Mai hận cuộc đời, hận người đàn bà mình gọi bằng Mẹ, hận cả ánh mắt ráo hoảnh ngày bà bán cô vào nhà chứa, hận ánh mắt gằn lên nhục dục của cha dượng, hận cái đêm mưa gió bão bùng, cô lang thang một mình trong ngõ vắng bị cướp đi đời con gái. | |
Thứ Tư, 04/01/2012 - 11:07
Ngày mẹ bán con vào nhà chứa...
Mai hận cuộc đời, hận người đàn bà mình gọi bằng Mẹ, hận cả ánh mắt ráo hoảnh ngày bà bán cô vào nhà chứa, hận ánh mắt gằn lên nhục dục của cha dượng, hận cái đêm mưa gió bão bùng, cô lang thang một mình trong ngõ vắng bị cướp đi đời con gái.
Đồ con đĩ!
…Rồi mẹ tôi cũng về, bà tới trường tìm tôi. Vừa tan lớp, tôi đã đụng ngay mẹ đang chờ sẵn nơi cổng trường. Ánh mắt hằm hằm dữ tợn, bà lao đến túm tóc, liên tiếp bạt tai vào tôi và miệng không ngớt xỉ vả:
- Đồ con đĩ… mày đi đâu mấy ngày không về nhà… Nứt mắt đã đi làm đĩ rồi… lên xe về ngay bây giờ, tao sẽ nói chuyện với mày!
Tôi cúi gằm mặt, nước mắt tuôn lã chã, chung quanh là lũ học sinh trong trường đang xúm xít bàn tán và đổ dồn ánh mắt về phía chúng tôi. Bà tiếp tục nắm tóc kéo lê tôi đi trước đám đông xôn xao, nhốn nháo.
Khỏi phải nói, lại một trận đòn thừa sống thiếu chết giáng lên cái thân thể gầy gò của tôi, rồi mẹ rủa sả tôi không sót một từ ngữ nào tồi tệ nhất trên đời! Nhưng tôi vẫn cứ mím chặt môi, không một lời phân trần giải thích nào hết, chỉ biết ném ánh nhìn đầy căm hờn, phẫn uất sang phía gã cha dượng hèn hạ!
Những ngày sau đó, tôi đã sống trong sự câm lặng tuyệt đối như một chiếc bóng! Không hề mở miệng với ai lấy nửa lời, tôi rầu rĩ, xanh xao, bỏ bê việc học hành. Cuối cùng, tôi lặng lẽ trốn học vì sợ nếu đến trường, tôi phải đối diện với sự mặc cảm xấu hổ tủi nhục ê chề sau những gì đã xảy ra!
Mẹ tôi nhận được thông báo về việc tôi thường xuyên nghỉ học không lý do, bà lạnh lùng nói với tôi:
- Mày không thích đi học nữa chứ gì? Để đi đánh đĩ phỏng! Được thôi, từ mai ở nhà luôn! Đằng nào thì bây giờ tao cũng không còn điều kiện lo cho mày theo học tiếp nữa! Tốn tiền, tốn gạo!
Con đường học hành của tôi thế là kết thúc. Và tôi ở nhà tối mắt, tối mũi với những công việc phụ giúp gia đình, tiếp tục lặng câm với bao trận đòn của mẹ, rồi lại tiếp tục nỗi sợ hãi, căm hờn bởi mỗi ngày ra vào, tôi vẫn phải đối diện với gã cha dượng đê tiện, bỉ ổi ấy! Giấc ngủ hàng đêm đối với tôi đã trở thành những cơn mơ hỗn loạn đầy ám ảnh, hoang mang!
Cùng quẫn, tôi quyết định tìm đến cái chết mong được giải thoát. Một hôm tôi lén lấy cắp tiền trong tủ của mẹ, ra cửa hàng thuốc tân dược hỏi mua 100 viên thuốc ngủ, nhưng người ta từ chối không bán. Lại tìm đến cửa hàng chuyên cung cấp thuốc diệt chuột, tôi yêu cầu họ bán cho 10 gói. Chắc có lẽ lượng thuốc này vượt quá tiêu chuẩn được phép bán ra hay sao đó, nên họ chỉ chấp thuận giao cho tôi có 3 gói mà thôi.
Tôi đem về pha sẵn ra. Khi đêm đến, tôi ngồi viết thư tuyệt mệnh gửi lại cho mẹ, ướt nhòe nước mắt kể cho bà nghe mọi sự đã xảy ra với tôi… Trời gần sáng, tôi uống liền một hơi thứ dung dịch đã được pha sẵn cho tới giọt cặn cuối cùng.
Song cái chết đã không đến như tôi mong đợi! Lúc tỉnh lại, bàn tay tôi yếu ớt lần tìm trong chiếc gối vẫn ở nơi đầu nằm, lá thư vẫn còn đó mà không ai phát hiện! Sống không được, chết cũng chẳng xong! Tôi đem lá thư đó đốt thành tro bụi, vùi chôn tất cả sự thật đau lòng vào đáy sâu tâm hồn của người con gái, như nụ hoa chớm nở đã bị vùi dập trong cơn giông tố vần vũ, khốc liệt.
Ngày mẹ đẩy con vào nhà chứa
Một buổi chiều, mẹ dẫn tôi tới nhà một người đàn bà phấn son loè loẹt, trên người đeo toàn những món trang sức đắt tiền. Bà ta chăm chăm nhìn tôi rồi gật đầu với mẹ. Còn mẹ quay sang tôi và cất tiếng: “Có lẽ đã đến lúc mày phải có một công việc để nuôi thân! Gia đình này đang khó khăn nên tao không thể cứ nặng gánh mãi được nữa!”.
