Hạnh uể oải cởi chiếc áo công nhân nồng nặc mủ cao su, nằm vật ra giường. Đêm dài thăm thẳm. Giờ này cả làng công nhân đang say giấc, thi thoảng mới có tiếng xe máy của bọn choai choai đi chơi khuya về vù qua khiến lũ chó giật mình sủa ông ổng... | |
Thứ Ba, 07/02/2012 - 09:46
Ngày mới
(Dân trí) - Hạnh uể oải cởi chiếc áo công nhân nồng nặc mủ cao su, nằm vật ra giường. Đêm dài thăm thẳm. Giờ này cả làng công nhân đang say giấc, thi thoảng mới có tiếng xe máy của bọn choai choai đi chơi khuya về vù qua khiến lũ chó giật mình sủa ông ổng...
Rồi màn đêm trở lại, đen kịt, đặc quánh như muốn nuốt chửng vào lòng nó hàng trăm số phận. Hạnh nhìn trân trân lên trần nhà, trở mình bên này trở mình bên kia chán mà vẫn không tài nào chợp mắt.
Hạnh bỗng thấy nhớ biển, lâu lắm cô không còn nhận ra vị mặn mòi của nó, không ngửi thấy vị tanh tanh nồng nồng trên bãi ngang mỗi độ chiều về, thèm được nghe tiếng cãi nhau í ới khi thuyền về. Với Hạnh biển thiêng liêng, biển lãng mạn, trữ tình và biển cũng nghiêm khắc dữ dội vô cùng những khi nổi cơn cuồng nộ.
Cũng độ tháng Giêng này vào đêm trăng sáng vằng vặc, cô và anh tản bộ trên bờ cát mịn mát lạnh. Một chàng trai biển đen trùi trũi quen ăn sóng nói gió lại run lật bật khi cầm tay con gái, ấp a ấp úng như vịt mót đẻ, mãi mới thốt được một câu: “Ăn yêu em!” mộc mạc, chân chất đầy phương ngữ như những chàng trai bãi ngang này vậy. Không hiểu sao lúc ấy cô lại phì cười. Hạnh ngờ đâu đó là lần đầu cũng là lần cuối được cùng anh đi dưới trăng.
Những cột sóng bạc đầu cao quá nóc nhà đập thình thình, gió rít ào ào, mây đen kéo về như nuốt chửng luôn cái làng chài nhỏ bé. Sáng hôm sau cả làng chài tan nát như vừa qua một trận bom. Cả bãi ngang tiếng người khóc như ri. Trên bản tin sáng, cô phát thanh viên trầm buồn thống kê những thiệt hại. Hạnh lang thang như một người điên, sải những bước chân vô định trên bờ biển. Biển lại xanh, những vệt nắng trải dài bờ cát, những con sóng lăn tăn trêu ngươi như chưa hề có gì xảy ra.
Một năm sau ngày anh mất, cô đăng ký xin công nhân cạo mủ cao su. Vốn con gái miền biển chỉ quen chiều chiều ra bãi ngang ngóng thuyền về, giờ phải làm bạn với tay thùng tay dao trên vùng đất bán sơn địa toàn những người lạ hoắc. Khổ hết chỗ nói! Cả ngày cô quần quật với năm trăm gốc cao su nhận khoán, hết cạo mủ lại bôi thuốc phòng bệnh nấm mốc, cô chỉ muốn công việc để quên đi tất cả. Hạnh quên mất mình đang ở vào độ viên mãn nhất của cuộc đời. Những buổi chiều tà nghe tiếng trẻ con khóc đòi mẹ, tiếng í ới cãi vã của những cặp vợ chồng trẻ trong làng công nhân, những đêm mưa tầm tã, sấm chớp đì đùng, mái ngói cũ kĩ thấm nước mưa chảy tràn cô mới thấy hết sự cô đơn trống trải chen lẫn nỗi sợ hãi. Giá như lúc này có một bàn tay đàn ông thì hẳn trong cô đã vơi hết hoảng hốt, thấp thỏm...
Hạnh chờ đợi một cái gì đó vừa hiện hữu vừa rất xa xôi. Chợt nghĩ đến Thuận, anh chàng luôn tận tình giúp đỡ cô từ khi cô chân ướt chân ráo đến nông trường. Cái anh chàng này cũng lạ, đàn ông đàn ang gì cạy răng cũng không nói một câu. Nhìn cô loay hoay với hai thùng mủ nặng đến bảy chục cân, anh chẳng nói chẳng rằng thoăn thoắn bốc lên xe máy. Tận tâm là thế nhưng anh không hề có ý định lợi dụng cô. Một câu bông đùa cũng không, nghe bọn công nhân nữ bô bô chọc ghẹo anh chỉ cười.
Mấy con bạn trong tổ bảo: “Ngày xưa lão vui lắm, cười nói suốt ngày. Từ khi vợ lão theo trai vào Nam lão mới sinh ra thế. Trông vậy chứ tốt tính lắm, cọc tìm trâu đi thôi”. Cả bọn phá lên cười, còn Hạnh đỏ mặt.
Những câu tếu táo của bọn chúng giờ lại chất thành nỗi nhớ mênh mang. Hạnh trở mình, tiếng gió lùa qua vườn cây vốc từng nắm lá khô nghe rào rào như tiếng mưa. Gà đã gáy sang canh, cánh công nhân cạo sớm chuẩn bị vào ca, tiếng xe máy, tiếng gọi nhau râm ran báo hiệu ngày mới bắt đầu.
Đình Dũng |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|