Càng ngày chị càng trở nên ít nói, cứ lẳng lặng như chiếc bóng, chỉ biết chăm sóc mẹ già, con thơ và cả tôi nữa. Những đồng tiền chị gửi cho tôi như có vị mặn của mồ hôi, đắng chát của nước mắt và ngọt lịm ân tình. Tôi đi qua quãng đời sinh viên bằng tình thương và sự hy sinh của chị.
Có lần hàng xóm vì thương mà khuyên chị lấy người đàn ông lớn tuổi chưa vợ. Chị hỏi ý tôi thế nào chứ chị nguội lạnh tình cảm mất rồi. Tôi cảm thấy vui vui khi nghĩ đến ngày chị có một gia đình dẫu muộn màng nhưng cũng là hạnh phúc.
Hạnh phúc chưa trọn, éo le lại đến với chị tôi. Sắp đến ngày đưa nhau về chung sống thì người đàn ông ấy lại đi theo người đàn bà khác. Chị không khóc mà khuôn mặt buồn u uẩn. Có lẽ chị không còn nước mắt để khóc cho những lần vỡ nát duyên tình.
Chị tôi ngày càng khô héo dần nhưng tôi vẫn được chu cấp để đi trọn ước mơ. Ngày tôi ra trường, đem tấm bằng đại học về nhà hình như chị rạng rỡ lên đôi chút. Rồi chị lại lo tôi không xin được việc. Khi tôi đã là giáo viên, chị lại lo cho tôi từ đôi giày, tấm áo và bữa cơm hằng ngày.
Một đời chị dường như đã vắt cạn xuống đời tôi. Mỗi khi nhìn chị gầy guộc, quắt queo mà nao lòng. Chị vẫn chưa lấy chồng…
Theo NLĐ |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|