Đúng hẹn, hôm sau người đàn bà tên Lương đến đón, rồi chở tôi tới một nhà hàng sang trọng. Nhà hàng này khá lớn, nằm trên mộ giao lộ giữa hai mặt phố với bảng hiệu rực rỡ ánh đèn, tốp nhân viên bảo vệ bận đồng phục và mũ đội đầu trắng toát. Tôi bước vào như con bé lọ lem trước bao cặp mắt đầy lạ lẫm của họ, lòng khấp khởi, hồi hộp nghĩ rằng có lẽ công việc mình sắp được nhận là người bưng bê, phục vụ hay gì đó?
Người đàn bà ấy dẫn tôi lên tầng thứ ba - đó là một dãy nhạc bập bùng, tiếng người hát vọng ra rầu rĩ! Đưa tôi vào một căn phòng bỏ trống, bà ta quẳng ra trước mặt tôi vài thứ đồ trang điểm rẻ tiền, một chiếc váy diêm dúa, loè loẹt cùng đôi guốc cao gót nhọn hoắt, rồi giục tôi thay bộ đồ trên người ra. Sau đó, theo lệnh của bà ta, có hai cô gái bước vào, họ chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế và bắt đầu tô vẽ màu mè lên khắp gương mặt đen nhẻm non choẹt của tôi, vừa làm thao tác trang điểm, họ lại vừa dặn dò: - Nhớ khéo léo chiều lòng khách một chút nghe chưa! Làm cái nghề này phải biết chấp nhận mới kiếm được nhiều tiền, em gái ạ!
Lúc này tôi mới bắt đầu hiểu mình được đưa đến đây không phải để bưng bê, phục vụ, mà thực chất là để trở thành một tiếp viên karaoke.
“Cứ mặc kệ xem công việc thế nào” - Tôi chỉ có mấy giây để suy nghĩ bởi ngay sau đó, tôi được điều vào tiếp khách cùng ba cô gái khác. Vị “thượng đế” được tôi kêu bằng “chú” xưng “cháu” thật ngờ nghệch! Ông ta say sưa hát hò ông ổng, thỉnh thoảng quay sang yêu cầu tôi rót rượu. Tôi nín thở, đưa mắt ngó quanh từng vật dụng hiện đại và sự bài trí không gian của căn phòng.
Khi đã ngà ngà say, ông khách rút ra tờ 50 USD xanh lét rồi ê a bảo tôi:
- Tờ đô này… sẽ…là…của em… Chỉ cần em…làm …cho tôi… một việc thôi! Em hãy… cúi người xuống….lau sạch đôi… giày của tôi….bằng lưỡi... Thế nào, em… làm được chứ?
Trong phút chốc, quá khứ nghèo túng, khổ cực thủa xưa hiện lên trong tâm trí tôi. Tong đời mình, chưa bao giờ tôi nhìn thấy số tiền lớn như thế! Chỉ cần tôi làm theo ý ông ta, nó sẽ là của tôi! Nhưng không được! Chẳng ai lại đi “liếm giày” nếu là con người! Ông khách này rõ ràng đang hạ nhục tôi bằng cái cách của một người trí thức biến chất!
Tiếc rằng, tôi chưa kịp nói lời nào thì ông ta đã nắm đầu tôi ấn xuống khiến tôi ngã chúi xuống chân ông ta, đầu tóc rối tung, nước mắt tuôn ra làm nhoè nhoẹt lớp mas-ca-ra chảy thành dòng đen ngòm trên hai gò má.
Ông ta cất tiếng cười khả ố có vẻ khoái chí! Kéo tay tôi dậy, dúi vào đó tờ tiền xanh. Ông ta lè nhè phả hơi nhậu thẳng vào mặt tôi:
- Này con bé! Cô không… biết làm… “cave” là thế… nào… sao?
Rồi ông ta lôi tôi, đẩy ra ngoài cửa phòng…
Tôi đã nhắm mắt đưa chân vào cuộc kiếm tiền ô nhục như thế đấy! Tặc lưỡi chấp nhận! Tôi bất cần bởi cho rằng “đời mình còn gì để mà mất nữa đâu! Càng dấn thân vào kiếp mua vui cho thiên hạ, tôi càng trở nên ngang tàng, hoang dại, nuôi dưỡng đầy lòng thù hận trước cuộc đời. Tôi nhanh chóng hoà nhập vào thế giới của những “cave” với thú vui tiêu tiền vung vãi, những cuộc chơi thâu đêm cùng bài bạc và rượu mạnh. Ban đầu tôi còn về nhà, dần dần chỉ đảo qua, và sau cùng thì gần như biệt tăm, biệt tích.
Mà nói đúng ra, gia đình vốn là mái ấm che chở và nương náu cho mỗi người, song với tôi chẳng là quái gì cả! Đó là nơi tiềm ẩn mối nguy cơ đe doạ tinh thần tôi, mỗi khi chợt nhớ đến là mỗi lần tôi chìm vào nỗi kinh hoàng cứ ám ảnh và đeo đẳng suốt nhiều năm ròng!
Chán đời, tôi muốn tìm quên bằng cách lao như thiêu thân vào từng cuộc đàn đúm thác loạn của đám “cave”. Cuối cùng tôi theo bọn họ làm quen với ma tuý, rồi mắc bẫy giữa vòng vây xiết chặt của nó. Tôi đâu ngờ, phút sa chân mù quáng và dại dột ấy, tôi đã tự đẩy cuộc sống của mình trượt dài xuống vực sâu tăm tối nhất.
Theo Hoàng Sang - Vân Anh VietnamNet
* Bài viết sử dụng tư liệu trong phần tự truyện của nữ phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|