Ảnh minh họa: Spot. |
Lúc con được 4 tháng, chị Lan cũng thấy có kinh nhưng sau đó thì tịt luôn cho đến tận bây giờ. Chị nghe nói bình thường nếu bà mẹ không cho con bú thì 6 tháng, kinh nguyệt đã có thể xuất hiện trở lại. Trong khi đó, con chị giờ đã gần 2 tuổi mà chị vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Mất kinh quá lâu, khiến vùng tam giác của chị thường bị "hạn hán" nên chị rất sợ khi gần gũi chồng.
"Mình rất sợ không hiểu bệnh có bình thường không? Nhỡ mà bị vô kinh hay rối loạn nội tiết thì mệt. Mình đọc thấy mất kinh lâu ngày khi không mang thai có thể do suy buồng trứng sớm nên càng lo hơn", chị Lan chia sẻ.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội), với chị em, kinh nguyệt là một dấu hiệu quan trọng vì có tháng nghĩa là có khả năng sinh con. Vì thế, chỉ cần có trục trặc là đã sợ, không hiểu cơ thể mình có gì bất thường không. Cũng vì thế sự lo lắng của chị Lan, cũng như nhiều sản phụ khác sau sinh cũng là điều dễ hiểu. Có người thậm chí tưởng mình bị u ở đâu đó, nên kinh nguyệt bị tắc không ra được.
Tuy nhiên, nếu loại trừ nguy cơ bị vỡ kế hoạch sau sinh thì thực tế việc không có kinh nguyệt khiến "cửa mình" của chị em bị khô, quan hệ khó hơn nhưng đó chưa phải là dấu hiệu của bệnh lý gì. Vì thế nếu trước khi sinh, chu kỳ kinh nguyệt của chị em vẫn bình thường thì nay cũng không cần tỏ ra quá lo lắng.
Không có một thời gian cụ thể khi nào nguyệt san sẽ bắt đầu trở lại chung cho tất cả phụ nữ sau sinh. Có người sau một tháng rưỡi đến 2 tháng là "đèn đỏ" đã xuất hiện trở lại, nhưng có người lại đến vài tháng, thậm chí 1-2 năm.
"Những bà mẹ không cho con bú sẽ hồi phục lại chu kỳ kinh nguyệt sớm hơn so với những bà mẹ cho con bú. Lý do là vì khi trẻ bú, cơ thể bạn được kích thích tiết ra một loại hoóc môn là prolactin và hoóc môn này sẽ ức chế rụng trứng và không có kinh", bác sĩ Dung nói.
Bên cạnh đó, có chị em, sau sinh một tháng thì có kinh ngay, rồi biến mất đến vài tháng, sau đó lại có lại. Đây không phải là bệnh rối loạn nội tiết. Hầu hết phụ nữ sau khi sinh đều như vậy, đặc biệt là đối với những người cho con bú.
Thông thường chu kỳ sinh lý trong vài lần đầu sau sinh đều không theo quy luật, khoảng cách giữa 2 chu kỳ, lượng kinh nguyệt đều không giống lúc trước khi mang thai. Tuy nhiên nó sẽ dần đi vào ổn định ở những lần tiếp theo, bác sĩ Dung cho biết.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, kinh nguyệt không phải là sự chỉ điểm chính xác về thời gian chị em có khả năng có thai lại vì sự rụng trứng có thể xảy ra trước khi có kinh. Có rụng trứng nghĩa là có thể có thai.
Nhiều chị em thường dựa vào việc cho con bú sữa mẹ như là một biện pháp tránh thai thời kỳ này. Biện pháp này chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Lý do là vì có những cơ thể không tiết đủ lượng prolactin dẫn đến việc rụng trứng. Khi đó việc có thai là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, để an toàn sau khi sinh, chị em nên sử dụng một biện pháp ngừa thai hiệu quả ngay sau khi bắt đầu quan hệ tình dục trở lại.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.